Viêm tiểu phế quản

Tìm hiểu chung

Viêm tiểu phế quản là gì?

Viêm tiểu phế quản là tình trạng nhiễm trùng cấp tính của các phế quản có kích thước nhỏ, đường kính nhỏ hơn 2mm hay còn được gọi là các tiểu phế quản. Đây là tình trạng chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ do các tiểu phế quản chưa phát triển toàn diện. Khi bị virus tấn công, tiểu phế quản sẽ bị viêm, sưng, hẹp; gây các triệu chứng khó thở, thở khò khè. Bệnh thường chỉ xảy ra khoảng 1 – 2 lần trong độ tuổi này. Thời gian cao điểm dễ phát bệnh là vào mùa đông.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tiểu phế quản

Các triệu chứng thường gặp của viêm tiểu phế quản bao gồm:

  • Sổ mũi, nghẹt mũi, ho;
  • Sốt nhẹ (không thường xuyên);
  • Khó thở, thở khò khè;
  • Viêm tai (viêm tai giữa) ở trẻ sơ sinh.

Biến chứng có thể gặp của viêm tiểu phế quản

Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể gây ra các biến chứng bao gồm:

  • Da hoặc môi tái xanh (chứng xanh tím) do thiếu oxy;
  • Ngưng thở. Tình trạng này có thể xảy ra ở trẻ sinh non và trẻ sơ sinh trong vòng hai tháng đầu tiên trong đời;
  • Mất nước;
  • Nồng độ oxy thấp và suy hô hấp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có xuất hiện các dấu hiệu sau đây nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra:

  • Nôn;
  • Khò khè;
  • Thở rất nhanh – hơn 60 lần/phút;
  • Thở mệt nhọc – ngực rút lõm khi hít thở;
  • Chậm chạp hoặc hôn mê;
  • Không uống đủ nước hoặc thở quá nhanh không thể ăn uống;
  • Da tái xanh, đặc biệt là môi và móng tay.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm tiểu phế quản

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm tiểu phế quản bao gồm:

  • Viêm tiểu phế quản do virus tấn công đường hô hấp nhỏ trong phổi và gây nhiễm trùng, làm cho các tiểu phế quản viêm và sưng lên. Chất nhầy tích tụ ở đường dẫn khí khiến các luồng không khí gặp khó khăn khi đi vào và đi ra.
  • Hầu hết các trường hợp viêm tiểu phế quản là do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra.
  • Các virus gây viêm tiểu phế quản dễ lây lan vì thế bạn cũng có thể nhiễm bệnh khi chạm vào một số vật dụng chung, chẳng hạn như khăn hoặc đồ chơi và sau đó chạm vào mắt, mũi hay miệng.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ viêm tiểu phế quản?

Viêm tiểu phế quản ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm bệnh nhất.

Các yếu tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng;
  • Sinh non;
  • Có bệnh tim hoặc bệnh phổi tiềm ẩn;
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu;
  • Tiếp xúc với khói thuốc lá;
  • Không bú sữa mẹ. Khi bú sữa mẹ, bé sẽ nhận được miễn dịch từ người mẹ;
  • Tiếp xúc với nhiều trẻ em, chẳng hạn như trong một cơ sở chăm sóc trẻ em;
  • Sống trong môi trường đông đúc;
  • Có anh chị em đang đi học hoặc đến cơ sở chăm sóc trẻ em và mang virus về nhà.

Điều trị hiệu quả

Những phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm tiểu phế quản

Bác sĩ có thể xác định bệnh bằng cách quan sát trẻ và nghe phổi bằng ống nghe. Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm bao gồm:

  • Chụp X-quang: tìm kiếm dấu hiệu bệnh viêm phổi.
  • Thử nghiệm virus: kiểm tra xem có virus gây viêm tiểu phế quản hay không.
  • Xét nghiệm máu: kiểm tra số lượng bạch cầu ở trẻ và xác định mức giảm nồng độ oxy trong máu.

Phương pháp điều trị viêm tiểu phế quản hiệu quả

Bạn có thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản tại nhà. Hãy cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, sử dụng ống hút để hút bỏ chất nhầy. Sử dụng thuốc hạ sốt (chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen) có thể giúp bé hạ sốt. Không dùng aspirin cho trẻ dưới 2 tuổi vì trẻ sẽ có nguy cơ mắc hội chứng Reye. Bạn không nên tự mua thuốc ho và thuốc cảm để dùng. Bạn cần thận trọng với thuốc, hãy đọc và làm theo tất cả các hướng dẫn trên nhãn.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tiểu phế quản

  • Cho trẻ thường xuyên uống nước và uống từng ngụm nhỏ.
  • Cho trẻ ăn ít và ăn thành nhiều lần.
  • Kê gối cho trẻ nằm cao đầu khoảng 45 độ.
  • Điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp sao cho không khí không quá khô, không quá lạnh.
  • Khi trẻ bị ho, nhiều đàm thì không nên cho trẻ uống thuốc chống ho mà nên vỗ nhẹ lên lưng trẻ để khuyến khích trẻ ho nhằm tống khứ đàm ra ngoài.
  • Các cha mẹ cần chú ý phải rửa tay sạch sẽ trước khi chăm sóc cho trẻ.
  • Theo dõi mạch, nhiệt độ, nhịp thở và bão hoà oxy.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Các biện pháp phòng ngừa bệnh bao gồm:

  • Giữ ẩm không khí. Nếu không khí trong phòng của bé khô, bạn hãy sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương để làm ẩm không khí. Hãy đảm bảo độ ẩm sạch sẽ để ngăn chặn vi khuẩn và nấm mốc phát triển.
  • Giữ trẻ thẳng đứng. Trẻ sẽ dễ thở hơn ở tư thế đứng.
  • Cho trẻ uống nước. Để ngăn chặn tình trạng mất nước, hãy cho trẻ uống đầy đủ nước, nước ép trái cây.
  • Nhỏ mũi bằng nước muối để thông mũi.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không cần theo toa bác sĩ như acetaminophen có thể giúp trẻ giảm đau họng và cải thiện khả năng uống nước. Nhưng đừng bao giờ cho con bạn dùng aspirin.
  • Duy trì môi trường không khói thuốc. Khói có thể làm các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nặng thêm.
  • Rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa bệnh lây lan bệnh.
  • Tránh tiếp xúc với trẻ em bị viêm tiểu phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan