Ung thư miệng

Tìm hiểu chung

Ung thư miệng là gì?

Bệnh ung thư phát triển ở mô vùng miệng được gọi là bệnh ung thư miệng. Bệnh này có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trong miệng, chẳng hạn như: môi, lưỡi, má, lợi, vòm miệng cứng, vòm miệng mềm, sàn miệng, xoang, họng; nhưng phổ biến xảy ra nhất ở miệng, môi và lưỡi.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư miệng

Những dấu hiệu, triệu chứng của bệnh ung thư miệng rất giống với dấu hiệu, triệu chứng của các bệnh về miệng khác nên rất khó kiểm tra, cụ thể là các triệu chứng sau đây:

  • Sụt cân nhanh nhưng không rõ nguyên nhân;
  • Chảy máu miệng nhưng không tìm ra nguyên nhân;
  • Đau tai trong thời gian dài;
  • Răng rụng;
  • Đau và có cảm giác khó nuốt; khàn giọng hoặc đau họng kinh niên;
  • Giọng nói thay đổi;
  • Sưng vùng cổ, đau đớn có cảm giác như có vật chướng ở họng;
  • Sưng, bong tróc da môi, bong sưng đỏ lợi hoặc vùng khác trong miệng mà hơn hai tuần chưa lành;
  • Tê, đau, mất cảm giác các bộ phận trong khoang miệng.

Ở một số bệnh nhân còn xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng khác nữa nhưng do ít phổ biến nên không được đề cập.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ các dấu hiệu, triệu chứng trên thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viên để thăm khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ung thư miệng

Đột biến nhiễm sắc thể có thể là nguyên nhân gây bệnh ung thư miệng, những DNA di truyền có thể để mặc cho tế bào đột biến phát triển một cách mất kiểm soát mà gây ra bệnh ung thư. Những loại tế bào này thực hiện sai chức năng, dần dần lấn át và gây bệnh cho những tế bào bình thường, khỏe mạnh.

Dù chưa có một nghiên cứu nào làm rõ quá trình tế bào di truyền gây bệnh ung thư miệng diễn ra như thế nào nhưng vẫn tìm ra được nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc ung thư miệng?

Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính, tuy nhiên theo thống kê của Bộ Y tế thì số ca mắc bệnh ung thư miệng chiếm tỉ lệ cao nhất là nam giới từ 44 tuổi trở lên; lứa tuổi trung bình của số người mắc bệnh này là 62 tuổi.

Có nhiều yếu tố càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng, chẳng hạn như:

  • Suy giảm hệ miễn dịch trầm trọng.
  • Hút thuốc lá.
  • Uống rượu, bia, các chất kích thích.
  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.
  • Bị lây nhiễm virus HPV, đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Có tiền sử mắc các bệnh ung thư khu vực miệng – họng.
  • Tiền sử gia đình: trong gia đình có cha mẹ hoặc ông bà mắc bệnh ung thư miệng thì nguy cơ cao con cháu cũng mắc bệnh này.

Theo thống kê của Bộ Y tế thì có đến hơn 25% số ca mắc bệnh ung thư miệng là những người không hút thuốc lá, thỉnh thoảng hoặc không hề uống rượu, các chất kích thích.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư miệng

Đầu tiên các bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát và điều tra bệnh sử. Các bệnh nhân sẽ được tiến hành thực hiện các cuộc xét nghiệm máu, chụp X-quang, CT, MRI hoặc PET scan hoặc sinh thiết tế bào mô để tìm nguyên nhân và biết được tình trạng bệnh hiện tại.

Trên cơ sở những kết quả thu được các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán  và giải pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng bệnh, sức khỏe của từng bệnh nhân.

Phương pháp điều trị ung thư miệng hiệu quả

Dựa vào giai đoạn phát triển ung thư mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Ở giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để cắt bỏ khối u ung thư và các hạch lympho liên quan. Sau ca phẫu thuật này là ca phẫu thuật tái tạo lại cấu trúc miệng và giải phẫu phục hồi chức năng.

Ở giai đoạn sau, bệnh ung thư miệng phát triển, buộc bệnh nhân phải được điều trị bằng nhiều phương pháp kết hợp với nhau, chẳng hạn như:

  • Xạ trị: Dùng tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Hóa trị: Thuốc được đưa vào bằng đường miệng hoặc tiêm vào tĩnh mạch để diệt tế bào mang bệnh.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Thuốc được nhắm thẳng vào tế bào ung thư gốc để diệt chúng và ngăn chặn khả năng phát triển di căn sang các bộ phận khác.

Tuy nhiên, những phương pháp này sẽ đem đến một số tác dụng phụ không mong muốn.

  • Do phương pháp xạ trị: Cơ thể mệt mỏi, sụt cân, thường xuyên nôn ói, khô da, vị giác và khướu giác thay đổi, mắc bệnh tuyến giáp, nhiễm trùng, đau họng hoặc miệng thường xuyên,…
  • Do phương pháp hóa trị: Nôn ói, tiêu chảy, chán ăn, cơ thể yếu và rơi vào tình trạng thiếu máu nặng,…
  • Do liệu pháp nhắm trúng đích: Sốt cao, nôn ói, tiêu chảy, đau đầu, dị ứng,…

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư miệng

  • Tăng cường vận động, nghỉ ngơi hợp lý.
  • Chế độ ăn uống dinh dưỡng, lành mạnh.
  • Bỏ hút thuốc lá, uống rượu, bia, các chất kích thích.
  • Tuân theo những hướng dẫn và chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa để quá trình điều trị được thuận lợi nhất.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

 

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan