Bệnh van tim

Tìm hiểu chung

Bệnh van tim là gì?

Quả tim bình thường có 4 buồng tim là hai tâm nhĩ ở trên và hai tâm thất ở dưới, giữa các buồng tim có các cấu trúc đảm bảo cho tuần hoàn máu chỉ đi theo một chiều, gọi là các van tim. Trong mỗi nhịp đập, các van mở và đóng lại một lần.

Bệnh van tim là bệnh do một nguyên nhân nào đó khiến các van ở tim mất đi độ mềm mại, bị dày lên, dính vào nhau, hay vôi hóa; hoặc các dây chằng cố định ở van tim bị sa xuống, đứt làm cho các van này không hoạt động được bình thường từ đó dẫn đến các bệnh lý về tim. Những tổn thương van tim đều có thể gây ra rối loạn huyết động và dẫn đến hậu quả là các bệnh lý về tim từ mức độ nhẹ đến nặng.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh van tim

Tuỳ vào mức độ nặng nhẹ mà người bị bệnh van tim sẽ có các triệu chứng biểu hiện khác nhau, hoặc có thể không gặp triệu chứng nào. Các triệu chứng phổ biến thường gặp ở người bị bệnh van tim là:

  • Khó thở;
  • Đánh trống lồng ngực;
  • Mệt mỏi;
  • Tức ngực;
  • Chóng mặt;
  • Ngất xỉu;
  • Đau đầu;
  • Ho;
  • Loạn nhịp tim;
  • Sưng phù ở chi dưới, bụng, phù phổi do tích nước.

Phần lớn các trường hợp bị bệnh van tim có thể được xác định bằng ống nghe tim, vì dòng chảy bất thường của máu thường tạo ra âm thanh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh van tim

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh van tim. Người bị bệnh có thể bị từ khi sinh ra (dị tật bẩm sinh) hoặc có thể do các nguyên nhân khác bao gồm:

  • Bệnh thấp tim, suy tim.
  • Các biến chứng của nhồi máu cơ tim.
  • Viêm nội mạc tim (viêm mô tim).
  • Sốt thấp khớp (bệnh do nhiễm khuẩn Streptococcus nhóm A).
  • Bệnh động mạch vành (sự tắc hẹp và xơ cứng động mạch gây khó khăn cho việc cung cấp máu nuôi tim).
  • Giang mai (một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, hiếm gặp).
  • Tăng huyết áp.
  • Phình động mạch chủ .
  • Thoái hóa myxomatous (sự suy yếu của các mô liên kết trong van hai lá do rối loạn chuyển hóa năng lượng trong cơ thể).
  • Lupus (một bệnh tự miễn mạn tính).
  • Sự suy yếu các tổ chức dưới van: Đứt dây chằng tim gây hở van tim, tổn thương động mạch chủ, dẫn đến hở động mạch chủ.
  • Nhiễm trùng.

Bên cạnh đó còn do những nguyên nhân khác như: thoái hóa van ở người cao tuổi, chấn thương, u carcinoid, lắng đọng mucopolysaccharide, hội chứng Takayasu, phình giãn xoang valsalva…


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh van tim?

Bệnh van tim có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi, người ít vận động thể lực và có tiền sử mắc các bệnh về tim.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh van tim

Bác sĩ sẽ bắt đầu chẩn đoán bằng việc khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng,  nghe tim với ống nghe để phát hiện nhịp tim bất thường. Bên cạnh đó là nghe tiếng phổi và kiểm tra cơ thể bệnh nhân xem có dấu hiệu ứ trệ dịch hay không.

Một số xét nghiệm dùng để chẩn đoán bệnh tim bao gồm:

  • Điện tâm đồ: Cho thấy hoạt động điện của tim, giúp phát hiện nhịp nhanh bất thường.
  • Siêu âm tim: Cho thấy hình ảnh buồng tim và van tim.
  • Thông tim để xác định loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh van tim.
  • Thử nghiệm gắng sức: Xác định triệu chứng của bệnh nhân khi hoạt động gắng sức, từ đó xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Các xét nghiệm hình ảnh khác: Chụp tim phổi, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ tim.

Siêu âm tim đóng vai trò quan trọng nhất trong các xét nghiệm này vì giúp chẩn đoán xác định bệnh, từ đó có hướng điều trị phù hợp, giúp tiên lượng bệnh.

Phương pháp điều trị bệnh van tim hiệu quả

Ở mức độ bệnh nhẹ: Bệnh nhân ăn uống, sinh hoạt, làm việc phù hợp theo tình trạng bệnh. Cần giảm ăn muối (<6g muối/ 24h), giảm mỡ và phủ tạng động vật. Đồng thời hạn chế dùng các chất kích thích như bia, rượu, không hút thuốc và không lao động gắng sức.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn: Bệnh nhân cần được điều trị nội khoa và tuân theo những quy định của bác sĩ:

  • Dùng thuốc :
    • Thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi: Giúp kiểm soát nhịp tim và lưu lượng máu.
    • Thuốc lợi tiểu: Để giảm tình trạng ứ trệ tuần hoàn.
    • Thuốc giãn mạch: Để mở rộng/ làm giãn các mạch máu.
  • Điều trị can thiệp: Nong van tim qua đường ống thông, thay van qua da.
  • Phẫu thuật: Tách mép van, sửa van, thay van tim mới.

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh van tim

  • Đề phòng bệnh thấp tim.
  • Đề phòng bệnh mạch vành (nguyên nhân gây suy tim, hở van tim) bằng cách loại bỏ các yếu tố nguy cơ như: điều trị bệnh cao huyết áp, bệnh đái tháo đường, rối loạn lipid máu, không để thừa cân – béo phì.
  • Vận động thể dục thể thao, ăn uống lành mạnh, giữ gìn vệ sinh thân thể để năng cao sức đề kháng.
  • Không hút thuốc lá hay sử dụng các chất kích thích.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan