Run vô căn

Tìm hiểu chung

Run vô căn là bệnh gì?

Run vô căn là bệnh lý khiến bệnh nhân có biểu hiện run ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, thường nhận thấy nhất ở tay, gồm hai loại: run tư thế và run vận động.

Bệnh tuy được coi là lành tính nhưng vẫn gây khó khăn và trở ngại trong sinh hoạt của bệnh nhân. Vì thế người bệnh nên được chẩn đoán và điều trị sớm.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh run vô căn

  • Run bàn tay, bàn chân, thậm chí run đầu;
  • Không kiểm soát được run trong thời gian ngắn;
  • Run nhiều khi hoạt động và căng thẳng, giảm đi sau khi nghỉ ngơi hoặc uống một thức uống có cồn;
  • Giọng nói cũng run run.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh có thể ảnh hưởng tâm lý bệnh nhân nếu kéo dài, gây cản trở giao tiếp, sinh hoạt và có nguy cơ khép mình và xa lánh. Nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng run bất thường nào ảnh hưởng đến sinh hoạt thì nên đến cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh run vô căn

Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân rõ ràng của căn bệnh này. Có một số nhà khoa học cho rằng đó là do vùng tiểu não (vùng kiểm soát các cơ bắp) làm việc kém hiệu quả và một số tác giả đã chứng minh cho thấy có tới hơn 50% số ca run vô căn do đột biến gen. Có 2 loại gen có liên quan đến chứng run vô căn là ETM1 và ETM2.

Tuy nhiên có các yếu tố ảnh hưởng có thể kể đến như sau:

  • Do yếu tố gia đình hoặc tuổi tác (tuổi già).
  • Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Khi bệnh nhân bị stress, lo âu, mệt mỏi.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị run vô căn?

Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh.

Ít gặp ở trẻ em, thường gặp ở người già hơn (trên 60 tuổi).

Yếu tố làm tăng nguy cơ run vô căn, bao gồm:

  • Di truyền.
  • Người trên 65 tuổi.
  • Người thường stress, căng thẳng và lo âu.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh run vô căn

Bệnh nhân sẽ được hỏi về bệnh sử và thăm khám lâm sàng để loại trừ các nguyên nhân gây run khác.

Kiểm tra có thể được thực hiện để loại trừ nguyên nhân gây run như:

  • Bệnh cường giáp.
  • Đột nhiên ngừng rượu sau khi uống rất nhiều trong một thời gian dài.
  • Dùng quá nhiều caffeine.
  • Sử dụng một số thuốc.

Xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh (CT não, MRI não và X-quang) có thể loại trừ các nguyên nhân: u não, viêm não.

Khi bệnh nhân đã loại trừ được các nguyên nhân khác có thể dẫn đến triệu chứng thì sẽ được chẩn đoán run vô căn.

Phương pháp điều trị run vô căn hiệu quả

Hiện nay chủ yếu vẫn là điều trị bằng thuốc giúp giảm bớt các triệu chứng.

Các thuốc thường dùng trong điều trị run vô căn bao gồm:

  • Thuốc làm giảm sự run: Propranolol. Đây là loại phổ biến nhất.
  • Thuốc chống động kinh: Primidone, gabapentin, topiramate.
  • Thuốc an thần nhẹ: Prazolam và clonazepam.

Nếu các triệu chứng vẫn không thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng thêm khi dùng thuốc, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật: phẫu thuật mở đồi thị và kích thích não sâu. Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam kỹ thuật này còn rất hạn chế.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của run vô căn

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng. Đây là yếu tố quan trọng giúp hạn chế tần suất của các cơn run. Khi bạn càng lo lắng và hồi hộp, cơn run sẽ càng nhiều hơn.
  • Người mắc căn bệnh này thường rất tự ti và rụt rè khi tiếp xúc với mọi người, hoặc mỗi khi tiếp xúc họ sẽ bị hồi hộp làm bệnh nghiêm trọng hơn. Vì vậy, người nhà bệnh nhân cần đặc biệt quan tâm đến họ để họ cảm thấy lạc quan, vui vẻ.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Tránh caffeine vì có thể làm sản sinh nhiều Adrenalin, khiến cơ thể run nặng hơn.
  • Hạn chế uống rượu.
  • Ăn nhiều rau củ tươi.
  • Nên sử dụng các loại chất béo chưa bão hòa (trong cá hồi, cá tuyết…) hoặc có nguồn gốc thực vật (dầu olive).
  • Hạn chế thịt đỏ, thay bằng cá biển, thịt gia cầm.

Những phương pháp phòng bệnh hiệu quả

  • Ăn uống đầy đủ và sinh hoạt lành mạnh.
  • Hạn chế căng thẳng, stress.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Hạn chế dùng thực phẩm có chứa caffeine và cồn.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan