Xoắn tinh hoàn

Tìm hiểu chung

Xoắn tinh hoàn là gì?

Xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh (bộ phận cung cấp lưu lượng máu đến tinh hoàn) bị xoắn quanh trục của nó và làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng tinh hoàn, dẫn đến phù nề, sung huyết và hoại tử tinh hoàn. 50% các trường hợp xoắn tinh hoàn xảy ra trong lúc ngủ với triệu chứng đau và sưng bìu.

Xoắn tinh hoàn là một bệnh cấp cứu niệu khoa khẩn cấp và là một trong những nguyên nhân thường gặp gây mất tinh hoàn ở nam giới. Xoắn tinh hoàn là một trường hợp cấp cứu về mạch máu, nếu không được cấp cứu trong vòng 4 đến 6 giờ từ khi bắt đầu đau thì tinh hoàn sẽ bị nhồi máu hoàn toàn và hậu quả là teo tinh hoàn về sau.

Xoắn tinh hoàn được chia thành 2 nhóm chính:

  • Xoắn ngoài tinh mạc: thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân do dây chằng bìu cố định không hoàn toàn vào vách bìu, làm tinh hoàn xoay tự do ở trong bìu.
  • Xoắn trong tinh mạc: thường gặp ở thanh thiếu niên (10 – 20 tuổi). Do tinh mạc bám cao vào thừng tinh gây nên tình trạng quả lắc chuông, cho phép tinh hoàn xoay quanh thừng tinh.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị xoắn tinh hoàn

  • Nam giới bị đau tinh hoàn dữ dội, đau kéo dài, cơn đau dịu sau khoảng 5 – 6 giờ, phản xạ bìu giảm hoặc mất hẳn.
  • Vùng bìu đau đột ngột.
  • Bìu có thể sưng to, đỏ và rát.
  • Một tinh hoàn có vị trí cao hơn bình thường.
  • Tiểu rắt và lẫn máu trong tinh dịch.
  • Tinh hoàn di động khác thường. Có lúc di chuyển ngược lên trên bụng theo hướng của thừng tinh và lan xuống đùi.
  • Bệnh nhân vào viện với triệu chứng đau tinh hoàn đột ngột, dữ dội.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy những dấu hiệu khác thường ở vùng kín như: Bất ngờ hay đau nặng một tinh hoàn, sưng bìu, buồn nôn và ói mửa, một tinh hoàn ở vị trí cao hơn bình thường… thì nên tìm đến cơ sở chuyên khoa uy tín hoặc bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán và điều trị sớm.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến xoắn tinh hoàn

Bệnh do cấu tạo bất thường của cơ thể, dẫn đến ống dẫn tinh bị xoắn hơn và cản trợ sự lưu thông của máu, khiến oxy không thể cung cấp đến các tế bào tinh hoàn. Đây là hiện tượng có nguyên nhân là do nguồn gốc bẩm sinh.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị xoắn tinh hoàn?

Xoắn tinh hoàn là bệnh của nam giới, thường gặp ở trẻ em và tuổi trưởng thành (12-18 tuổi) chiếm 65% và có tỷ lệ 1/4.000 ca ở nam giới trên 25 tuổi.

Ngoài ra bệnh còn có yếu tố tiền sử xoắn tinh hoàn khi đã từng xoắn tinh hoàn mà tự tháo xoắn không cần điều trị, thì có nguy cơ tái phát một lần nữa.

Tiền sử gia đình cũng là một trong các tác nhân gây bệnh.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán xoắn tinh hoàn

Dựa vào bệnh sử và biểu hiện lâm sàng để chẩn đoán. Ngoài ra các kiểm tra khác bao gồm xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, chụp X-quang để kiểm tra sự lưu thông của máu. Siêu âm Doppler bìu để phát hiện dòng máu động mạch nuôi tinh hoàn ngừng trệ hoàn toàn hay giảm.

Sau đó, tùy theo những kết quả thu được mà bác sĩ sẽ tìm ra hướng điều trị thích hợp và cụ thể. Nếu triệu chứng lâm sàng điển hình, nhiều khi bệnh nhân không cần thiết phải chờ đợi mà sẽ được đưa ngay đến phòng mổ.

Phương pháp điều trị xoắn tinh hoàn hiệu quả

Chẩn đoán và điều trị trong giới hạn thời gian nhất định có thể bảo tồn phần lớn tinh hoàn về chức năng tình dục cũng như sinh sản với nhiều bệnh nhân. Thời gian chuẩn để điều trị bệnh theo các bác sĩ là trong vòng 6 giờ đầu tiên tính từ khi có biểu hiện đau. Trong vòng 6 giờ đầu, khả năng cứu được túi bi đôi nguyên vẹn như cũ là 100%. Còn đến trong khoảng 6 – 12 giờ thì khả năng chỉ còn 50%. Trong trường hợp kéo dài từ 12 – 24 giờ thì chỉ còn 20% khả năng thành công. Nếu trên 24h thì hi vọng bằng 0% và bạn phải chấp nhận hi sinh ít nhất 1 bên tinh hoàn của mình.

Một trong những cách điều trị bệnh xoắn tinh hoàn thông dụng nhất là thông qua phẫu thuật. Bệnh nhân được gây mê và làm một đường rạch da nhỏ ở bìu. Sau khi tháo xoắn, tinh hoàn được cố định vào thành của bìu bằng ít nhất hai mũi chỉ không tan để tránh xoắn tái phát.

Nếu xác định tinh hoàn đã hoại tử thì phải cắt bỏ và gắn tinh hoàn giả cho thẩm mỹ. Sau khi bị cắt bỏ một tinh hoàn thì nam giới vẫn có khả năng sinh sản, nhưng cần hạn chế chơi các môn thể thao có khả năng gây tổn thương đến tinh hoàn còn lại.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của xoắn tinh hoàn

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
  • Bệnh có thể được hạn chế về sau nếu được phẫu thuật cố định cả hai tinh hoàn.
  • Nên tránh tham gia các môn thể thao quá mạnh, vì các tác động mạnh đến tinh hoàn như va chạm trong lúc chơi thể thao có thể làm dây thừng bị xoắn lại.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Bệnh do đặc điểm di truyền nên cách duy nhất để ngăn ngừa xoắn tinh hoàn là phẫu thuật để đính kèm cả hai tinh hoàn vào bên trong của bìu để không thể xoay tự do.

Các trẻ nam nên tránh va chạm mạnh ở vùng nhạy cảm này sẽ dẫn đến tổn thương tinh hoàn. Với các trường hợp đã từng bị cắt bỏ một tinh hoàn do hoại tử thì càng phải thận trọng hơn. Vì nếu lỡ bị vỡ nốt tinh hoàn còn lại mà không được điều trị kịp thời cũng sẽ làm tinh hoàn này bị hoại tử và mất khả năng sinh con.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan