Bệnh tim mạch

Tìm hiểu chung

Bệnh tim mạch là gì?

bệnh tim mạch là tên gọi chung để chỉ các vấn đề liên quan đến sức khỏe của tim mạch. Bệnh tim mạch có thể bao gồm bệnh về các mạch máu (tĩnh mạch, động mạch, và mao mạch), nhịp tim hoặc cấu tạo của tim… khiến chức năng ở tim không hoạt động bình thường, dẫn đến tổn thương sức khỏe hay thậm chí gây tử vong.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch có thể biểu hiện với những triệu chứng khác nhau, tùy vào loại bệnh, độ tuổi, giới tính, mức độ của bệnh. Cùng một loại bệnh tim, ở người này lại xuất hiện những cơn đau thắt ngực, nhưng ở người khác lại không có bất kì triệu chứng nào, điển hình như bệnh mạch vành (khi không có triệu chứng còn gọi là bệnh mạch vành im lặng).

Do bệnh có thể xảy ra đột ngột và với bất kì ai, nên bệnh chỉ được phát hiện rất tình cờ, thường cho đến khi có một cơn đau thắt ngực xuất hiện (đây cũng là triệu chứng điển hình khi có vấn đề ở tim).

Bác sĩ chỉ có thể phát hiện ngay bệnh tim mạch khi đó là bệnh khuyết tật tim bẩm sinh hoặc khi các triệu chứng của bệnh tim đã xuất hiện quá rõ ràng.

Khi mắc bệnh tim mạch, một số triệu chứng có thể xảy ra với bạn, bao gồm:

  • Mệt mỏi cực độ;
  • Đau nhức toàn thân;
  • Đổ mồ hôi nhiều, liên tục, thường xuyên;
  • Khó thở, đau ngực, ngất;
  • Mất ngủ thường xuyên;
  • Cảm giác lo lắng, bồn chồn, đánh trống ngực;
  • Phù, tím, đau chi dưới do thiếu máu cấp.

Biến chứng có thể gặp phải khi mắc bệnh tim mạch

  • Suy tim: Xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
  • Đau tim: Nếu máu không thể bơm đến tim do có vật cản trên đường đi, tim có bị đau và gây tổn hại hoặc phá hủy một phần của cơ tim.
  • Đột quỵ: Khi tim không thể bơm máu lên não kịp thời do các vấn đề ở tim hoặc do mạch máu não bị thu hẹp hay bị chặn, cơn đột quỵ có thể xảy ra. Đẩy là tình trạng khẩn cấp nên cần phải cấp cứu ngay khi xảy ra cơn đột quỵ.
  • Phình động mạch: Gây ra chảy máu nội bộ và đe dọa tính mạng.
  • Tim ngừng đột ngột: Các chức năng của tim sẽ không còn hoạt động dẫn đến ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Do bệnh tim mạch có thể xảy đến với bạn bất kì lúc nào nên tốt nhất bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp phòng ngừa bệnh tim mạch và những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bệnh tim để có cách phòng ngừa hiệu quả.

Với trường hợp bạn có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ định kì để được kiểm tra tổng quát và nhận tư vấn về tình trạng sức khỏe. Hoặc khi thấy xuất hiện các dấu hiệu nêu trên, bạn cần kịp thời đến bệnh viện để được kiểm tra. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tim, đặc biệt là do thói quen sinh hoạt hằng ngày của bạn gây ra như:

  • Thói quen ăn uống không hợp lý, ăn quá nhiều đồ ăn với hàm lượng chất béo cao, gây ra sự lắng đọng chất béo ở thành mạch máu gây xơ vữa.
  • Hút thuốc lá quá nhiều.
  • Ít vận động, không tập thể dục.

Ngoài ra, bạn có thể mắc bệnh tim do bẩm sinh hoặc do có yếu tố di truyền trong gia đình.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch?

Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị các bệnh về tim mạch, nhất là những người bị cao huyết áp, cholesterol trong máu cao, bệnh béo phì, căng thẳng cao độ và tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh tim. Bạn cũng có nguy cơ cao bị bệnh tim nếu bị đái tháo đường vì tim mạch là biến chứng của căn bệnh này.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tim mạch

Để chẩn đoán bệnh tim, ngoài khám thực thể, nghiên cứu yếu tố gia đình, bệnh nhân sẽ được làm những xét nghiệm sau đây để được chẩn đoán bệnh chính xác:

  • Xét nghiệm máu
  • Chụp X-quang
  • Điện tâm đồ (ECG)
  • Holter theo dõi
  • Siêu âm tim
  • Đặt ống thông tim
  • Sinh thiết
  • Chụp cắt lớp vi tính tim (CT scan)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Phương pháp điều trị bệnh tim mạch hiệu quả

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh tim mạch như: thay đổi lối sống, thuốc men, phẫu thuật. Việc áp dụng hình thức điều trị nào còn phụ thuộc vào loại bệnh, độ tuổi, thể trạng bệnh nhân và mức độ của bệnh.

  • Thay đổi lối sống: Xây dựng một cuộc sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý như ăn ít chất béo và natri, hạn chế rượu bia và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
  • Dùng thuốc: Người bệnh có thể kiểm soát bệnh tim bằng việc uống thuốc theo toa của bác sĩ bao gồm các thuốc hạ huyết áp (chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, các chất ức chế men chuyển angiotensin (ACE)), thuốc chẹn beta, thuốc làm loãng máu (chẳng hạn như liệu pháp aspirin hàng ngày), hoặc thuốc hạ cholesterol như statin hay fibrate.
  • Thủ tục y tế hoặc phẫu thuật.
  • Điều trị rối loạn nhịp tim.
  • Điều trị dị tật tim.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tim mạch

Do bệnh tim mạch là một trong những vấn đề rất khó giải quyết triệt để nên khi mắc bệnh, bạn cần phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc điều trị và thường xuyên tái khám. Ngoài ra, bằng cách thay đổi lối sống, bệnh tim còn có thể được cải thiện hoặc thậm chí ngăn chặn nếu có phương pháp phòng ngừa đúng cách:

  • Ngưng hút thuốc lá.
  • Kiểm soát huyết áp, bệnh tiểu đường.
  • Kiểm tra cholesterol.
  • Kiểm tra cân nặng.
  • Ăn uống dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh.
  • Thường xuyên vận động, tập thể dục.
  • Vệ sinh sạch sẽ.
  • Giải tỏa căng thẳng, giảm stress, thư giãn tinh thần.

Tim là một cơ quan chủ chốt trong cơ thể nhưng lại có thể bị tổn thương đột ngột và có nguy cơ xảy ra ở bất kì đối tượng nào nên các bệnh về tim rất khó phán đoán và đề phòng. Bệnh tim lại thường không thể chữa khỏi hoàn toàn, người bệnh phải theo dõi và điều trị suốt đời. Hoặc nếu phải dùng đến phẫu thuật can thiệp thì sẽ mất một khoản chi phí rất lớn. Vì vậy, chúng ta luôn phải quan tâm đến sức khỏe tim mạch để hạn chế những mối nguy về bệnh tim xảy đến với mình.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan