Phổi tắc nghẽn mãn tính

Tìm hiểu chung

Phổi tắc nghẽn mãn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay còn có tên gọi khác là bệnh COPD là một bệnh biểu hiện bởi sự giới hạn lưu lượng khí, gây khó thở và sự giới hạn này không hồi phục hoàn toàn. Đây là một bệnh tiến triển, theo thời gian bệnh sẽ ngày càng nặng hơn. Viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng là 2 trường hợp của căn bệnh quái ác này, và một số người có thể cùng lúc mắc cả hai loại bệnh này.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của phổi tắc nghẽn mãn tính

Do bệnh này tác động trực tiếp đến hệ thống hô hấp, vì vậy triệu chứng điển hình là khó thở. Các triệu chứng khác của bệnh này bao gồm:

  • Ho mạn tính (kéo dài);
  • Ho có đờm, đờm có thể màu trắng, màu vàng xám hoặc màu xanh lá cây. Đôi khi có thể đi kèm với máu;
  • Bị nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại (như cúm và cảm lạnh);
  • Khó thở, đặc biệt là khi gắng sức;
  • Cảm giác thắt chặt ở ngực;
  • Thở khò khè;
  • Mệt mỏi;
  • Sốt nhẹ và ớn lạnh.

Vì đây là căn bệnh tiến triển, vì vậy các triệu chứng sẽ bắt đầu từ từ rồi trở nặng hơn theo thời gian, vậy nên lúc đầu bạn có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Trong quá trình nhiều năm, triệu chứng bệnh sẽ phát triển nặng hơn, ảnh hưởng đến mức độ hoạt động của bạn, một vài triệu chứng nặng có thể cần điều trị ở bệnh viện.

Biến chứng có thể gặp khi mắc phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn do mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm sau:

  • Các vấn đề về tim: Tăng nguy cơ mắc bệnh tim như:  rối loạn nhịp tim, suy tim, đau tim.
  • Cao huyết áp: Bệnh có thể gây ra áp suất cao trong các mạch máu đưa máu đến phổi của bạn (còn được gọi là tăng áp phổi);
  • Nhiễm trùng hô hấp: Khiến bạn thường xuyên bị cảm lạnh, cúm, thậm chí viêm phổi. Các bệnh nhiễm trùng có thể làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn hoặc khiến phổi bị tổn thương nhiều hơn. Vì vậy, bạn cần chích ngừa đầy đủ để giảm khả năng bị cúm và viêm phổi.
  • Ung thư phổi: Người hút thuốc bị viêm phế quản mạn tính có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn so với người hút thuốc không bị viêm phế quản mạn tính.
  • Trầm cảm: Khó thở có thể hạn chế hoạt động mà họ thích. Và có thể rất khó khăn để đối phó với một căn bệnh và không chữa được. Nói chuyện với bác sĩ nếu cảm thấy buồn hay bất lực hoặc nghĩ rằng có thể bị trầm cảm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên gặp bác sĩ khi thấy xuất hiện các triệu chứng trên, hoặc có bất kỳ thắc mắc hoặc câu hỏi nào liên quan đến bệnh. Bên cạnh đó, bạn cũng cần khám cấp cứu ngay nếu gặp phải các triệu chứng sau đây:

  • Bạn cảm thấy khó thở đến nỗi không thể nói chuyện dược;
  • Môi hoặc móng tay của bạn chuyển sang màu xanh hoặc màu xám (là dấu hiệu cho thấy nồng độ oxy thấp trong máu);
  • Rơi vào trạng thái lơ mơ;
  • Nhịp tim của bạn rất nhanh;
  • Các triệu chứng ngày càng nặng mặc dù đang được điều trị.

Việc điều trị sớm khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên giúp ngăn ngừa sự phát triển thêm của bệnh.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra phổi tắc nghẽn mãn tính

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh phổi tắc nghẽn do mạn tính. Mà nguyên nhân chính gây nên căn bệnh này là do hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc nhiều. Các nguyên nhân khác bao gồm:

  • Ô nhiễm không khí, tuy nhiên hậu quả nhỏ hơn so với thuốc lá.
  • Tăng nhạy cảm đường hô hấp.
  • Do di truyền: Thiếu men Alpha 1-antitrypsin, đây là một loại men của cơ thể được gan sản xuất giúp bảo vệ phổi khỏi tổn thương.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải phổi tắc nghẽn mãn tính?

Nguy cơ mắc bệnh COPD bao gồm:

  • Tiếp xúc với khói thuốc lá Các triệu chứng của COPD thường xuất hiện khoảng 10 năm sau khi bắt đầu hút thuốc. Hút thuốc ống, người hút thuốc xì gà và những người tiếp xúc với số lượng lớn khói thuốc cũng có nguy cơ.
  • Nghề nghiệp tiếp xúc với bụi và hóa chất.
  • Trào ngược dạ dày thực quản.
  • Tuổi tác: hầu hết các dấu hiệu xuất hiện ở những người ít nhất 40 tuổi.
  • Di truyền học: thiếu men  Alpha 1-antitrypsin.
  • Ô nhiễm môi trường.
  • Nhiễm khuẩn hô hấp ở thời kỳ niên thiếu.

Dưới đây là những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Những người trong độ tuổi từ 65-74;
  • Người có trình độ học vấn thấp;
  • Những người có thu nhập thấp;
  • Người hút thuốc hiện tại và trước đây;
  • Những người có tiền sử bệnh hen.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán phổi tắc nghẽn mãn tính

Vì bệnh COPD phát triển chậm, nên nó thường được chẩn đoán ở những người tuổi từ 40 trở lên. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng, bệnh sử và tiền căn gia đình của bạn, kết hợp với kết quả xét nghiệm.

Các xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm chức năng phổi
  • Đo hô hấp kế
  • Chụp X-quang hay CT scan ngực
  • Khí máu động mạch.

Phương pháp điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính hiệu quả

Không có phương pháp điều trị COPD dứt điểm. Mục tiêu điều trị sẽ là phòng ngừa và giảm các triệu chứng, bao gồm:

  • Làm chậm tiến triển của bệnh.
  • Cải thiện khả năng gắng sức.
  • Ngăn ngừa và điều trị biến chứng.
  • Thuốc: Thuốc giãn phế quản hoặc kết hợp cộng với corticosteroid dạng hít.
  • Vắc-xin: Vắc xin ngừa bệnh cúm, thuốc chủng ngừa phế cầu, liệu pháp oxy.
  • Phẫu thuật.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả

Để phòng COPD cần phải:

  • Không hút thuốc, nếu có hút thuốc thì hãy bỏ thuốc ngay.
  • Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc bằng cách không cho phép hút thuốc trong nhà hoặc ngồi ở khu vực không hút thuốc khi đi ra ngoài. Bạn cũng nên tránh khói do củi cháy hoặc do nấu ăn.
  • Hạn chế không khí ô nhiễm trong nhà.
  • Tránh bị nhiễm trùng hô hấp khi bị cảm cúm. Bạn cũng nên thường xuyên rửa tay do virus có thể di chuyển từ tay qua miệng do tiếp xúc.
  • Đấu tranh cho không khí trong lành để giảm bớt số người bị COPD do ô nhiễm môi trường.
  • Trong chế độ dinh dưỡng cũng cần lưu ý:
    • Lựa chọn thức ăn nhiều năng lượng.
    • Cố gắng ăn chất đạm, chất béo nhiều hơn đường.
    • Hạn chế các loại đồ uống kích thích, nước có ga.
    • Cẩn thận với các loại thức ăn dễ gây đầy hơi, sình bụng.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan