Đau dây thần kinh tam thoa

Tìm hiểu chung

Đau dây thần kinh tam thoa là gì?

Dây thần kinh tam thoa còn gọi là dây thần kinh số V, chia thành 3 nhánh tận là dây mắt (V1), dây hàm trên (V2), dây hàm dưới (V3). Đau dây thần kinh tam thoa là loại bệnh đau thường gặp nhất ở vùng mặt – miệng, các cơn đau bùng phát dữ dội và kết thúc rất đột ngột. Nguyên nhân gây bệnh là do dây thần kinh V bị tác động bởi nhiều yếu tố như: chèn ép, chấn thường, nhiễm trùng hay virus. Bệnh nhân mắc phải thường ở lứa tuổi 50, số ít ở lứa tuổi 30; số lượng nữ giới mắc phải nhiều hơn nam giới. Tuy nhiên hầu hết người bệnh đều không tìm thấy nguyên nhân nên người ta cho rằng đau dây thần kinh tam thoa là bệnh tự phát hoặc vô căn. Bệnh có thể được chữa khỏi bằng việc dùng thuốc và phẫu thuật.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau dây thần kinh tam thoa

  • Các cơn đau dữ dội như dao đâm, đau nhói ở vùng mặt kéo dài vài giây hoặc đến hai phút phân bố dọc theo một hay nhiều nhánh của dây thần kinh tam thoa;
  • Các cơn thường được kích thích do chạm vào các vùng cò súng (đa số nằm ở phần trung tâm mặt, quanh mũi và miệng) và cùng bên với bên đau;
  • Các cơn đau cũng có thể gây ra do rửa mặt, cạo râu, nhai,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có biểu hiện đau nhức nhối như điện giật ở vùng hàm mặt (thường là nửa bên mặt) đột ngột trong vài giây đến 3 phút khi bị kích thích hay không nguyên cớ, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và xét nghiệm theo yêu cầu.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến dây thần kinh tam thoa

Liên quan đến tác động vùng dây thần kinh V (vùng dây thần kinh rất nhạy cảm trên mặt) khiến bệnh nhân bị đau thần kinh tam thoa.

  • Sự chèn ép rễ dây thần kinh V bởi một mạch máu (thường là động mạch tiểu não trên), có thể là nguồn gốc cơn đau.
  • Chấn thương vùng răng hàm mặt: Nhổ răng, trồng răng, khối u trên vùng hàm mặt gây chèn ép dây thần kinh… Hoặc do các mạch máu tác động khi gặp tai nạn, va đập.
  • Nhiễm virus Herpes, mắc bệnh lý Carcinoma, Sarcoidosis.
  • Nhiễm trùng do virus tại hạch Gasser hoặc các nhánh dây V ngoại biên.

Cần lưu ý có trường hợp bệnh nhân không tìm được nguyên do bệnh.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị đau dây thần kinh tam thoa?

Đây là bệnh lý có thể diễn ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là ở độ tuổi 50 – 70, trong đó 75 là độ tuổi có nhiều bệnh nhân nhất. Ít hơn 10% bệnh nhân dưới 40 tuổi.

Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam gấp hai lần.

Bạn có thể làm giảm khả năng mắc bệnh bằng việc hạn chế các yếu tố nguy cơ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị đau dây thần kinh tam thoa, bao gồm:

  • Tuổi tác càng cao thì càng có nguy cơ mắc bệnh cao.
  • Phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh có tỷ lệ mắc gấp hai lần so với nam giới. Đặc biệt với những người làm việc căng thẳng và gặp vấn đề răng miệng thì càng dễ mắc phải.
  • Bệnh cũng có yếu tố di truyền.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau dây thần kinh tam thoa

Chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh và khám thực thể bệnh nhân:

  • Chẩn đoán:
    • Loại trừ các yếu tố nguyên nhân khác gây đau mặt và đầu.
    • Không thấy bệnh nhân mất cảm giác khi thăm khám.
  • Lâm sàng: Làm tốc độ lắng máu nếu nghi ngờ viêm động mạch thái dương.
  • Xét nghiệm máu và chụp MRI: Có thể loại trừ nguyên nhân có triệu chứng tương tự.

Phương pháp điều trị đau dây thần kinh tam thoa hiệu quả

Có 2 phương pháp: dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Khi dùng thuốc không hiệu quả, bác sĩ mới xem xét phẫu thuật. Phẫu thuật vẫn có khả năng có biến chứng hoặc tái phát (tỉ lệ khá thấp).

Điều trị bằng thuốc:

Thuốc chống co giật  như Carbamazepine, Phenytoin. Hầu hết người mắc bệnh đều bắt đầu điều trị nội khoa với hai loại thuốc này. Trong đó, Carbamazepine là thuốc hàng đầu để kiểm soát đau dây thần kinh V.

Phẫu thuật:

Có hai phương pháp chính là phương pháp làm tổn thương dây V và phương pháp không làm tổn thương dây V.

1. Phương pháp làm tổn thương dây V:

  • Tiêm dọc theo đường đi của dây V.
  • Cắt dây thần kinh ngoại biên.
  • Cắt dây thần kinh V gần não cầu.
  • Nhiệt đông dây V tại hạch Gasser qua da bằng sóng radio.

2. Phương pháp không làm tổn thương dây V:

Phương pháp giải áp vi mạch.

Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến và có tỉ lệ tái phát bệnh thấp. Được chỉ định thực hiện khi có các vấn đề sau:

  • Đau dây V vô căn hoặc có triệu chứng.
  • Điều trị nội khoa không mang lại hiểu quả.
  • Điều trị nội khoa có hiểu quả nhưng phải sử dụng liều cao.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Cần chú ý đánh giá tiến triển của bệnh trạng và tránh các biến chứng như trầm cảm lo âu, suy dinh dưỡng do đau.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau dây thần kinh tam thoa

  • Điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tái khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo.
  • Nên ăn uống đầy đủ, lành mạnh. Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B, chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt, lúa mạch, gạo lứt,…), omega-3, vitamin B12,…
  • Hạn chế các thức uống có ga, có cồn, chất caffeine,…

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Nhìn chung, chúng ta cần có một thói quen sinh hoạt sống lành mạnh, không làm việc quá sức và ăn thiếu chất để giúp tăng đề kháng cho cơ thể. Đồng thời phải luôn nhớ thăm khám định kỳ để kịp thời điều trị nếu mắc phải.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan