Viêm phế quản mạn tính

Tìm hiểu chung

Viêm phế quản mạn tính là gì?

Viêm phế quản mạn tính là tình trạng viêm, có nhiều đờm nhớt trong phế quản gây tắc nghẽn và biểu hiện ho dai dẳng, khó thở. Tình trạng này diễn ra tối thiểu 3 tháng liên tục trong một năm và kéo dài 2 năm liên tiếp.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phế quản mạn tính

Các dấu hiệu – triệu chứng thường gặp của bệnh viêm phế quản mạn tính là:

  • Ho;
  • Đờm trắng đục, vàng nâu hoặc xanh;
  • Mệt mỏi;
  • Khó thở;
  • Sốt nhẹ và ớn lạnh;
  • Khó chịu ở ngực.

Bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Biến chứng có thể gặp do viêm phế quản mạn tính

Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu như không được điều trị kịp thời như khí phế thủng trung tâm tiểu thùy; tăng áp động mạch phổi do giảm tổng diện tích của mạch máu phổi; bội nhiễm: áp xe phổi, lao phổi, viêm phổi; suy hô hấp cấp hoặc mạn tính, thậm chí có thể gây nguy hiểm tính mạng người bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Do những biến chứng nguy hiểm mà bệnh gây ra, hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn thấy xuất hiện những dấu hiệu như:

  • Bệnh kéo dài hơn ba tuần;
  • Khó ngủ hoặc không ngủ được;
  • Sốt cao hơn 38oC;
  • Đờm khạc ra đổi màu;
  • Thở khò khè hoặc khó thở.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm phế quản mạn tính

Chưa rõ nguyên nhân dẫn đến viêm phế quản mạn tính. Nhưng những yếu tố nguy cơ gây bệnh thì rất rõ ràng. Bạn có thể phòng tránh bệnh bằng việc hạn chế các yếu tố nguy cơ.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm phế quản mạn tính?

Viêm phế quản mạn tính là một căn bệnh phổ biến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Hút thuốc: 90% bệnh nhân viêm phế quản mạn có hút thuốc lá.
  • Sức đề kháng thấp.
  • Tuổi: Tuổi cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ do có yếu tố hút thuốc.
  • Khí hậu lạnh và khô.
  • Dị nguyên.
  • Làm trong môi trường ô nhiễm, nhiều bụi.
  • Trào ngược dạ dày.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm phế quản mạn tính

Để xác định bệnh viêm phế quản mạn tính trước tiên cần loại trừ các bệnh gây ho và tạo đờm như: dãn phế quản, hen phế quản, suy tim trái, ung thư phế quản.

Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm phế quản mạn tính bằng một số phương pháp sau:

  • Khám thực thể và điều tra bệnh sử.
  • Kiểm tra chức năng hô hấp: xác định có tắc nghẽn hay không.
  • Chẩn đoán bằng hình ảnh:
    • Chụp X-quang: giúp loại trừ các nguyên nhân gây ho và tạo đờm mạn tính khác.
    • Siêu âm: có thể phát hiện thất phải to, tăng áp động mạch phổi.
  • Xét nghiệm sinh hoá: Đo IgA, IgG, IgM để phát hiện hội chứng giảm kháng thể.
  • Vi trùng học: Nhuộm và cấy vi khuẩn giúp xác định nguyên nhân gây bệnh.
  • Nội soi phế quản.

Phương pháp điều trị viêm phế quản mạn tính hiệu quả

Dựa vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có các phương án điều trị khác nhau, bao gồm:

Dùng thuốc: Sử dụng thuốc giãn phế quản, mở rộng đường lưu thông không khí đến phổi, giúp bạn thở dễ dàng hơn. Khi có dấu hiệu nhiễm trùng sẽ dùng thuốc kháng sinh. Nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê thuốc theophylline giúp xoa dịu các lớp cơ ở đường thở.

Phục hồi chức năng phổi: Phương pháp này bao gồm tập thể dục, dinh dưỡng và các bài tập về hô hấp.

Oxy trị liệu: Khi có dấu hiệu suy hô hấp cấp, dùng oxy kéo dài khi bệnh nhân có suy hô hấp mạn tính.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phế quản mạn tính

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh viêm phế quản mạn tính bằng các biện pháp sau:

  • Tránh hít phải khí ô nhiễm: mang khẩu trang khi ra đường, nhất là nơi có không khí bị ô nhiễm hoặc nếu đang phải tiếp xúc với chất kích thích.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm: Không khí ẩm, ấm giúp làm giảm tình trạng ho và làm lỏng dịch đờm trong đường hô hấp.
  • Cso ý thức phòng bệnh ngay từ ban đầu như ngưng hút thuốc lá, điều trị triệt để khi bị nhiễm trùng đường hô hấp.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan