Hội chứng chân không nghỉ

Hội chứng chân không nghỉ là gì?

Hội chứng chân không nghỉ (Restless Legs Syndrome – RLS) là một rối loạn thần kinh khiến cho chân cảm thấy rất khó chịu trừ khi cử động chân. Khó chịu này thường xuất hiện trong thời gian ngắn sau khi đi ngủ hoặc xảy ra sau khi ngồi quá lâu.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng chân không nghỉ

Giống như tên gọi của nó, hội chứng này khiến người bệnh có cảm giác khó chịu khi chân để yên. Nhưng đặc điểm chung của hội chứng này là:

  • Rất khó ngủ: Mất ngủ có thể gây ngủ gà ngủ gật nhiều vào ban ngày, nhưng hội chứng chân không yên có thể làm cho người bệnh không muốn chợp mắt vào ban ngày;
  • Cơ thể mệt mỏi, kém tập trung, trí nhớ suy giảm;
  • Ngứa ran;
  • Chuột rút ở chân;
  • Chân co giật ban đêm;
  • Thường xuyên muốn cử động: Họ thường chọn những giải pháp khắc phục như đi bộ, lắc chân, nhịp chân, kéo căng, tập thể thao…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các triệu chứng của hội chứng chân không nghỉ thường không gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng lại khiến người bệnh rất khó chịu. Chính vì vậy, khi cơ thể bạn bắt đầu có những triệu chứng trên hãy đến gặp bác sĩ. Bệnh càng lâu càng khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi, không tập trung và có khả năng nguy hiểm khi lái xe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng chân không nghỉ

Hội chứng chân không yên có thể do nguyên nhân nguyên phát hoặc thứ phát.

Các nhà khoa học Đức, Canada và Mỹ đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra sự đột biến của hai loại gen chính là cơ chế hoạt động gây hội chứng chân không nghỉ. Kết quả một điều tra tình cờ cho thấy, khoảng 4.867 người được phát hiện có gen gây bệnh RLS so với con số 7.000 người không mang gen. Gen đột biến thứ nhất được phát hiện có liên quan đến việc kiểm soát hoạt động của não có tên gọi TOX3 – vốn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tế bào não. Nhưng sự đột biến của TOX3 lại kích thích hệ thần kinh có cảm giác bồn chồn, ngứa ngáy hoặc tê cơ chân khi ngồi, nó kích thích cơ thể phải hoạt động thì mới được thoải mái, không khó chịu. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra cơ chế gây RLS có liên quan đến sự mất cân bằng dopamin trong vỏ não.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng chân không nghỉ?

  • Di truyền: Nếu trong gia đình bạn có người mắc hội chứng này thì khả năng cao bạn cũng sẽ gặp phải.
  • Bệnh gặp ở phụ nữ mang thai và sau sinh: Rất nhiều sự thay đổi trong những tháng thai kì cụ thể là nội tiết, hàm lượng hormone. Theo các nghiên cứu, phụ nữ mang thai thường mắc hội chứng này vào thời kì cuối của thai kì.
  • Có các bệnh mãn tính như suy thận, đái tháo đường và bệnh lý thần kinh ngoại vi.
  • Sử dụng một số thuốc như thuốc chống nôn, thuốc chống loạn thần…
  • Stress, lo âu, căng thẳng kéo dài là nguyên nhân được cho là làm tăng nguy cơ cũng như mức độ của hội chứng chân không nghỉ.
  • Do hiện tượng thiếu cân bằng thành phần hóa chất dopamin ở trong não bộ.
  • Những lý do khác làm tăng nguy cơ dẫn đến hội chứng này bao gồm bị giãn tĩnh mạch, thiếu acid folic, thiếu manhê, đau xơ cơ, ngưng thở khi ngủ, tăng urê huyết, tiểu đường, bệnh thận, bệnh thần kinh ngoại biên, Parkinson, viêm khớp dạng thấp…

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng chân không nghỉ

Nếu nghĩ mình có thể bị RLS, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ chẩn đoán RLS bằng cách lắng nghe việc mô tả triệu chứng và xem xét tiền sử bệnh của bạn. Bác sĩ có thể hỏi bạn những câu hỏi như:

  • Có cảm thấy khó chịu hoặc run, cảm giác kiến bò ở chân, thôi thúc bạn phải cử động không?
  • Khi cử động có làm giảm cảm giác này không?
  • Có thấy khó chịu hơn do những cảm giác này sau khi ngồi hoặc ngủ không?
  • Có thường khó chịu khi đi ngủ hoặc mất ngủ không?
  • Có bị giật chân, hoặc tay khi ngủ không?
  • Những người khác trong gia đình bạn có khó chịu với chân không nghỉ không?

Không có xét nghiệm máu hay xét nghiệm nào đặc trưng trong chẩn đoán căn bệnh này. Dựa vào câu trả lời của bạn, bác sĩ sẽ đưa ra những chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe của bạn.

Ngoài ra, các bác sĩ sẽ kiểm tra giấc ngủ của bạn. Điều này có thể cần bạn phải nghỉ đêm tại phòng lưu bệnh nhân, nơi bác sĩ có thể theo dõi chặt chẽ về các thói quen khi ngủ của bạn và kiểm tra chứng co giật chân (cử động chân thường xuyên) khi ngủ, là một dấu hiệu của hội chứng chân không nghỉ.

Phương pháp điều trị hội chứng chân không nghỉ hiệu quả

Nếu bệnh nhân bị hội chứng chân không nghỉ nhưng không mắc những bệnh phụ khác thì có thể được điều trị bằng thuốc. Một số loại thuốc phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay là:

  • Thuốc điều trị bệnh Parkinson: Các thuốc này làm giảm cử động chân bằng cách tác động tới nồng độ hóa chất dopamin trong não.
  • Các thuốc gây nghiện: Có thể giảm triệu chứng từ nhẹ tới nặng, nhưng chúng có thể gây nghiện nếu dùng ở liều quá cao.
  • Thuốc giãn cơ và thuốc ngủ: Nhóm thuốc này được biết là benzodiazepin, giúp ngủ ngon hơn về đêm, nhưng chúng không loại bỏ được các cảm giác ở chân và có thể gây tình trạng ngủ gật ban ngày.
  • Thuốc chữa động kinh: Nhóm thuốc này làm giảm hoạt động của các tế bào thần kinh ở chân. Chúng có tác dụng rất tốt ở người bị RLS.

Có thể làm một vài thử nghiệm trước khi bạn và bác sĩ tìm ra thuốc và liều lượng hợp lý đối với bạn. Phối hợp các thuốc có thể cho hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, người bệnh vẫn có thể tự điều trị tại với một vài phương pháp như thay đổi các thói quen, chế độ ăn uống không phù hợp, chăm sóc giấc ngủ kết hợp với các phương pháp rèn luyện sức khỏe như massage chân, đi bộ, thiền, yoga,… Điều này có thể giúp giảm dần tần suất xuất hiện của hội chứng chân không nghỉ.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng chân không nghỉ

  • Giữ tâm trạng thoải mái, không áp lực hay stress: Theo một nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí Mindfulness (Chánh niệm), chương trình MBSR (giảm căng thẳng bằng phương pháp chánh niệm) sau một tuần giúp bệnh nhân RLS cải thiện triệu chứng và tốt cho sức khỏe tâm thần của họ.
  • Tránh dùng caffein: Đôi khi giảm dùng caffein có thể giảm RLS. Tránh dùng các sản phẩm có caffein, gồm sôcôla và đồ uống có caffeine như cà phê, trà và đồ uống nhẹ, trong vài tuần.
  • Tắm và xoa bóp: Ngâm trong bồn tắm nước ấm và xoa bóp chân có thể làm giãn cơ.
  • Tập thể dục nhẹ: Các bài tập như yoga, thiền có thể giúp định thần, tập trung trí lực và kìm chế sự vận động không ngừng của chân. Đây cũng là phương pháp giúp bạn có giấc ngủ tốt hơn.
  • Không nên tự ý ngưng thuốc hoặc sử dụng thêm thuốc khác khi không có hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan