Bỏng hô hấp

Tìm hiểu chung

Bỏng hô hấp là gì?

Bỏng hô hấp là tình trạng cơ thể hít phải các tác nhân gây bỏng như lửa, khí nóng, hơi nước nóng, các sản phẩm hóa học hình thành từ chất cháy; gây tổn thương cơ quan hô hấp – hay còn gọi là bỏng hô hấp.

Hoàn cảnh hay xảy ra bỏng hô hấp là khi bỏng lửa cháy, bỏng do các vụ nổ.

Bỏng hô hấp có thể gây đau đớn nặng cho người bệnh và một số các biến chứng nguy hiểm khác về đường hô hấp. Trường hợp nặng nhất có thể dẫn đến tử vong. Khi bị bỏng, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu khẩn cấp để làm giảm các triệu chứng và tổn thương do bỏng gây ra cũng như là hạn chế khả năng để lại biến chứng sau bỏng.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bỏng hô hấp

  • Khó nuốt, cảm giác khó chịu ở cổ họng và lưỡi;
  • Nói khó hoặc thậm chí mất giọng do phù nề dây thanh âm;
  • Ho khan và ho kéo dài; ho có bọt lẫn các tia máu;
  • Đờm có lẫn màu hồng hoặc đỏ,
  • Lông mũi bị cháy;
  • Lưỡi phù nề.

Khi đi khám, các triệu chứng có thể được phát hiện là:

  • Khám mũi họng thấy niêm mạc miệng, mũi, hầu họng, thanh quản xung huyết đỏ.
  • Trên nền các vùng xung huyết có các màng tơ huyết trắng xám;
  • Phù thanh hầu và dây thanh âm;
  • Bỏng sâu có thể thấy đám hoại tử màu trắng bệch trên niêm mạc;
  • Tăng tiết đờm, dãi ở đường hô hấp;
  • Nghe phổi có thể thấy rì rào phế nang giảm, ran rít, ran nổ. Toàn thân tím tái, kích thích vật vã;
  • Có thể kèm theo hội chứng sang nổ, hội chứng nhiễm độc CO, CO2, nhiễm độc các sản phẩm trong khói, hóa chất.

Biến chứng có thể gặp phải khi bị bỏng hô hấp

Biến chứng do bỏng hô hấp rất nguy hiểm, gây tổn thương nặng tới các cơ quan hô hấp, phù nề, bít tắc đường hô hấp, khí phế thũng, xẹp phân thùy phổi…

Bỏng đường hô hấp làm tăng tỷ lệ sốc bỏng khiến điều trị khó khăn, có tỉ lệ tử vong cao.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ngay khi xuất hiện bất cứ dấu hiệu nguy hiểm nào kể trên, nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi nơi bị nạn, loại bỏ các tác nhân và đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để được chữa trị kịp thời. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bỏng hô hấp

Bỏng hô hấp là do cơ thể hít hoặc hớp phải các chất lỏng hoặc chất khí có nhiệt độ cao gây bỏng. Các chất này rất đa dạng, phổ biến nhất là:

  • Các chất lỏng nóng hoặc hóa chất dạng lỏng;
  • Lửa;
  • Khí nóng;
  • Khói;
  • Các sản phẩm hóa học hình thành từ các chất cháy.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị bỏng hô hấp?

Ai cũng có khả năng bị bỏng hô hấp khi có liên quan đến nguyên nhân gây bỏng. Trẻ em có khả năng bị bỏng vì chúng chưa đủ nhận thức để phán đoán những gì có thể gây hại cho chúng. Ngoài ra, người làm việc trong môi trường tiếp xúc với lửa, khí nóng, chất hóa học cũng có khả năng bị bỏng hô hấp rất cao. Bạn có thể làm giảm khả năng mắc bệnh bằng việc hạn chế các yếu tố nguy cơ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị bỏng hô hấp

  • Làm việc trong môi trường có nhiều khí nóng như nhà máy, xí nghiệp;
  • Làm trong phòng thí nghiệm;
  • Tiếp xúc trực tiếp với lửa;
  • Người biểu diễn các tiết mục xiếc phải dùng đến lửa;
  • Là nạn nhân của các vụ nổ, hỏa hoạn.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bỏng hô hấp

Các bác sĩ có thể chẩn đoán bỏng hô hấp bằng cách:

  • Hỏi bệnh nhân về chất đã tiếp xúc trước đó;
  • Quan sát các triệu chứng trên cơ thể bệnh nhân;
  • Chụp X-quang vùng hô hấp để xem những tổn thương bên trong.

Phương pháp điều trị bỏng hô hấp hiệu quả

Sơ cứu tại nơi bị nạn:

  • Đưa nạn nhân ra khỏi nơi khói và nhiệt, đảm bảo nạn nhân ở nơi thoáng khí, an toàn.
  • Nếu nạn nhân còn tỉnh, đảm bảo đường hô hấp của nạn nhân được lưu thông; lấy bỏ dị vật trong khoang miệng (nếu có).
  • Nếu nạn nhân bị nôn đặt nạn nhân nằm nghiêng để phòng trường hợp nạn nhân ói, trở ngược vào bên trong gây tắc nghẽn lưu thông hô hấp.
  • Nếu nạn nhân ngừng thở, cần tiến hành các biện pháp hô hấp nhân tạo, bóp tim ngoài lồng ngực.

Cấp cứu tại y tế cơ sở:

  • Loại bỏ hết các dị vật, dịch tiết (nếu có) ở khoang mũi và đường thở.
  • Tiến hành hô hấp nhân tạo nếu có chỉ định.
  • Để bệnh nhân nằm bất động, yên tĩnh để không hao tốn nhiều oxy.
  • Cho bệnh nhân thở oxy 100% nếu có nhiễm độc CO.
  • Cho thuốc trợ tim mạch, trợ hô hấp.
  • Cho uống thuốc an thần, giảm đau.
  • Khí dung, thuốc giãn phế quản.
  • Chống viêm, giảm phù nề.
  • Tập thở, ho khạc tránh ùn tắc đờm dãi.
  • Mở khí quản cấp cứu khi suy hô hấp nặng, các phương pháp khác không hiệu quả.
  • Dự phòng và điều trị sốc.
  • Nhanh chóng chuyển bệnh nhân về tuyến chuyên khoa.

Tuyến chuyên khoa:

  • Tiến hành nội soi để chẩn đoán bỏng hô hấp và điều trị.
  • Điều trị các biến chứng viêm nhiễm, tình trạng suy hô hấp cấp (đặt nội khí quản, mở khí quản, thở máy hỗ trợ), hút đờm dãi, khí dung, tập thở…

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bỏng hô hấp

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ.
  • Sau điều trị vẫn cần theo dõi tình trạng sức khỏe để tránh các biến chứng.
  • Nếu đột nhiên có dấu hiệu bất thường trong thời gian điều trị cần thông báo ngay với bác sĩ.
  • Tái khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo.
  • Không nên sử dụng các thực phẩm cay, nóng, dễ kích ứng. Tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trong việc ăn uống.
  • Cần hạn chế tiếp xúc với các chất gây bỏng hô hấp khi có thể.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Đeo vật dụng bảo hộ trong những môi trường có khí nóng, các chất hóa học hoặc nơi dễ xảy ra cháy nổ.
  • Cần trang bị đầy đủ kiến thức về sơ cứu để có thể bảo vệ chính mình và người gặp nạn.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan