Viêm gân

Tìm hiểu chung

Viêm gân là gì?

Gân có đặc tính dai nhưng mềm dẻo tạo nên sự đàn hồi giống như cơ đảm nhiệm vai trò: giảm thiểu tối đa các nguy cơ đứt khi có vận động đột ngột.

Khi gân bị viêm có thể dễ dàng nhận thấy là những cơn đau âm ỉ, tăng giảm theo chu kỳ tại vị trí tổn thương. Viêm gân thường gặp nhất là viêm gân cổ tay, viêm gân gót chân hay viêm gân đầu gối thường hay gặp. Người bị viêm gân thường bị cản trở nhiều trong vận động do các cơn đau.

Một số trường hợp viêm gân khỏi tự nhiên nhưng không ít người viêm gân trở thành mãn tính, có thể gây biến chứng rách đứt gân làm mất chức năng vận động.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm gân

Một trong những biểu hiện cụ thể nhất của bệnh là đau. Bên cạnh đó, những dấu hiệu của bệnh viêm gân thường nhầm lẫn với các bệnh lý xương khớp khác nên người bệnh thường chủ quan. Một số dấu hiệu của bệnh phổ biến nhất:

  • Đau nhức âm ỉ vùng bị viêm. Đau có tính chu kỳ, từ đau liên tục đến đau mạnh, giảm dần rồi lại tăng lên.
  • Sưng nhẹ, ấn vào đau nhói và khó cử động co cơ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hầu hết các trường hợp viêm gân có thể tự lành bằng biện pháp tự chăm sóc. Tuy nhiên nếu các triệu chứng không thuyên giảm và kéo dài hơn 1 tuần thì bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm gân

Viêm gân xảy ra do các nguyên nhân sau:

  • Vận động thường xuyên và lặp lại một động tác ở một nhóm gân cơ.
  • Tổn thương trực tiếp vào vị trí gân cơ: do tai nạn lao động, tai nạn giao thông…
  • Các cử động mạnh đột ngột hay làm việc quá sức, vận động sai tư thế.
  • Mắc một số bệnh lý như: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, rối loạn chuyển hóa,…
  • Các nghề nghiệp phải sử dụng bàn tay nhiều như: làm ruộng, giáo viên, nội trợ, cắt tóc… là điều kiện thuận lợi gây viêm gân.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị viêm gân?

Người tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người trẻ. Vì người già gân trở nên ít linh hoạt hơn, điều này làm cho chúng dễ dàng tổn thương.

Yếu tố công việc cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm gân. Viêm gân phổ biến hơn ở những người có công việc liên quan đến: Chuyển động lặp đi lặp lại, rung, gắng sức mạnh.

Người chơi những môn thể thao như bóng chày, bóng rỗ, chạy, bơi, tennis… cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm gân.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm gân

Để chẩn đoán viêm gân, bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp:

  • Khám lâm sàng và xem xét các triệu chứng của người bệnh.
  • Điều tra bệnh sử và hỏi về các yếu tố có nguy cơ dẫn đến viêm gân.
  • Chẩn đoán hình ảnh như chụp phim thấy gân dày lên, có thể có điểm vôi hoá. Siêu âm nhìn thấy điểm vôi hoá. Chụp cộng hưởng từ thấy dấu hiệu viêm gân.

Phương pháp điều trị viêm gân hiệu quả

Mục tiêu của việc điều trị viêm gân là làm giảm cơn đau và giảm viêm. Nhiều trường hợp viêm gân có thể tự lành bằng biện pháp tự chăm sóc tại nhà và uống thuốc theo đơn bác sĩ. Nhưng cũng có thể người bệnh phải được theo dõi tại bệnh viện và tiến hành phẫu thuật khi gân bị rách và có nguy cơ làm mất chức năng vận động. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Dùng thuốc: Tiêm thuốc corticosteroid quanh gân để làm giảm viêm gân và có thể giúp giảm đau. Tuy nhiên, sử dụng corticosteroid nhiều có thể làm yếu gân và tăng nguy cơ bị sưng tấy gân.

Vật lý trị liệu: Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tập luyện một số bài tập phù hợp giúp nâng cao sức khỏe cơ gân.

Phẫu thuật: Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của viêm gân mà bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để tiến hành sửa chữa lại gân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm gân

  • Bảo vệ khu vực bị ảnh hưởng bởi viêm gân để hạn chế những tổn thương khác. Bạn có thể sẽ được hỗ trợ bằng nẹp, nạng, gậy.
  • Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý để chữa lành các mô, tránh hoạt động nhiều làm tình trạng viêm sưng nặng hơn.
  • Chườm đá có thể giúp bạn giảm đau hiệu quả, giảm co thắt cơ và sưng. Bạn có thể chườm vài lần trong ngày, mỗi lần khoảng 20 phút.
  • Nếu viêm gân ảnh hưởng đến đầu gối, nâng cao chân bị viêm cao hơn tim để làm giảm sưng.
  • Mặc dù nghỉ ngơi rất quan trọng nhưng bạn cũng cần vận động nhẹ nhàng để tránh làm cứng khớp.
  • Cũng có thể thử các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như aspirin và ibuprofen hoặc sản phẩm có chứa acetaminophen để giảm sự khó chịu liên quan đến viêm gân.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Để phòng ngừa nguy cơ bị viêm gân, bạn có thể thực hiện một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh hoạt động quá mức và lặp đi lặp lại một hoạt động.
  • Nếu thấy đau trong khi hoạt động, bạn nên dừng lại để tập thể dục và nghỉ ngơi.
  • Nên vận động nhẹ để làm nóng cơ thể trước khi tiến hành hoạt động nào đó.
  • Tăng cường cơ bắp bằng việc luyện tập thể thao sẽ giúp nâng cao sức khỏe và chịu được áp lực tải trọng.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan