Ngất

Tìm hiểu chung

Ngất là gì?

Ngất hay còn gọi là ngất xỉu, là tình trạng mất ý thức thoáng qua do giảm tưới máu toàn não bộ, người bệnh thấy hoa mắt, chóng mặt, mắt tối sầm và sau đó không nhận thức được xung quanh.

Theo các nghiên cứu ngất chiếm khoảng 1% số bệnh nhân nhập viện và khoảng 3% số bệnh nhân cấp cứu và cũng có khoảng 3% dân số có xảy ra tình trạng ngất. Bệnh nhân nên được chẩn đoán nguyên nhân rõ ràng để chữa trị.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ngất 

Trước khi ngất: Có thể có biểu hiện chóng mặt hoặc choáng váng (chiếm 70% trường hợp), yếu, toát mồ hôi, khó chịu vùng thượng vị, buồn nôn, nhìn mờ, xanh xao hoặc có dị cảm.

Các triệu chứng bất thường cần đặc biệt lưu ý: Ngất khi gắng sức, đau ngực, khó thở, đau lưng, đánh trống ngực, nhức đầu nặng, triệu chứng thần kinh khu trú, nhìn đôi, mất điều hòa hoặc loạn vận ngôn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Không phải trường hợp ngất xỉu nào cũng nguy hiểm. Nếu ngất do bị chấn động tâm lý, làm việc quá sức, đói hoặc khát thì bạn có thể tự điều trị tại nhà. Nhưng nếu có biểu hiện ngất cùng với đau ngực, khó thở hoặc có tiền sử bệnh tim, người bệnh nên đến ngay phòng khám hoặc bệnh viện để được kiểm tra.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ngất xỉu

Hầu hết các trường hợp ngất xỉu xảy ra đều là do các nguyên nhân khiến huyết áp của cơ thể giảm thấp hoặc nhịp tim thay đổi bất thường như:

  • Chứng huyết áp thấp, tụt huyết áp đột ngột là nguyên nhân phổ biến.
  • Bệnh lý về tim mạch như mạch vành, rối loạn nhịp tim, rối loạn chức năng tâm thất.
  • Tác dụng phụ của thuốc điều trị các bệnh về tim mạch, huyết áp, thuốc điều trị trầm cảm.
  • Mắc bệnh tiểu đường, parkinson, rối loạn hệ thần kinh thực vật.

Bệnh cũng thường được kích hoạt bởi một số yếu tố nhất định như: Đứng lên ngồi xuống đột ngột, thay đổi nhiệt độ, nhìn thấy một cảnh tượng khó chịu, sợ hãi, bị đau bất ngờ,…


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị ngất?

Bệnh xảy đến đột ngột, với mọi lứa tuổi và giới tính đều có nguy cơ mắc bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ, bao gồm:

  • Mắc bệnh tim mạch hoặc huyết áp thấp.
  • Đứng lâu hoặc nằm lâu rồi đứng lên đột ngột.
  • Căng thẳng, rối loạn lo âu.
  • Hiến máu khi chưa ăn, thiếu máu.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ngất

Các bác sĩ có thể chẩn đoán chứng ngất xỉu bằng cách:

  • Quan sát biểu hiện lâm sàng.
  • Hỏi về tiền sử bệnh lý của bệnh nhân để xem có yếu tố nào liên quan đến việc ngất xỉu hay không.
  • Đo huyết áp và điện tâm đồ.
  • Các xét nghiệm bổ trợ như:
    • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC).
    • Xét nghiệm glucose huyết thanh, điện giải trong huyết thanh.
    • Xét nghiệm men tim, xét nghiệm đo lượng creatine phosphokinase (CPK).
    • Xét nghiệm nước tiểu.
    • Chụp X-quang ngực; chụp cắt lớp vi tính (CT) đầu, ngực, bụng; chụp cộng hưởng từ (MRI) não và cộng hưởng từ động mạch (MRA).
    • Chụp thông khí tưới máu phổi (V/Q scan), siêu âm tim, điện tâm đồ (ECG), điện não đồ (EEG).
    • Nghiệm pháp bàn nghiêng (head-up tilt table test)
    • Xét nghiệm mức độ căng thẳng tim.

Phương pháp điều trị ngất hiệu quả

Cần xác định được nguyên nhân và điều trị bệnh lý dẫn đến ngất để giúp bệnh nhân kéo dài đời sống, hạn chế các chấn thương thực thể, và ngăn ngừa tái phát.

Các trường hợp ngất xỉu thường sẽ tự hồi phục, việc điều trị chủ yếu là loại bỏ nguyên nhân dẫn đến ngất xỉu.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những phương pháp phòng bệnh hiệu quả

Chế độ sinh hoạt:

  • Uống đủ nước.
  • Không bỏ bữa, nhịn ăn.
  • Không đứng dậy đột ngột khi đang ngồi hoặc nằm lâu.
  • Không đi dưới nắng quá lâu, tránh những nơi đông và ngột ngạt.
  • Nằm nghỉ ngơi nếu cảm thấy choáng váng.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống khoa học, đa dạng các loại thực phẩm hằng ngày.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt, vitamin B12, folat có tác dụng bổ máu như thịt nạc, thịt bò, trứng, sữa, cá, đậu tương, bí đỏ, trái cây tươi,…
  • Hạn chế ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan