Bạch hầu

Tìm hiểu chung

Bạch hầu là bệnh gì?

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường xảy ra ở niêm mạc của mũi và họng. Bệnh có tính chất lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc với người bệnh. Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu là do một loại vi khuẩn có tên Corynebacterium diphtheriae. Đây là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, có thể gặp ở bất kì ai. Điều trị bệnh bạch hầu cần phải dùng đến thuốc kháng vi khuẩn và người bệnh cần nhập viện để được chăm sóc và cách ly với những người khác.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, thường xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng như: đau họng, sốt, sưng các tuyến và mệt mỏi toàn thân. Dấu hiệu chính của bệnh là xuất hiện màng giả mạc phủ trên thành sau họng gây tắc nghẽn đường thở làm bệnh nhân khó thở.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bạch hầu

Nếu màng giả phát triển và lan nhanh xuống phía dưới thanh – khí phế quản sẽ làm tắc nghẽn đường hô hấp. Nếu cấp cứu không kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.

Viêm cơ tim có thể xảy ra dù bệnh nặng hay nhẹ, nhất là trong trường hợp bệnh kéo dài mà không được kháng độc tố. Tỷ lệ viêm cơ tim là 10% – 25% số trường hợp bị bạch hầu. Trong đó, tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim là 50% – 60%.

Ngoài ra người bệnh còn có thể gặp biến chứng về thần kinh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm do đó, hãy đưa con đi khám khi con bạn có tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh bạch hầu.

Nếu con bạn chưa được tiêm chủng ngừa bệnh bạch hầu thì nên đưa con đến cơ sở y tế để được tiêm chủng.

Nếu phát hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh bạch hầu hãy liên hệ đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu, tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae gây ra.

Các con đường lây truyền bệnh chủ yếu là:

  • Bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh bạch hầu. Bệnh có thể lan rộng đám đông người, như bệnh viện, trường học, nhà trẻ…
  • Lây nhiễm từ các vật dụng cá nhân bị nhiễm vi khuẩn như dùng chung khăn, hoặc uống chung ly nước chưa được rửa của người bị bệnh bạch hầu, hoặc tiếp xúc với những đồ vật có dính những chất dịch tiết của bệnh nhân bị bệnh bạch hầu.
  • Lây nhiễm từ vật dụng trong gia đình như khăn tắm hoặc đồ chơi của trẻ em.
  • Tiếp xúc với vết thương bị nhiễm khuẩn bạch hầu.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu?

Bệnh bạch hầu là một bệnh khá phổ biến, trẻ em dưới 15 tuổi dễ mắc bệnh nhất và có nguy cơ tử vong cao.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, bao gồm:

  • Trẻ em và người lớn không được chủng ngừa bạch hầu đầy đủ.
  • Những người sống trong khu vực đông đúc và mất vệ sinh.
  • Đi du lịch tới những vùng nơi đang có dịch bệnh bạch hầu.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh bạch hầu

Bác sĩ xem xét các triệu chứng bệnh, khám lâm sàng, hỏi về tiền sử tiếp xúc của người bệnh.

Chẩn đoán xác định bằng cách lấy bệnh phẩm từ màng giả để nuôi cấy tìm vi khuẩn gây bệnh.

Xét nghiệm từ mẫu mô từ vết thương bị nhiễm, như ở da và làm xét nghiệm trong phòng xét nghiệm để kiểm tra loại vi khuẩn bạch hầu gây bệnh trên da.

Từ kết quả chuẩn đoán và xét nghiệm, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh bạch hầu sẽ có quyết định cho phương án điều trị ngay lập tức.

Phương pháp điều trị bệnh bạch hầu hiệu quả

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc nguy hiểm. Bạn nên tuân thủ các phương pháp điều trị của bác sĩ.

Sử dụng thuốc kháng độc tố (antitoxin) để trung hòa độc tố của vi khuẩn đang lưu hành trong cơ thể. Trước đó, bác sĩ cần phải kiểm tra dị ứng trên da để bảo đảm bệnh nhân không bị dị ứng với antitoxin.

Nếu người bệnh bị di ứng với kháng độc tố thì tiến hành giải mẫn cảm với kháng độc tố bạch hầu. Người bị dị ứng với kháng độc tố, trước hết phải được giải mẫn cảm với kháng độc tố bạch hầu như:

  • Kháng sinh như penicillin hay erythromycin giúp diệt vi khuẩn trong cơ thể, làm sạch những ổ nhiễm trùng.
  • Người mắc bệnh bạch hầu nên nhập viện điều trị để được cách ly nghiêm ngặt vì vi khuẩn bạch hầu có thể lây lan dễ dàng cho bất kỳ người nào không được chủng ngừa bạch hầu.

Bác sĩ có thể gỡ bỏ giả mạc trong họng bệnh nhân nếu giả mạc gây khó thở.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh bạch hầu

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Người bệnh không nên dùng chung vật dụng với người khác để ngăn nguy cơ lây bệnh.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Tiêm chủng vắc-xin bạch hầu cho trẻ. Vắc-xin ngừa bạch hầu thường được kết hợp với vắc-xin ngừa uốn ván và ho gà.
  • Không sử dụng chung đụng đồ đạc cá nhân.
  • Không đi đến những nơi đang có dịch bệnh.
  • Tránh tiếp xúc với mầm bệnh.
  • Những người tiếp xúc vói người bệnh bạch hầu và chưa có triệu chứng cũng cần tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan