Ung thư thanh quản

Ung thư thanh quản là gì?

Ung thư thanh quản là căn bệnh phổ biến và đặc biệt nguy hiểm, đứng thứ 2 trong các bệnh ung thư vùng đầu – cổ ở nước ta (xếp sau ung thư vòm họng). Ung thư thanh quản là thuật ngữ dùng để chỉ đến khối u nằm trong lòng thanh quản (gồm mặt dưới thanh nhiệt, băng thanh thất, thanh thất Morgagni, dây thanh và hạ thanh môn), các khối u khác vượt ngoài phạm vi các vị trí trên là ung thư hạ họng.

Tìm hiểu chung

Ung thư thanh quản là gì?

Ung thư thanh quản là căn bệnh phổ biến và đặc biệt nguy hiểm, đứng thứ 2 trong các bệnh ung thư vùng đầu – cổ ở nước ta (xếp sau ung thư vòm họng). Ung thư thanh quản là thuật ngữ dùng để chỉ đến khối u nằm trong lòng thanh quản (gồm mặt dưới thanh nhiệt, băng thanh thất, thanh thất Morgagni, dây thanh và hạ thanh môn), các khối u khác vượt ngoài phạm vi các vị trí trên là ung thư hạ họng. Đặc biệt ở Việt Nam ngày càng gặp nhiều thể ung thư thanh quản đơn thuần hơn ung thư hạ họng.

Hầu hết các loại ung thư thanh quản là ung thư tế bào gai, mỏng, các tế bào dát đẹt lót trong thanh quản. Thanh quản gồm có 3 phần:

  • Thượng thanh môn: Phần trên của thanh quản phía trên dây thanh, bao gồm cả nắp thanh thiệt.
  • Thanh môn: Phần giữa của thanh quản nơi có 2 dây thanh.
  • Hạ thanh môn: Phần dưới của thanh quản giữa hai dây thanh và khí quản.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư thanh quản

Triệu chứng của bệnh liên quan đến giai đoạn bệnh và vị trí khối u:

Theo giai đoạn bệnh:

  • Giai đoạn đầu có các dấu hiệu:
    • Khàn tiếng chậm và tăng dần theo thời gian;
    • Nuốt vướng.
  • Giai đoạn toàn phát bệnh:
    • Khó thở tăng dần;
    • Khó nuốt, nuốt có cảm giác đau, thường gây đau lan lên tai;
    • Ho dai dẳng, khạc ra máu;
    • Hơi thở hôi do bội nhiễm;
    • Hạch cổ xuất hiện một bên.

Theo vị trí khối u:

  • Ung thư tầng trên thanh quản:
    • Khàn tiếng nhẹ;
    • Nuốt vướng;
    • Có thể cảm thấy khó thở khi u lớn lấn vào thanh môn.
  • Ung thư thanh thất Morgagni: Các triệu chứng xuất hiện muộn như nuốt đau, do vị trí ung thư ở trong lòng thanh thất.
  • Ung thư dây thanh:
    • Khàn tiếng và ngày càng nặng và không thể khỏi;
    • Ho, khó thở từng cơn khi u lan ra đến mép trước.
  • Ung thư hạ thanh môn: Thường phát hiện ở giai đoạn muộn. Triệu chứng chủ yếu là khó thở tăng dần, khàn tiếng nhẹ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi cảm nhận được sự thay đổi ở cổ họng bao gồm khan tiếng hoặc thay đổi giọng nói, đau cổ… mà không dứt thì bạn nên đến bệnh viện để nhận được tư vấn. Nếu bác sĩ cảm thấy có nguy cơ thì bạn sẽ được xét nghiệm và chẩn đoán lâm sàng. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ung thư thanh quản

Hiện tại theo các nhà khoa học vẫn chưa có nguyên nhân chính xác gây ra bệnh. Trong tất cả các loại bệnh ung thư thì đều liên quan đến ADN bị thay đổi, làm cơ thể không kiểm soát được sự tái tạo tế bào. Hậu quả là làm cho các mô tăng sinh đột biến dẫn đến bướu hay cò gọi là khối u.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị ung thư thanh quản?

  • Ung thư thanh quản hay gặp ở lứa tuổi 50 – 70, bệnh tương đối hiếm ở những người ở độ tuổi dưới 40.
  • Nam giới có nguy cơ bị ung thư thanh quản cao gấp 4 lần so với phụ nữ.
  • Người ta nghi ngờ việc mắc ung thư thanh quản có liên quan đến hút thuốc lá, những người tiếp xúc với niken, amiang, crom hay có tiền sử chạy tia xạ tuyến giáp, đường ăn và đường thở.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Hút thuốc lá kết hợp với sử dụng rượu, bia.
  • Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến vùng đầu cổ.
  • Người phải thường xuyên tiếp xúc với acid sulfuric hoặc niken có nguy cơ cao bị ung thư thanh quản.
  • Nhiễm virus, trào ngược dạ dày…

Điều trị hiệu quả

Phương pháp dùng để xét nghiệm và chẩn đoán ung thư thanh quản

Bác sĩ sẽ dựa trên bệnh sử và tiến hành một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh:

  • Thăm khám thực thể họng và cổ: Dấu hiệu có hạch sưng ở cổ và quan sát qua gương để đánh giá các bất thường.
  • Nội soi thanh quản với gương hoặc với optic soi thanh quản. Nội soi giúp bác sĩ có thể đánh giá hoạt động của thanh quản và bất thường của các vùng trong thanh quản, qua đó có thể bấm sinh thiết chỗ nghi ngờ.
  • CT scan (CAT scan): Hình ảnh chi tiết để đánh giá các vùng bên trong cơ thể với nhiều góc độ.
  • MRI: Chuỗi các hình ảnh chi tiết đánh giá các vùng trong cơ thể.
  • Sinh thiết: Lấy các mô hoặc các tế bào để quan sát dưới kính hiển vi tìm tế bào ác tính.
  • Chụp nhuộm đường tiêu hóa trên.

Phương pháp điều trị ung thư thanh quản hiệu quả

Tùy theo giai đoạn bệnh, vị trí và kích thước khối u, bệnh tái phát mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị. Mục đích chính là giúp bệnh nhân giữ được khả năng nói, ăn và thở như bình thường ở mức có thể. Các phương pháp điều trị chính cho ung thư thanh quản bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp các phương pháp trên.

  • Xạ trị: Sử dụng những tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn chúng phát triển. Xạ trị đơn thuần trong điều trị ung thư dây thanh có hiệu quả cao.
  • Phẫu thuật: Cắt bỏ một phần khối u thanh quản khi khối u còn khu trú chưa có di căn. Đây là phẫu thuật bảo tồn, sau mổ bệnh nhân còn bảo tồn các chức năng phát âm, thở qua đường mũi.
  • Hóa trị: Sử dụng thuốc các loại thuốc làm ngừng sự phát triển của tế bào ung thư, thường được tiêm vào mạch máu.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư thanh quản

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Vận động và tập luyện thể thao điều độ.
  • Khi cạo râu, bệnh nhân nên sử dụng dao cạo râu nhựa để tránh làm tổn thương da sau phẫu thuật.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh có dấu hiệu tái phát.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

Bệnh nhân mắc ung thư thanh quản cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kết hợp cùng với liệu pháp điều trị để bệnh diễn biến tốt hơn:

  • Cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ năng lượng và protein để giúp bệnh nhân không bị sút cân.
  • Nên ăn thức ăn lỏng, ẩm như nước sốt, cháo, súp giúp dễ nuốt.
  • Hạn chế ăn đồ cứng khó nhai nuốt, thực phẩm cay nóng…

Những phương pháp phòng bệnh hiệu quả

Bệnh có thể phòng ngừa bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ

  • Không hút, nghiện thuốc lá.
  • Hạn chế uống rượu.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất và khoa học. Ăn nhiều rau xanh, chất xơ, hoa quả, uống nhiều nước. Tránh ăn quá nhiều các đồ ăn nóng, cay, đồ nướng, chiên,…
  • Khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường trong cơ thể.

 

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan