Viêm màng não do phế cầu

Tìm hiểu chung

Viêm màng não do phế cầu là gì?

Viêm màng não do phế cầu là tình trạng viêm lớp màng bao quanh não và tủy sống. Tình trạng này xuất hiện bởi sự tấn công của vi khuẩn phế cầu lên màng não gây nhiễm trùng. Bệnh có khả năng gây tử vong cao và để lại di chứng nặng nề.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng não do phế cầu

Ai cũng có nguy cơ bị viêm màng não do phế cầu. Tuy nhiên ở trẻ nhỏ và người lớn sẽ có những triệu chứng khác nhau.

Triệu chứng ở trẻ em:

  • Ăn uống ít;
  • Trạng thái lơ mơ;
  • Nôn ói.

Triệu chứng ở người lớn:

  • Bị đơ cứng cổ;
  • Sốt;
  • Nhức đầu;
  • Bị đau khi nhìn ánh sáng chói;
  • Lú lẫn.

Tác động của viêm màng não do phế cầu với sức khỏe

Khoảng 15% trường hợp trẻ em và trẻ sơ sinh bị viêm màng não do phế cầu tử vong trên toàn thế giới mỗi năm.

Cứ 4 người còn sống thì lại có 1 trường hợp gặp di chứng của bệnh ở mức độ trung bình đến nặng. Người bệnh có thể bị mất thính lực tạm thời hoặc vĩnh viễn, bị tổn thương não. Hệ lụy lâu dài là gây rối loạn khả năng học tập, làm việc, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm màng não do phế cầu

Vi khuẩn phế cầu có tên là Streptococcus pneumoniae, đó là một trong những thủ phạm nguy hiểm gây viêm màng não. Bệnh thường lây truyền qua đường hô hấp và đường miệng lúc ta tiếp xúc với dịch tiết có chứa vi khuẩn do người bệnh phát ra khi nói chuyện, ho, hắt hơi.

Phế cầu có thể gây viêm đường hô hấp, viêm phổi, trong một số trường hợp chúng sẽ xâm nhập vào máu đến hệ thần kinh và gây viêm màng não.

Phế cầu là vi khuẩn gây viêm màng não với tỉ lệ tử vong và di chứng cao.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm màng não do phế cầu?

Ai cũng có nguy cơ bị viêm màng não phế cầu nếu tiếp xúc với mầm bệnh nhưng trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao nhất.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm

  • Chưa được tiêm phòng vắc xin ngừa viêm màng não phế cầu.
  • Hệ miễn dịch bị yếu như trẻ em, người già, người bị HIV/AIDS, người đang điều trị ung thư.
  • Phụ nữ có thai.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm màng não do phế cầu

Bác sĩ chẩn đoán bệnh bằng cách khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng của người bệnh. Nếu như bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm khuẩn gây viêm màng não thì sẽ cho chụp hình não trước khi chọc dịch não tủy để làm xét nghiệm, sau đó sẽ thực hiện đo điện não đồ, xét nghiệm máu để đưa ra chẩn đoán chính xác.

Phương pháp điều trị viêm màng não do phế cầu hiệu quả

Nguyên tắc điều trị:

  • Phát hiện sớm và điều trị khẩn cấp.
  • Điều trị bằng kháng sinh.
  • Lưu ý chế độ dinh dưỡng cho người bệnh.

Điều trị kháng sinh:

Kháng sinh sẽ được áp dụng điều trị ngay khi có nghi ngờ viêm não do phế cầu. Thông thường các bác sĩ sẽ dùng các loại kháng sinh sau:

  • Ceftriaxon
  • Chloramphenicol

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Hiện nay, bệnh viêm màng não do phế cầu đã có vắc xin phòng ngừa và là phương pháp hữu hiệu nhất để bạn có thể ngăn chặn căn bệnh này xảy đến với bản thân hoặc con của bạn.

Một số biện pháp phòng ngừa khác bạn có thể áp dụng như:

  • Che miệng khi hắt hơi hay ho.
  • Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Giữ môi trường sống xung quanh sạch sẽ, không khói và ô nhiễm.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan