Bệnh võng mạc trẻ sinh non

Tìm hiểu chung

Bệnh võng mạc trẻ sinh non là gì?

Bệnh võng mạc trẻ sinh non còn gọi là xơ sản sau thể thủy tinh (viết tắt là ROP) là bệnh do sự phát triển bất thường của các mạch máu trong võng mạc mắt. Bệnh thường gặp ở trẻ em sinh non, nhẹ cân. nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hiện tượng mù lòa vĩnh viễn ở trẻ.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh võng mạc trẻ sinh non

Bệnh võng mạc trẻ sinh non thường xuất hiện ở khu vực ngoại vi, dấu hiệu của bệnh biểu hiện theo từng giai đoạn cụ thể:

  • Giai đoạn 1: Giữa phần võng mạc có mạch máu và phần võng mạc chưa có mạch máu có một đường ranh giới rõ ràng; đường ranh giới là cầu nối tắt giữa động mạch và tĩnh mạch.
  • Giai đoạn 2: Xuất hiện đường gờ nổi lên (cầu nối tắt phình to ra).
  • Giai đoạn 3: Từ đường gờ phát sinh ra những tân mạch và chúng phát triển vào trọng dịch kính. Các tân mạc này có thể làm ảnh hưởng đến thị lực và gây tăng sinh xơ dẫn đến bong võng mạc.
  • Giai đoạn bổ sung: Khả năng lớn là tân mạch có thể xuất hiện ở cả võng mạc cực sau.

Ở giai đoạn 1 và 2, chiếu theo dự đoán của bác sĩ, nếu diễn tiến của bệnh tốt thì bệnh có khả năng tự khỏi. Nhưng ở giai đoạn 3 và giai đoạn bổ sung, bệnh thường được dự đoán có diễn tiến xấu, luôn cần được điều trị ngay để giảm nguy cơ mù lòa.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi trẻ sinh ra gặp các trường hợp sau đây, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:

  • Thai nhi lúc sinh dưới 33 tuần tuổi (7.5 tháng).
  • Cân nặng lúc sinh <1.500 g (<1.5kg).
  • Cân nặng lúc sinh từ 1.500 – 2.000g cộng với bị ngạt khi sinh, phải nằm lồng ấp và cho thở oxy kéo dài.
  • Cân nặng lúc sinh từ 1.500 – 2.000g và đa thai (sinh đôi, sinh ba…).
  • Mắc các bệnh khác liên quan đến mắt.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp trẻ mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh võng mạc trẻ sinh non

Trẻ ngay từ lúc sinh ra, mặc dù bị thiếu tháng nhưng vẫn chưa có dấu hiệu của ROP mà chỉ xuất hiện những mạch máu chưa được hoàn thiện nên không thể cung cấp đủ máu để nuôi võng mạc. Sau một thời gian mạch máu ở võng mạc phát triển bất thường, lúc này bệnh ROP mới thật sự xuất hiện.

Một trong ba tình huống sau có thể xuất hiện đối với trẻ mắc bệnh ROP:

  • Bệnh nhẹ, có chuyển biến tốt, tự nhiên sẽ lành lại và không cần điều trị.
  • Bệnh không cần thiết chữa trị những cần phải theo dõi trong thời gian dài để tránh có những bất thường xảy ra đột ngột.
  • Bệnh cần điều trị kịp thời vì có nguy cơ gây mù vĩnh viễn.

Hiện nay vẫn chưa tìm được cơ chế gây bệnh võng mạc trẻ sinh non. Một số nhà khoa học cho rằng nó có liên quan đến nồng độ oxy. Khi nồng độ oxy tăng cao sẽ dẫn đến các mạch máu chưa hoàn thiện ở võng mạc ngoại vi bị co rúm lại, gây thiếu máu cục bộ và tăng sinh tân mạch; đồng thời xơ hóa các vùng mạch máu võng mạc bị thiếu máu, cuối cùng làm bong võng mạc.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh võng mạc trẻ sinh non?

Một số yếu tố được cho rằng có liên quan đến quá trình này là:

  • Cân nặng lúc sinh của trẻ thấp (thường dưới 1.500 g); đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh. Theo thống kê có khoảng 50% trẻ sơ sinh nặng khoảng 1.250 g có dấu hiệu mắc bệnh võng mạc trẻ sinh non.
  • Trẻ sinh bị thiếu tháng.
  • Trẻ mắc hội chứng suy hô hấp hoặc bị nhiễm trùng khi sinh.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh võng mạc trẻ sinh non

Ở những giai đoạn đầu, bệnh không có dấu hiệu lạ biểu hiện ra bên ngoài nên không chẩn đoán được bệnh bằng mắt thường. Nhưng một khi bệnh đã biểu hiện ra ngoài thì đã đến thời kỳ nghiêm trọng, hầu như không thể chữa khỏi.

ROP thường chỉ được tầm soát ngay từ ban đầu mới có khả năng phát hiện và điều trị. Vì thế, ngay khi trẻ được sinh ra khoảng 4 tuần, phụ huynh nên đưa trẻ đi khắm mắt. Bác sĩ sẽ dùng loại máy đặc biệt kết hợp với thấu kính hội tụ (đèn soi đáy mắt gián tiếp) để đánh giá và theo dõi mắt của trẻ.

Để chẩn đoán bệnh ROP, bác sĩ còn phải chẩn đoán phân biệt với đục thủy tinh thể, bệnh Coats, ung thư võng mạc, tồn lưu tăng sinh dịch kính nguyên thủy,… vì dấu hiệu của các bệnh này tương đối giống nhau.

Phương pháp điều trị bệnh võng mạc trẻ sinh non hiệu quả

Tùy vào giai đoạn phát triển của bệnh mà bác sĩ sẽ gợi ý các biện pháp điều trị khác nhau. Điều trị ROP thường áp dụng hai phương pháp là đông lạnh và quang đông bằng laser để tiêu hủy vùng võng mạc bị thiếu máu. Hai phương pháp này có khả năng chữa lành khá tốt khi bệnh còn trong giai đoạn nhẹ và trung bình.

Trong tường hợp bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn thì có thể điều trị bằng phẫu thuật để cắt dịch kính – võng mạc. Dù vẫn có thể điều trị nhưng khả năng mù lòa là rất cao.

Ngoài ra, khả năng nhìn của trẻ sau khi điều trị còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong quá trình phát triển của trẻ.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh võng mạc trẻ sinh non

Tái khám và theo dõi:

Để tránh những biến chứng sau phẫu thuật, việc tái khám và theo dõi là việc không thể bỏ qua. Tùy vào thể trạng, khả năng phục hồi của trẻ mà bác sĩ sẽ có những chỉ định riêng. Nhưng trẻ cần được theo dõi sát sao trong giai đoạn sau phẫu thuật cho đến khi qua khỏi thời kỳ nguy hiểm hoặc khi các mạch máu trong võng mạc đã hoàn thiện.

Phụ huynh cần phải chú ý, mặc dù có thể chữa khỏi ROP nhưng một số biến chứng muộn có thể xảy ra trong quá trình phát triển của trẻ. Nếu trẻ đã có tiền sử bị ROP thì phụ huynh cần quan tâm đến mắt của trẻ trong thời gian dài và thông báo ngay với bác sĩ về tình trạng của trẻ khi có bất kì bệnh nào liên quan đến mắt về sau.

Một số điều phụ huynh cần lưu ý trước khi đưa trẻ đi khám mắt:

  • Đặt lịch hẹn với bác sĩ trước vì trẻ sẽ được nhỏ thuốc làm giã đồng tử trước khi khám.
  • Cho trẻ nhịn bú ít nhất 1 giờ trước khi khám.
  • Mang theo các loại giấy tờ có liên quan đến các chỉ số của trẻ, giấy tờ tùy thân, giấy xét nghiệm, siêu âm,…

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan