Ung thư não

Tìm hiểu chung

Ung thư não là gì?

Sự tăng trưởng khối u ác tính bên trong não được gọi là bệnh ung thư não. Bệnh ung thư não được chia làm hai dạng:

  • Ung thư não bộ nguyên phát: Chiếm đến 75% số ca mắc bệnh ung thư não, nguyên nhân xuất phát từ não.
  • Ung thư não bộ thứ cấp: Chiếm khoảng 25% còn lại của tổng số ca mắc bệnh, có nguyên nhân phát sinh từ cơ quan khác di căn đến não.

Có đến 40% bệnh ung thư não có nguồn gốc xuất phát từ tế bào thần kinh đệm. Khối u tế bào thần kinh đệm lại bao gồm khối u tế bào sao, khối u nguyên bào thần kinh đệm, u thần kinh đệm ít nhánh, khối u màng não thất và khối u nguyên bào tủy.

Các loại bệnh thuộc dạng thứ cấp hầu hết do di căn từ bệnh ung thư phổi, vú, thận, đại tràng và khối u ác tính ở da.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư não

Các dấu hiệu, triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư não đó là đau đầu và động kinh, tất cả là do các khối u ác tính phát triển to dần ra chèn ép vào hộp sọ. Các cơn đau đầu thường xảy ra vào buổi sáng sớm ngay khi vừa thức dậy, càng đau hơn khi hắt hơi hoặc ho.

Các dấu hiệu, triệu chứng biểu hiện còn tùy thuộc vào vị trí khối u trong não, có thể bệnh nhân thay đổi hành vi, đầu óc không tỉnh táo như bình thường, khó khăn trong việc nói năng, trí nhớ kém đi, mất khả năng tập trung.

Ở một số bệnh nhân còn xuất hiện những dấu hiệu, triệu chứng khác nữa nhưng do không phổ biến nên không được đề cập.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng trên, hoặc xuất hiện các cơn co giật thì hãy đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm để được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa. Việc thờ ơ với tình trạng cơ thể có thể tạo điều kiện cho bệnh phát triển mạnh mẽ, không kịp thời chữa trị, bản thân bệnh nhân hứng chịu những cơn đau nặng nề, nguy hiểm nhất là tử vong.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ung thư não

Chưa có một nghiên cứu khoa học nào tìm ra được nguyên nhân gây bệnh ung thư não. Bệnh nhân chỉ có thể biết mình mắc bệnh khi đến bệnh viện thăm khám, xét nghiệm và nhận chẩn đoán từ các bác sĩ chuyên khoa.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc ung thư não?

  • Ung thư não bộ nguyên phát có thể xảy ra bất cứ đối tượng giới tính hay lứa tuổi nào, nhưng phổ biến nhất vẫn là trẻ em dưới 15 tuổi và người trung niên từ 45 tuổi trở lên.
  • Ung thư não bộ thứ phát thường xuất hiện ở người trưởng thành.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư não

Các thông tin nghiên cứu về bệnh ung thư não chưa nhiều, nhưng trước mắt một số yếu tố sau đây được cho là những yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư não:

  • Độ tuổi: Càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
  • Tiếp xúc với nhiều chất độc hóa học, chất phóng xạ.
  • Tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh ung thư não thì thế hệ sau cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư não

Đối với bệnh ung thư não thì ngoài việc điều tra bệnh sử và các triệu chứng xuất hiện ở bệnh nhân thì xét nghiệm máu, sinh thiết biểu mô đem đi nghiên cứu là những phương pháp có thể thực hiện để tìm hiểu về tình trạng bệnh của bệnh nhân.

Trước đó, bệnh nhân có thể được chụp cắt lớp (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để tìm hiểu về tình trạng bệnh của mình.

Phương pháp điều trị ung thư não hiệu quả

Cũng như các bệnh ung thư khác, bệnh ung thư não được điều trị bằng các phương pháp như: xạ trị, hóa trị và phẫu thuật cắt bỏ khối u.

  • Xạ trị: Phương pháp này thường được dùng trong trường hợp các khối u không thể cắt bỏ hoặc không thể cắt bỏ hoàn toàn hoặc sau khi đã từng phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính ở não.
  • Hóa trị: Phương pháp này là phương pháp điều trị ung thư vô cùng phổ biến nhưng trừ trường hợp ung thư não nguyên phát.
  • Phẫu thuật: Việc phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn hay một phần khối u còn tùy thuộc vào loại khối u và vị trí của chúng trong não. Trước và sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được uống các loại thuốc chống động kinh như phenytoin, còn đối với những chỗ viêm sưng trong não thì các bác sĩ sẽ kê toa thuốc chứa steroid (dexamethasone).

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh ung thư não

  • Tái khám đúng lịch hẹn, tuân thủ đầy đủ các xét nghiệm chẩn đoán để quá trình theo dõi và điều trị được liên tục.
  • Tham khảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh từ các chuyên gia dinh dưỡng, các bác sĩ chuyên khoa điều trị cho mình.
  • Tránh xa các yếu tố gây hại cho sức khỏe cũng như làm bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
  • Có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh để bản thân rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài.
  • Tăng cường vận động cơ thể, tham gia thể dục thể thao để tăng cường hệ thống miễn dịch cơ thể.

 

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan