Ung thư vú

Tìm hiểu chung

Ung thư vú là gì?

Ung thư vú là tình các tế bào vú phát triển bất thường và thường không rõ nguyên nhân. Những tế bào này phân chia nhanh hơn các tế bào khỏe mạnh, có thể sinh sôi rất nhanh ở các mô xung quanh, hoặc có thể di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Hầu hết các trường hợp bệnh xuất hiện ở nữ giới. Tuy nhiên nam giới cũng có một số ít trường hợp có thể mắc bệnh này. Đây là loại ung thư gây tử vong nhiều nhất ở phụ nữ, chị em nên lưu ý phòng tránh và kiểm tra sớm.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vú

Giai đoạn đầu của bệnh thường không gây đau đớn và có thể không có triệu chứng gì. Khoảng 10% bệnh nhân không bị đau, không thấy khối u hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh. Nếu khối u vú phát triển có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Khối u ở vú: Thường chỉ thấy có khối u nhỏ ở vú, bề mặt gồ ghề không đều, mật độ cứng chắc, ranh giới không rõ ràng.
  • Thay đổi da trên vị trí khối u: Thường gặp nhất là dính da, co rút da có dạng dính như “lúm đồng tiền”.
  • Khối u xâm lấn ra ngoài da gây sần da cam, gây vỡ loét chảy máu. Da vú ở vị trí trên khối u đỏ lên và nóng tại chỗ, có thể có phù da, sần da như vỏ cam (gọi là sần da cam).
  • Thay đổi hình dạng núm vú: Khối u ở gần núm vú có thể gây tụt núm vú, lệch núm vú, có trường hợp gây loét núm vú.
  • Chảy dịch đầu vú: Dịch chảy có thể là dịch không màu, dịch nhầy, nhưng thường là dịch máu.
  • Nếu bệnh không được chẩn đoán và điều trị sớm thì ung thư sẽ phát triển gây lở loét mảng lớn ở núm vú, bầu vú cũng có thể gây mất núm vú.
  • Quầng vú hoặc núm vú có sự thay đổi màu sắc hay xuất hiện nếp nhăn hoặc đóng vảy.
  • Đau vùng vú: Ung thư vú giai đoạn đầu thường không gây đau, đôi lúc bị đau vùng vú, dấm dứt không thường xuyên.
  • Hạch nách sưng to: Giai đoạn đầu hạch nách thường nhỏ mềm khó phát, giai đoạn muộn hạch nách to, cứng chắc, đôi khi dính nhau, dính tổ chức xung quanh nên di động hạn chế.
  • Biểu hiện ung thư vú giai đoạn cuối: Có thể xâm lấn gây lở loét, hoại tử ra ngoài da gây chảy dịch, mùi hôi thối, xâm lấn thành ngực gây đau nhiều. Có thể di căn hạch nách, hạch thượng đòn, xương, não, phổi, gan, gây gầy sút, mệt mỏi, đau nhiều, khó thở, liệt…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn cảm thấy các triệu chứng bất thường ở vú xuất hiện âm ỉ và dai dẳng như trên thì nên lưu ý đến thăm khám bác sĩ sớm. Trường hợp phát hiện sớm ung thư vú có thể giúp hạn chế diễn tiến bệnh và việc điều trị cũng hiệu quả hơn.

Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ung thư vú

Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa xác định chắc chắn nguyên nhân gây ra bệnh, tuy nhiên các yếu tố sau đây có thể đóng vai trò quan trọng trong việc mắc phải:

  • Đột biến Gen: Thường thấy ở đột biến ở gen BRCA1 và gen p53 nằm trên nhiễm sắc thể 17, gen BRCA2 nằm trên nhiễm sắc thể 13. Yếu tố gây đột biến gen có thể là các tia phóng xạ hay virus.
  • Di truyền: Khoảng 18% ung thư vú có yếu tố di truyền nhưng chỉ khoảng 5% là thực sự có yếu tố gia đình.
  • Chế độ ăn và hormone: Người có chế độ ăn nhiều mỡ và đường có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn chế độ ăn ít đường và mỡ, đặc biệt là đối với giới trẻ. Cần lưu ý một số loại hormone như: Prolactin, Estrogen, Progestin (thường có trong các thuốc tránh thai) khi dùng lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ trẻ.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị ung thư vú?

Bệnh phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trên 40 tuổi. Tuy nhiên bệnh vẫn có khả năng xảy ra ở nam giới nhưng chỉ ở trường hợp hiếm gặp. Bạn cũng có thể kiểm soát bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc phải.

Các yếu tố có nguy cơ cao (làm tăng khả năng bị bệnh hơn 3 lần):

  • Tuổi trên 40.
  • Đã bị Ung thư trước đây ở một bên vú.
  • Ung thư vú gia đình.
  • Tăng sản tuyến vú không điển hình.
  • Không có con.
  • Có thai lần đầu muộn (sau tuổi 31).
  • Hội chứng Klinefelter.
  • Bệnh phì đại tuyến vú ở nam giới.
  • Tiền sử gia đình đã có nam giới bị Ung thư vú.

Các yếu tố nguy cơ trung bình (tăng khả năng bị bệnh 1,2-1,5 lần):

  • Bắt đầu có kinh nguyệt sớm.
  • Mất kinh muộn.
  • Uống nhiều estrogens.
  • Có tiền sử bị ung thư buồng trứng, đáy tử cung hoặc đại tràng.
  • Mắc bệnh đái tháo đường.
  • Dùng nhiều thức uống có cồn.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư vú

Các bác sĩ có thể chẩn đoán ung thư vú bằng cách dựa vào ba bước thường thấy:

  • Lâm sàng: Khối u vú thường không gây đau, một số trường hợp có chảy dịch đầu vú, u có mật độ cứng rắn, mặt gồ ghề, ranh giới có thể rõ hoặc không. Với những trường hợp phát hiện muộn, u có thể xâm lấn vào thành ngực làm hạn chế di động hoặc xâm nhiễm da tạo hình ảnh “sần da cam” hoặc vỡ loét, đôi khi như một viêm tấy lan toả vùng vú (ung thư vú thể viêm). Cần lưu ý khám hạch thượng đòn và tuyến vú đối bên.
  • Chụp X-quang tuyến vú: Tổn thương điển hình có dạng hình sao nhiều chân, co kéo tổ chức tuyến vú, có nhiều chấm vi canxi hoá tập hợp thành đám.
  • Xét nghiệm tế bào học: Thường thấy các tế bào ung thư mất sự kết dính, đa hình thái, tỷ lệ nhân/nguyên sinh chất tăng, nhiều nhân quái nhân chia, bào tương kiềm tính.

Nếu vẫn còn nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết kim, sinh thiết tức thì hoặc sinh thiết mở thường quy để khẳng định chẩn đoán.

Phương pháp điều trị ung thư vú hiệu quả

Sau khi chẩn đoán, tùy theo giai đoạn của bệnh, triệu chứng lâm sàng, tuổi của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị là phẫu thuật cắt bỏ khối u, xạ trị, hóa trị, liệu pháp hormone để tư vấn cho bệnh nhân. Các phương pháp cũng có thể hối hợp với nhau tùy theo từng giai đoạn điều trị.

  • Phẫu thuật: Cắt bỏ khối u, cắt bỏ một hoặc hai bên vú. Có thể áp dụng phương pháp tạo hình sau phẫu thuật.
  • Xạ trị: Sử dụng tia X năng lượng cao giết các tế bào ung thư và làm co nhỏ khối u.
  • Hóa trị: Dùng thuốc để phá hủy tế bào ung thư. .
  • Liệu pháp hormone: Các thuốc làm giảm ảnh hưởng của estrogen trong cơ thể
  • Liệu pháp sinh học hay liệu pháp miễn dịch, cách điều trị này kích thích hệ miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư vú

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh có dấu hiệu tái phát.
  • Tập thể dục thường xuyên như đi bộ ngắn giúp hạn chế sự mệt mỏi và tăng cường sức lực.
  • Bỏ hút thuốc và hạn chế dùng thức uống có cồn.
  • Tránh giảm cân và giữ cân nặng lý tưởng cho phép.

Chế độ dinh dưỡng:

Bệnh nhân nên có lối sống lành mạnh và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị.

  • Thực hiện theo chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục thường xuyên.
  • Nên chia nhỏ các bữa ăn và ăn nhiều lần trong ngày.
  • Nếu không thể cung cấp thức ăn bằng đường tiêu hóa, các bác sĩ điều trị sẽ chỉ định cho bệnh nhân nuôi dưỡng theo đường tĩnh mạch như truyền đường, đạm, điện giải… để đảm bảo đủ mức dinh dưỡng cho cơ thể.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tuy không có cách phòng tránh hoàn toàn, nhưng mọi người có thể lưu ý các phương pháp sau có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú:

  • Ăn thực phẩm có nhiều chất xơ có trong hoa quả tươi và rau xanh và ngũ cốc.
  • Ăn nhiều hoa quả và rau xanh chứa các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ bạn khỏi ung thư..
  • Nên ăn thực phẩm từ đậu nành gồm đậu phụ, sữa đậu nành và các sản phẩm được làm từ sữa đậu nành. Nhiều nghiên cứu cho rằng các chất trong đậu nành có thể ức chế sự phát triển và lớn hơn của tế bào ung thư.
  • Hạn chế mỡ trong chế độ ăn có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Hạn chế thịt màu đỏ như thịt bò, thịt lợn và thịt bê.
  • Hạn chế rượu và thuốc lá.
  • Hoạt động thể lực đều đặn 30 phút/ngày có thể giảm được 10% nguy cơ này.
  • Duy trì trọng lượng khỏe mạnh. Nguy cơ mắc bệnh cao nếu bạn tăng cân khi về già, nhất là sau khi mãn kinh.
  • Tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.

 

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan