Nhược cơ

Tìm hiểu chung

Nhược cơ là gì?

Nhược cơ (yếu cơ) là bệnh tự miễn thần kinh với triệu chứng nổi bật là các cơ vân yếu nhược và hoạt động chóng mỏi. Bệnh do giảm số lượng của thụ thể acetylcholine ở màng sau synap thần kinh cơ dẫn đến rối loạn quá trình dẫn truyền qua synap thần kinh – cơ.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhược cơ

Khởi đầu thường âm thầm, nhưng đôi khi xảy ra sau nhiễm trùng cấp, sau phẫu thuật, sau nhiễm độc… Các triệu chứng của bệnh thường dễ phát hiện như:

  • Mệt mỏi cơ xảy ra từng đợt và tăng nhanh khi hoạt động.
  • Bệnh gây tổn thương các cơ ngoại lai của mắt dẫn đến nhìn đôi, sụp mi, lác mắt,…
  • Mỏi đầu, đầu gục ra trước.
  • Gây nói khàn, khó phát âm, nói nuốt khó, nhai mỏi…
  • Đôi khi gây khó thở.

Các triệu chứng ban đầu thường thoáng qua (lác mắt, nhìn đôi, sụp mi,…) sau đó bệnh nhân lại tái phát còn có thể yếu thêm các cơ khác.

Theo Osserman bệnh nhược cơ được chia thành các nhóm:

  • Nhóm I: Các cơ vận nhãn (15 – 20%).
  • Nhóm IIA: Nhược cơ nhẹ toàn thân (30%).
  • Nhóm IIB: Nhược cơ toàn thân mức độ vừa (20%).
  • Nhóm III: Nhược cơ đột ngột cấp tính (11%).
  • Nhóm IV: Nhược cơ muộn, nặng nề (9%).

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi phát hiện có các triệu chứng như: lác mắt, nhìn một thành hai, sụp mi, tiếng nói đầu câu thì rõ, cuối câu đuối dần rồi thều thào, nuốt khó, không ngửa đầu lên được hoặc khó thở… Và có dấu hiệu nặng lên nếu hoạt động thì bệnh nhân nên đến bệnh viện để được xét nghiệm và thăm khám.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhược cơ

Có ba nguyên nhân chính:

  • Trong cơ thể người mắc bệnh nhược cơ xuất hiện các tự kháng thể phá hủy các thụ thể acetylcholin (Ach) khiến các thụ thể này không gắn được vào màng sau synap và không thể dẫn truyền xung động thần kinh tới cơ khiến cơ bị yếu lực.
  • Cơ thể người bệnh xuất hiện các tự kháng thể kháng lại enzym kinase đặc hiệu cơ. Khi enzyme kinase bị kháng thì các thụ cảm thể của Ach khó được biệt hóa và hình thành.
  • U tuyến ức làm hệ miễn dịch của người bệnh trở nên mẫn cảm. Tuyến ức phát triển mạnh kéo theo sự tự sản xuất ra các kháng thể chống lại các thụ thể Ach. Đây là nguyên nhân chủ yếu thường gặp (chiếm 75%) ở bệnh nhân.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị nhược cơ?

Tỷ lệ mắc phải ở nữ/nam thường là 3/2.

Bệnh phát sinh ở mọi độ tuổi nhưng thường gặp từ 15 đến 20 tuổi. Trong đó bệnh nhân có u tuyến ức phổ biến ở tuổi 40 – 50.

Độ tuổi 60 – 70 bệnh nhân chủ yếu là nam giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ nhược cơ, bao gồm:

  • Nếu mẹ bị nhược cơ thì con sinh ra cũng có nguy cơ bị nhược cơ sơ sinh do kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai.
  • Bệnh nhân mắc u tuyến ức.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhược cơ

Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng của bệnh nhân, khám thực thể toàn diện và thực hiện các xét nghiệm như:  xét nghiệm miễn dịch, phản ứng điện – điện cơ, X-quang tuyến ức, sinh thiết cơ vân để chẩn đoán nhược cơ.

Phương pháp điều trị nhược cơ hiệu quả

Có một số phương pháp giúp giảm và phục hồi các cơ suy yếu giúp kiểm soát bệnh. Hiện có ba phương pháp thường dùng là: dùng thuốc, lọc máu và cắt bỏ tuyến ức.

Một số loại thuốc dùng trong điều trị nhược cơ bào gồm:

  • Neostigmine.
  • Pyridostigmine.
  • Prednisone.
  • Azathioprine.
  • Cyclosporine hoặc Mycophenolate Mofetil.

Nếu nhược cơ khiến bạn khó thở kéo dài, bạn có thể được sử dụng thiết bị hỗ trợ hỗ hấp.

Tập vật lý trị liệu cũng là một trong những phương pháp hữu hiệu thường đi kèm với các phương pháp điều trị chính.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhược cơ

Chế độ sinh hoạt:

  • Không làm việc quá sức, tránh áp lực tinh thần.
  • Không tự ý uống thuốc nếu không được chỉ định.
  • Tập vật lý trị liệu để giữ cơ bắp khỏe mạnh.
  • Không hút thuốc hoặc hít khối bụi; tốt nhất bạn nên trang bị dụng cụ bảo vệ như khẩu trang để tránh hít phải khói bụi ô nhiễm.
  • Cân bằng giữa thời gian hoạt động và thời gian nghỉ, giữu cho tinh thần luôn thoải mái.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh có dấu hiệu tái phát.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Thực hiện chế độ ăn giàu kali, như ăn nhiều chuối, đu đủ…
  • Chia nhỏ bữa ăn và ăn vào giờ cảm thấy cơ thể ở trạng thái tốt nhất.
  • Dùng các loại thực phẩm mềm, dễ nhai nuốt.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan