Sốt thấp khớp

Tìm hiểu chung

Sốt thấp khớp là gì?

Sốt thấp khớp hay còn gọi là thấp tim hay thấp khớp cấp, là tình trạng viêm ở tim, hệ thần kinh, da và khớp sau khi bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Bệnh thường là biến chứng của bệnh viêm họng hay ban đỏ do nhiễm vi khuẩn liên cầu nhóm A và bệnh có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến tim, gây tổn hại nghiêm trọng đến van tim, suy tim.

Sốt thấp khớp không lây lan nhưng nếu sốt thấp khớp do nhiễm trùng thì có thể lây nhiễm. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 5 – 15 tuổi và phổ biến hơn ở các nước đang phát triển.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của sốt thấp khớp

Triệu chứng sốt thấp khớp ở mỗi người là khác nhau, ở một số người có triệu chứng, một số khác các triệu chứng chỉ là thoáng qua, và các triệu chứng cũng có thể thay đổi trong quá trình mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu bị sốt thấp khớp, thì khởi đầu của bệnh thường vào thời gian từ 2 – 4 tuần sau khi bị viêm họng. Các dấu hiệu của sốt thấp khớp bao gồm:

  • Sốt, mệt mỏi, xanh xao;
  • Đau ngực, khó thở, cảm thấy tim đập nhanh;
  • Ăn không ngon miệng;
  • Sưng mắt cá chân và sưng quanh mắt
  • Phát ban nhẹ, có những hạt nhỏ dưới da ở vùng có xương nhiều như bàn tay, cổ tay, khuỷu tay và khớp ngón tay;
  • Viêm khớp kèm theo đau, sưng và nóng khớp.

Nếu não bị ảnh hưởng, bạn sẽ không kiểm soát được một vài hành vi hoặc có những động tác vô nghĩa.

Biến chứng có thể gặp do sốt thấp khớp

Sốt thấp khớp gây tổn hại cho tim, ảnh hưởng đến van hai lá (van giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái của tim). Các tổn thương có thể gây ra nhiều biến chứng bao gồm:

  • Hẹp van tim
  • Hở van tim
  • Tổn thương cơ tim
  • Tổn thương các van hai lá, van tim khác hoặc mô tim khác có thể gây ra bệnh tim sau này. Các bệnh có thể bao gồm:
  • Rung tâm nhĩ, nhịp đập không đều của tâm nhĩ.
  • Suy tim, một sự suy yếu của tim dẫn tới không bơm đủ máu cho cơ thể.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi thấy các triệu chứng của bệnh viêm họng, bạn phải điều trị dứt điểm để tránh nguy cơ phát triển thành bệnh sốt thấp khớp. Bên cạnh đó, bạn cần đến gặp bác sĩ khi xuất hiện một số tình trạng sau:

  • Đau họng nhưng không có các triệu chứng bệnh cảm như nghẹt mũi;
  • Đau họng cùng với hạch bạch huyết sưng tấy;
  • Phát ban từ đầu và cổ, lan rộng đến thân và các chi;
  • Khó nuốt bất cứ cái gì, ngay cả nước bọt;
  • Dịch mũi đặc hay có lẫn máu Chảy máu mũi đặc (tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi bị sốt thấp khớp);
  • Lưỡi đỏ và nổi nhiều mụn.

Ngoài ra, bạn cũng cần gặp bác sĩ khi thấy triệu chứng của sốt thấp khớp.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến sốt thấp khớp

Sốt thấp khớp có thể xảy ra sau khi bị nhiễm trùng họng do vi khuẩn Streptococcus pyogenes hoặc liên cầu nhóm A gây ra. Trong đó, nhiễm trùng do liên cầu nhóm A ít phổ biến hơn hoặc nếu nó gây nhiễm trùng trên da hay các bộ phận khác trên cơ thể cũng ít khi gây sốt thấp khớp hơn là nhiễm trùng ở họng.

Sốt thấp khớp là một dạng rối loạn tự miễn, có nghĩa là cơ thể phản ứng lại tế bào hoặc mô của chính nó. Do vi khuẩn có chứa một protein tương tự ở một số mô trong cơ thể nên khi hệ miễn dịch tế bào tiêu diệt vi khuẩn có thể sẽ nhắm đến các mô đó – đặc biệt là các mô tim, khớp, da và hệ thần kinh trung ương. Phản ứng này của hệ miễn dịch sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm và dẫn đến các triệu chứng sốt thấp khớp.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải sốt thấp khớp?

Sốt thấp khớp có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường phổ biến nhất ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi, và bệnh có thể ảnh hưởng đến khi 25 – 35 tuổi.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt thấp khớp bao gồm:

  • Di truyền;
  • Chủng vi khuẩn gây viêm họng;
  • Môi trường sống thiếu vệ sinh và ô nhiễm.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sốt thấp khớp

Bác sĩ chẩn đoán sốt thấp khớp dựa vào khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng của người bệnh, bệnh sử, bằng chứng viêm nhiễm. Nếu nghi ngờ bị sốt thấp khớp, bác sĩ sẽ cho tiến hành các xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm máu: phát hiện kháng thể kháng liên cầu khuẩn trong máu.
  • Xét nghiệm điện tâm đồ và siêu âm tim: cho phép bác sĩ phát hiện viêm tim, chức năng tim kém hay phán đoán khả năng bị hở van tim.

Phương pháp điều trị sốt thấp khớp hiệu quả

Mục tiêu của việc điều trị sốt thấp khớp là tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, giảm viêm, điều trị triệu chứng và hạn chế nguy cơ biến chứng.

Các phương pháp điều trị bao gồm:

Sử dụng thuốc kháng sinh trong vài ngày để diệt vi khuẩn (hãy thông báo với bác sĩ nếu bị dị ứng với penicillin). Sau khi điều trị bệnh bằng kháng sinh, bác sĩ sẽ tiến hành phòng ngừa tái phát bằng một đợt thuốc kháng sinh khác. Điều trị dự phòng có thể kéo dài trong vài năm.

Ngoài dùng kháng sinh, các loại thuốc chống viêm và chống co giật cũng sẽ được kê đơn để giảm các triệu chứng của bệnh.

Ngoài ra, nếu bạn bị đau cơ và khớp, bác sĩ có thể cho bạn uống các thuốc chống viêm như aspirin hoặc corticosteroid để giúp làm giảm đau và kiểm soát triệu chứng của bệnh sốt thấp khớp.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sốt thấp khớp

Các biện pháp kiểm soát sốt thấp khớp bao gồm:

  • Nếu bạn bị sốt thấp khớp, bạn nên hạn chế vận động cho đến khi các triệu chứng khỏi hẳn, có thể từ 2 đến 5 tuần.
  • Uống các loại thuốc kháng sinh trong suốt thời gian được chỉ định.
  • Uống nhiều nước khi bị sốt.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Tái khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Nếu bị sốt, viêm họng do nhiễm trùng bạn được điều trị kịp thời và dùng đầy đủ các loại thuốc do bác sĩ kê đơn thì có rất ít hoặc không có nguy cơ bệnh phát triển thành sốt thấp khớp. Và ngược lại, nếu không điều trị dứt điểm thì có nguy cơ bạn sẽ bị sốt thấp khớp.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan