Nhiễm giun móc

Tìm hiểu chung

Nhiễm giun móc là bệnh gì?

Bệnh nhiễm giun móc hay còn gọi là nhiễm giun mỏ, là một loại bệnh kí sinh trùng lây qua da, niêm mạc và qua đường ăn uống. Hai loại giun móc gây bệnh phổ biến ở người là Anclostoma duodenale và Necator americanus. Giun móc thường ký sinh trong ruột non của người, có khả năng hút máu và gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh không biểu hiện những triệu chứng đặc trưng nên thường người bệnh không nhận ra hoặc các triệu chứng biểu hiện rất dễ bị nhầm lẫn với các căn bệnh khác.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của khi bị nhiễm giun móc

Thông thường bệnh nhiễm giun móc sẽ không có triệu chứng hay dấu hiệu chuyên biệt nào để nhận biết việc người bệnh đã nhiễm giun móc.

  • Ở giai đoạn đầu, khi giun móc xuyên qua da có thể gây viêm da tại chỗ với các triệu chứng ngứa, có nhiều nốt màu đỏ và hết sau 1 – 2 ngày.
  • Ở giai đoạn sau, khi giun ký sinh ở tá tràng, ruột non, gây nên những cơn đau ở vùng thượng vị, kèm theo cảm giác cồn cào, đầy bụng, buồn nôn. Giun móc hút máu ở tá tràng, tiết ra độc tố gây ức chế cơ quan tạo máu, gây chứng thiếu máu kéo dài.

Biến chứng có thể gặp khi bị nhiễm giun móc

Khi mắc bệnh giun móc, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh sẽ lâm vào tình trạng thiếu máu đáng kể.

Ngoài ra, khi giun móc hút máu sẽ gây ra những vết loét chảy máu rỉ rả nên người bệnh bị mất máu nhiều hơn. Bệnh nhân bị giảm protein máu kèm theo các triệu chứng về tim mạch như và hô hấp như: ho khan, ho ra máu, rối loạn nhịp tim, suy tim, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, mạch đập nhanh, chóng mặt khó thở kèm theo phù nhẹ ở mặt và chi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Do những biến chứng nguy hiểm khi bị nhiễm giun móc nên khi bạn phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng kể trên thì cần đến gặp các bác sĩ ngay lập tức. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun móc

Bệnh do hai loại giun móc phổ biến gây ra là Anclostoma duodenale và Necator americanus.

Trứng giun móc theo phân của người bệnh ra đất, sau khoảng 2 ngày sẽ nở thành ấu trùng, sống ở đất nhiều tuần lễ. Gặp người, ấu trùng chui qua da, thường ở mu bàn chân, kẽ ngón chân, gây ra những nốt mẩn đỏ, ngứa (triệu chứng này diễn biến 3 – 4 ngày rồi tự hết). Ấu trùng qua da vào bạch huyết và máu rồi lên phổi, chui vào phế nang, di chuyển lên phế quản và hầu họng rồi được nuốt vào ruột non.

Người có thể nhiễm bệnh do ăn phải thức ăn hoặc uống nước nhiễm khuẩn.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị nhiễm giun móc?

Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm giun móc, nhưng trẻ em thường dễ gặp nhất.

Những người thường xuyên để chân trần, không mang giày dép khi đi ra ngoài là đối tượng phổ biến mắc bệnh.

Ngoài ra còn một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Xử lý phân, nước thải, rác không đúng quy trình, sử dụng phân tươi để tưới cây trồng.
  • Tiếp xúc với môi trường không hợp vệ sinh có ấu trùng giun móc.
  • Sử dụng thực phẩm, nguồn nước có chứa loại ấu trùng này cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Bệnh dễ gặp ở khu vực các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Bạn có thể làm giảm khả năng mắc bệnh bằng việc hạn chế các yếu tố nguy cơ.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhiễm giun móc

Dựa vào các triệu chứng trên, bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm tìm ấu trùng giun móc trong phân.

Dùng chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang vùng ngựa và siêu âm vùng bụng để tìm kiếm giun móc và xem các tổn thương ở phổi và ruột do giun gây ra.

Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để kiểm tra mức độ thiếu máu.

Phương pháp điều trị bệnh nhiễm giun móc hiệu quả

Mục tiêu trong việc điều trị nhiễm giun móc là:

  • Tẩy sạch giun và ấu trùng trong cơ thể người bệnh: Dùng albendazole hoặc mebendazole để tẩy giun.
  • Ngăn ngừa và điều trị các biến chứng do bệnh gây ra: Thực hiện điều trị những cơ quan bị ảnh hưởng.
  • Cải thiện dinh dưỡng và lượng máu huyết đã bị mất cho người bệnh: Bác sĩ thường kê thuốc bổ sung chất sắt cho người bị thiếu máu. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được lên một khẩu phần ăn chứa nhiều protein và vitamin để hồi phục thể trạng.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm giun móc

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp với nhu cầu của cơ thể.
  • Nếu bạn đang mang thai, hãy thông báo ngay với bác sĩ vì các loại thuốc tẩy giun có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Rửa tay sạch sẽ khi đi vệ sinh và trước khi ăn để tránh nhiễm bệnh cho người khác.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chỉ nên dùng thực phẩm đã nấu chín.
  • Bữa ăn nên có nhiều protein, vitamin để cân bằng lại dinh dưỡng.
  • Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi bạn muốn sử dụng các loại thực phẩm chức năng bổ sung chất sắt, protein ngoài bữa ăn.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Một số biện pháp phòng ngừa:

  • Cắt đứt chu kỳ sinh trưởng trứng giun bằng cách giữ vệ sinh cá nhân: Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu, tiểu; cắt ngắn móng tay. Diệt ấu trùng bằng cách rắc vôi bột ở những nơi ô nhiễm nặng.
  • Xử lý phân đúng quy trình.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và tẩy giun đúng cách. Khi xác định có triệu chứng của nhiễm giun lươn cần phải điều trị ngay.
  • Tránh ấu trùng nhiễm vào người bằng cách đi ủng, đeo găng tay cao su khi lao động tiếp xúc với bùn đất. Tốt nhất là bạn không nên đi chân trần ra ngoài, đặc biệt khi bạn đang sống tại những nước nhiệt đới.
  • Cần điều trị cho những người xung quanh bị nghi ngờ có khả năng mắc bệnh.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan