Viêm da dầu

Viêm da dầu là gì?

Viêm da dầu hay còn gọi là viêm da tiết bã là bệnh viêm da có hiện tượng xuất hiện các vảy da, mảng da trên nền da bị đỏ. Bệnh đặc biệt xuất hiện nhiều ở những bộ phận hay tiết bã dầu như đầu, mặt, ngực và lưng. Một loại nấm men nhỏ trên da được xem là nguyên nhân gây bệnh. Viêm da dầu không lây nhưng ảnh hưởng nhiều đến vẻ thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh. Bệnh tồn tại dai dẳng và thường tái đi tái lại nhiều lần.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm da dầu

Viêm da dầu thường xuất hiện ở những vị trí như da đầu, mặt, ngực, lưng, nách và bẹn với một số dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng của bệnh, bao gồm:

  • Da có hiện tưởng ửng đỏ rải rác;
  • Bong vảy ở các vùng bị đỏ;
  • Vảy khô ráp, sần sùi; có màu trắng hoặc vàng; có thể nhỏ hoặc tạo thành các mảng lớn;
  • Da nhờn;
  • Ngứa;
  • Rụng tóc.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm da dầu

Hiện nay, nguyên nhân gây viêm da dầu vẫn chưa có kết luận cụ thể. Một số yếu tố nội sinh và gen có thể được xem là có liên quan đến bệnh; đồng thời người ta cũng tìm thấy sự có mặt của nấm ở những người bị viêm da dầu.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm da dầu?

Bất kì ai cũng có thể là đối tượng của bệnh viêm da dầu. Vì chưa tìm hiểu rõ được nguyên nhân nên rất khó để có thể khoanh vùng đối tượng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ viêm da dầu, bao gồm:

  • Hệ miễn dịch suy yếu: Người đã từng qua hóa xạ trị, cấy ghép nội tạng, người bị nhiễm HIV/AIDS có khả năng bị viêm da dầu cao.
  • Người mắc các bệnh về hệ thần kinh.
  • Cơ thể có các loại nấm thuộc loài malassezia.
  • Có thể liên quan đến béo phì.

Lưu ý: Các yếu tố nguy cơ trên chỉ là một trong số những vấn đề được tìm thấy ở người bị viêm da dầu. Vì vậy, nếu bạn không tìm thấy những yếu tố trên xuất hiện với mình thì cũng không có nghĩa bạn không thể mắc bệnh.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm da dầu

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thông qua các biểu hiện lâm sàng, hỏi về bệnh sử và tiến hành các xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm vùng da bị tổn thương để xác định bệnh.

Phương pháp điều trị viêm da dầu hiệu quả

Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ mà bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Các loại thuốc giúp làm bong vảy, kháng viêm và chống độc có thể được kê toa điều trị. Ngoài ra, nếu xác định được nguyên nhân là do nấm, bác sĩ có thể kê toa các loại dầu gội hoặc xà phòng có chứa chất chống nấm đặc trị để người bệnh sử dụng.

Với trường hợp nặng, dùng thuốc dạng kem bôi có chứa selenium sulfide, ketoconazole hoặc corticosteroid; kết hợp với kem điều hòa miễn dịch và chống viêm có thể mang lại hiệu quả.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm da dầu

Viêm da dầu là bệnh rất dễ tái phát mặc dù đã được chữa khỏi. Phòng bệnh là phương pháp tốt để bạn hạn chế khả năng xuất hiện của bệnh cũng như làm bệnh tiến triển tốt hơn. Một số thói quen sinh hoạt sau đây có thể hỗ trợ bạn:

  • Sử dụng thuốc và kem thoa theo đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tránh ánh nắng, bụi bẩn tiếp xúc với da.
  • Đến gặp bác sĩ khi có các biến chứng bất thường trong quá trình điều trị bệnh.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Không nên dùng móng tay để cào da đầu khi gội đầu, điều nay có thể làm trầy xước da.
  • Sử dụng các loại sữa tắm, dầu gội dịu nhẹ, ít độ tẩy rửa.
  • Đối với người da dầu, thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm, không nên dùng các loại mỹ phẩm chứa nhiều chất hóa học độc hại và không rõ nguồn gốc.
  • Ăn nhiều rau xanh, các loại đậu, củ quả tươi.
  • Hạn chế dùng thuốc lá, bia rượu và các loại thực phẩm nhiều đường, dầu mỡ.
  • Tập thể dục đều đặn để tăng cường lưu thông máu, giúp các cơ quan hoạt động ổn định và hạn chế quá trình tăng tuyến bã nhờn.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan