Ung thư máu

Tìm hiểu chung

Ung thư máu là gì?

Bạch cầu trong máu có trách nhiệm bảo vệ cơ thể, nhưng khi tăng số lượng một cách đột biến sẽ lấn át các tế bào máu khác như hồng cầu và tiểu cầu.

Hiện tượng các tế bào bạch cầu trong cơ thể tăng lên một cách đột biến được gọi là bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng) hay còn gọi chung là bệnh ung thư máu. Đây là căn bệnh ung thư duy nhất không tạo ra khối u.

Dựa theo sự tiến triển của bệnh thì ung thư máu được chia làm hai nhóm:

  • Bệnh bạch cầu mạn: Nhóm này có tốc độ tiến triển chậm, kéo dài theo nhiều năm.
  • Bệnh bạch cầu cấp: nhóm này tiến triển khá nhanh, là thể loại bệnh ác tính hơn.

Còn nếu phân loại bệnh dựa theo dòng tế bào bạch cầu bị ảnh hưởng thì:

  • Bệnh bạch cầu lympho mạn tính (CLL).
  • Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính (CML).
  • Bệnh bạch cầu lympho cấp tính (ALL).
  • Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML).
  • Bệnh bạch cầu tế bào tóc.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư máu

Bệnh ung thư máu thường thì giai đoạn đầu khó phát hiện vì không có biểu hiện, triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân khi phát hiện ra bệnh thì bệnh đã tiến triển một thời gian và xuất hiện các dấu hiệu sau đây:

  • Nhức đầu: thường là các cơn đau đầu dữ dội, kèm theo chứng đổ mồ hôi, da dẻ xanh xao.
  • Đốm đỏ: xuất hiện trên da, cũng có khi là các đốm tím, đó là hậu quả của việc thiếu hụt tiểu cầu trong máu.
  • Đau xương: Các cơn đau xuất hiện ở khớp xương chân, đầu gối, cánh tay,…
  • Sưng hạch bạch huyết.
  • Chảy máu cam.
  • Sốt cao: do suy giảm hệ thống miễn dịch, các tế bào bạch cầu không còn khả năng bảo vệ cơ thể nên dễ dàng bị vi khuẩn, virus tấn công.
  • Đau bụng: kèm theo đó là ăn không ngon miệng, thường xuyên buồn nôn, ói mửa.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ung thư máu

  • Tiếp xúc với các nguồn phóng xạ trong các cuộc thử nghiệm nguyên tử, chế tạo năng lượng,…
  • Làm việc trong môi trường chứa nhiều chất hóa học gây hại như: benzen, formaldehyde.
  • Do thay đổi gen trong cơ thể, mắc một số hội chứng chẳng hạn như hội chứng Down, mắc một số bệnh về máu.
  • Người từng sử dụng các phương pháp như xạ trị, hóa trị để điều trị bệnh ung thư trước đó.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc ung thư máu?

Bất kỳ đối tượng, lứa tuổi hay giới tính nào cũng có khả năng mắc bệnh ung thư máu.

Có một số yếu tố càng làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh ung thư máu, bao gồm:

  • Mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch, nhiễm các loại virus mạnh.
  • Tiền sử mắc một số bệnh ung thư và đã được điều trị hóa trị, xạ trị nhiều lần.
  • Sống trong môi trường ô nhiễm, gần các nhà máy hạt nhân, hoặc khu công nghiệp hóa chất.
  • Làm việc và tiếp xúc nhiều với các loại hóa chất độc hại.
  • Tiền sử nhân thân: trong gia đình có người từng mắc bệnh ung thư máu thì khả năng thế hệ tiếp nối cũng mắc bệnh này rất cao.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư máu

  • Đầu tiên, các bệnh nhân sẽ được khám tổng quát và điều tra bệnh sử, làm nền tảng cho việc tìm hiểu về tình trạng bệnh.
  • Sau đó, bệnh nhân được thực hiện các phương pháp xét nghiệm như: xét nghiệm máu, nước tiểu để tìm xem có sự tồn tại của hợp chất hóa học độc hại nào không, số lượng tế bào bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu như thế nào.
  • Tiếp đến là chụp X–quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc sinh thiết biểu mô tủy xương để tìm nguyên nhân.
  • Trên cơ sở các kết quả thu thập được, các bác sĩ sẽ đưa ra các chẩn đoán chính xác và giải pháp điều trị phù hợp nhất.

Phương pháp điều trị ung thư máu hiệu quả

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, nguyên nhân bệnh và sự xuất hiện tế bào bạch cầu trong tủy như thế nào mà bệnh nhân được các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị hoặc phối hợp nhiều phương pháp để trị bệnh.

Các phương pháp được sử dụng hiện nay để điều trị ung thư máu đó là:

  • Hóa trị: Đưa hóa chất vào tĩnh mạch của bệnh nhân để ngăn chặn tế bào ung thư.
  • Xạ trị: Có thể là xạ trị màng não để ngăn ngừa tế bào phát triển lên não.
  • Thay ghép tủy xương: Mục đích chính là kích thích sản sinh hồng cầu, tuy nhiên phương pháp nào cũng có khả năng thành công rất thấp, khả năng tái phát cũng rất lớn.
  • Dùng thuốc: Để làm giảm các cơn đau, nhức, giảm sốt,…

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư máu

  • Có chế độ ăn uống dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung đầy đủ các loại khoáng chất và vitamin, đặc biệt là vitamin C.
  • Tăng cường vận động thân thể mỗi ngày.
  • Tránh xa các nguồn gây hại cho sức khỏe.
  • Tuân theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng bất thường thì phải liên hệ ngay với các bác sĩ.

 

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan