Viêm tinh hoàn

Tìm hiểu chung

Viêm tinh hoàn là gì?

Viêm tinh hoàn là tình trạng bị viêm một hoặc cả hai bên tinh hoàn. Bệnh nhân thường biểu hiện các triệu chứng như: Sưng đau tinh hoàn, có cảm giác nặng ở bìu, đau khi tiểu tiện, đi tiểu ra máu, chảy dịch mủ ra từ lỗ sáo, đau khi quan hệ tình dục, có khi có lẫn máu trong tinh dịch, kèm theo sốt. Bệnh thường bị viêm  do rất nhiều loại virus, siêu vi.

Đây là bệnh tương đối phổ biến ở nam giới và nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị viêm tinh hoàn

  • Viêm tinh hoàn cấp tính có các triệu chứng điển hình là: sốt cao, ớn lạnh, tinh hoàn bị xơ cứng và đau, cảm giác đau có thể lan sang vùng háng, da bìu sưng đỏ, phù nề, mào tinh sưng to, xuất tinh ra máu, đi tiểu ra máu chảy mủ từ dương vật… Viêm tinh hoàn cấp tính thường do tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh lý tuyến tiền liệt.
  • Viêm tinh hoàn mạn tính khi điều trị viêm tinh hoàn cấp không triệt để hoặc không điều trị: tinh hoàn sưng lên dần rồi sau đó mới có biểu hiện xơ cứng, thỉnh thoảng có thể xuất hiện cơn đau nhẹ ở tinh hoàn, nhiều trường hợp có thể dẫn tới teo tinh hoàn… Bệnh tiến triển khá chậm và thường sau 1-2 năm mới có biểu hiện bệnh rõ rệt. Nếu không điều trị kịp thời thì khó có thể chữa khỏi bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu nam giới phát hiện các biểu hiện dị thường ở vùng kín, bị đau hay sưng ở bìu, cơn đau xuất hiện đột ngột thì nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức để chẩn đoán và điều trị sớm, tránh các biến chứng không đáng có như:

  • Cong tĩnh mạch tinh, viêm tĩnh mạch, viêm tuyến tiền liệt, viêm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, bệnh nội tiết, viêm thận, tiết niệu, khối u ác tính,…
  • Làm cho chức năng tình dục nam giới suy giảm.
  • Dần dần tinh hoàn có thể teo đi, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiếm muộn và vô sinh ở nam.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm tinh hoàn

Nguyên nhân thường gặp của viêm tinh hoàn là do virus quai bị nhưng cũng có thể do một số virus hoặc vi khuẩn khác, dù rất hiếm gặp.

  • Do vi khuẩn: Thường là do nam giới bị nhiễm khuẩn những loại vi khuẩn như: Chlamydia, lậu, giang mai, lao…
  • Do virus (chủ yếu là virus quai bị): Khoảng 30% bệnh nhân bị quai bị thường có tinh trùng bị tổn thương do viêm tinh hoàn. Nếu như bị viêm hai bên, có thể dẫn đến vô sinh rối loạn chức năng sinh tinh.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm tinh hoàn?

Mọi độ tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh, nhưng phần lớn thường mắc phải ở nam giới trên 45 tuổi và đặc biệt là bệnh nhân đang bị quai bị.

Những đối tượng hay mắc bệnh là những người không được chủng ngừa quai bị, đã trải qua các phẫu thuật đường tiết niệu có đặt sonde niệu đạo, và những người có các di dạng đường tiết niệu như valve niệu đạo sau, hẹp miệng sáo, hẹp bao quy đầu, u phì đại tiền liệt tuyến.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm tinh hoàn

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ hỏi bệnh sử và khám thực thể để chẩn đoán.

Có thể nuôi cấy mẫu phẩm từ dương vật và nước tiểu để xác nhận chẩn đoán. Siêu âm cũng có thể được chỉ định để loại trừ trường hợp xoắn tinh hoàn. Các kiểm tra bổ sung: quét hạt nhân tinh hoàn, siêu âm màu Doppler, xét nghiệm công thức máu toàn bộ, xét nghiệm niệu đạo…

Phương pháp điều trị viêm tinh hoàn hiệu quả

Bệnh chủ yếu được chữa trị bằng cách sử dụng các loại thuốc kháng sinh và thuốc đặc trị vi khuẩn gây bệnh.

  • Với viêm tinh hoàn cấp tính: bệnh nhân sẽ được các bác sĩ sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc chống nhiễm trùng do vi khuẩn cùng với các loại thuốc giảm đau chống phù nề là chủ yếu. Thường với những loại thuốc cùng liều lượng phù hợp thì chỉ sau khoảng 1 tuần là bệnh có thể khỏi.
  • Với viêm tinh hoàn mạn tính: bệnh nhân cần có phương pháp điều trị ngay mới có thể khỏi bệnh và không gây biến chứng vô sinh. Thuốc thường được dùng chủ yếu là kháng sinh liều cao, thuốc dưới dạng viên uống và kết hợp với tiêm. Bệnh nhân cần sử dụng thêm thuốc tiêu viêm chống phù nề để cho hiệu quả chữa trị tốt nhất.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tinh hoàn

  • Chườm túi đá lên bìu để làm dịu chỗ sưng và giảm đau, nên mang khố đeo của vận động viên.
  • Uống nhiều nước. Có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị nếu không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Không tự ý thay đổi liều lượng thuốc và ngừng uống thuốc khi chưa điều trị dứt điểm.
  • Gọi bác sĩ nếu bạn đau dữ dội, sốt cao hoặc khó tiểu.
  • Dùng bao cao su để tránh mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Không nên có quan hệ tình dục trong giai đoạn điều trị của bạn, sẽ gây cảm giác đau buốt chảy máu.
  • Nếu có quan hệ với các bệnh nhân bị bệnh viêm nhiễm, truyền nhiễm khác sẽ khiến cho bạn bị lây nhiễm, kéo dài thời gian điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Tiêm vắc-xin hoặc cho con bạn tiêm vắc xin ngừa bệnh quai bị để ngăn ngừa viêm tinh hoàn do quai bị.
  • Quan hệ tình dục an toàn, chẳng hạn như có chỉ một bạn tình và sử dụng bao cao su. Điều đó sẽ giúp bảo vệ bạn chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ngăn ngừa viêm tinh hoàn do vi khuẩn liên quan đến bệnh lây truyền qua đường tình dục.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan