Cao huyết áp

Tìm hiểu chung

Cao huyết áp là gì?

Huyết áp của một người bình thường ở mức 120/80 mmHg, khi mức huyết áp bình quân sau nhiều lần đo ở mức trên 140/90 mmHg thì bạn đã có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp. Huyết áp cao có thể thay đổi tùy thuộc vào điều kiện sinh lý, độ tuổi nên bạn cần theo dõi huyết áp thường xuyên, nhất là những người từ 30 tuổi trở đi.

Một số loại cao huyết áp chính có thể kể đến như:

  • Cao huyết áp vô căn (hay còn gọi là cao huyết áp tự phát).
  • Tăng huyết áp thứ phát.
  • Cao huyết áp tâm thu.
  • Tiền sản giật (hay được gọi là cao huyết áp thai kỳ).

Chỉ số huyết áp nói lên điều gì?

Chỉ số huyết áp gồm có 2 thành phần:

Số bên trái (giá trị cao hơn): Là huyết áp tâm thu, đo áp suất trong động mạch khi tim đập tống máu đi (khi cơ tim hoạt động).

Số bên phải (giá trị thấp hơn): Là huyết áp tâm trương, là giá trị thấp hơn, đo áp lực máu trong động mạch giữa các nhịp tim (giữa hai lần đập của tim).


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp được xem là kẻ giết người thầm lặng do khi mắc bệnh thường sẽ không biểu hiện rõ bất kì triệu chứng nào. Bạn chỉ nhận ra mình mắc bệnh cao huyết áp trong những trường hợp khám sức khỏe, được bác sĩ cho biết về tình trạng huyết áp hoặc khi huyết áp cao nghiêm trọng và gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy tim, đột quỵ.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh cao huyết áp

Nếu bệnh cao huyết áp không sớm được điều trị thì nó có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như:

  • Suy thận: Các mạch máu ở thận bị hẹp và gây suy thận.
  • Suy tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ: Các động mạch bị hẹp khiến tim không thể bơm máu cung cấp đủ cho nhu cầu cơ thể, dẫn đến quả tim to ra và yếu đi, kéo theo một số tình trạng như suy tim, đột quỵ…
  • Phình bóc tách động mạch.
  • Các bệnh về mắt: Các mạch máu ở mắt bị vỡ và xuất huyết, gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Rất có thể bạn bị cao huyết áp khi huyết áp của bạn trên mức 180/110nmHg, và có kèm theo nhức đầu. Trong trường hợp huyết áp của bạn chỉ tăng nhẹ thì chứng đau đầu sẽ không xuất hiện. Chỉ khi bệnh huyết áp chuyển thành ác tính thì lúc đó những cơn đau đầu mới xuất hiện.

Bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra khi có một trong các vấn đề sau đây:

  • Chảy máu mũi: Xuất hiện ở giai đoạn đầu của căn bệnh cao huyết áp. Khi bạn đột ngột bị chảy máu mũi nhiều, khó ngừng chảy máu, huyết áp tăng cao thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị sớm.
  • Xuất hiện vệt máu bên trong mắt hoặc bị xuất huyết kết mạc cũng có thể là dấu hiệu của người bị bệnh cao huyết áp hoặc bệnh tiểu đường.
  • Thấy tê ngứa râm ran ở các chi.
  • Choáng, chóng mặt xảy ra đột ngột. Cảm thấy buồn nôn hoặc nôn.

Để đảm bảo huyết áp luôn trong tầm kiểm soát, tốt nhất bạn vẫn đến khám sức khỏe định kì để được theo dõi tình trạng huyết áp của cơ thể.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh cao huyết áp

Dựa vào việc phân loại cao huyết áp, chúng ta có một số nguyên nhân chính gây nên bệnh:

  • Cao huyết áp vô căn (hay còn gọi là cao huyết áp tự phát): Hầu hết các trường hợp bị cao huyết áp là không rõ nguyên nhân, đó là do huyết áp tự cao hơn mức bình thường.
  • Cao huyết áp thứ phát: Do cơ thể đã mắc phải một số căn bệnh liên quan đến thận và tim, sau đó mới dẫn đến bị cao huyết áp. Trẻ em cũng có thể gặp phải cao huyết áp thứ phát khi bị bệnh về thận và tim.
  • Cao huyết áp tâm thu: Phần lớn trường hợp, bệnh hình thành do sự lão hóa của hệ động mạch khi cơ thể già đi. Những động mạch này dần mất độ co giãn cần thiết và xuất hiện nhiều mô sẹo, làm cản trở lưu thông của máu dẫn đến tăng áp suất trong lòng mạch khi máu chảy qua.
  • Tiền sản giật (hay được gọi là cao huyết áp thai kỳ, thường gặp phải ở phụ nữ đang trong quá trình mang thai.

Ngoài ra, một số loại thuốc có tác dụng phụ khiến bạn bị cao huyết áp. Sau khi ngưng sử dụng, huyết áp thường không trở lại bình thường ngay mà bạn có thể mất một vài tuần để huyết áp ổn định lại như cũ.

Những nguyên nhân khác gây ra bệnh cao huyết áp, bao gồm:

  • Bệnh thận mạn tính.
  • Hẹp động mạch chủ bẩm sinh, có thể gây ra cao huyết áp ở cánh tay.
  • U hoặc những bệnh khác về tuyến thượng thận.
  • Bệnh tuyến giáp.
  • Sử dụng thuốc ngừa thai.
  • Nghiện rượu.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh cao huyết áp?

Cao huyết áp tác động đến mọi đối tượng kể cả người già và trẻ em.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, bao gồm:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao thì càng dễ bị cao huyết áp, đặc biệt là chỉ số huyết áp tâm thu, khi chỉ số huyết áp tâm thu tăng cao sẽ làm động mạch trở nên cứng gây ra xơ vữa động mạch.
  • Yếu tố gia đình: Cao huyết áp có khuynh hướng di truyền. Vì vậy, nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh này, thì khả năng cao bạn cũng sẽ bị cao huyết áp.
  • Những người thừa cân: Những người béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp gấp 2 – 6 lần so với người bình thường.
  • Tình trạng kinh tế xã hội: Nhóm người có trình độ giáo dục và kinh tế ở mức thấp hay gặp bệnh cao huyết áp hơn.
  • Dùng muối: Những người ăn mặn có khả năng bị cao huyết áp hơn so với người ăn nhạt.
  • Sử dụng thuốc tránh thai, dùng thuốc kháng sinh nhiều.
  • Giới tính: Nam giới thường dễ mắc cao huyết áp hơn nữ giới, tuy nhiên điều này thay đổi theo tuổi tác và chủng tộc.
  • Lười vận động thể dục thể thao.
  • Uống rượu bia, các chất có cồn, hút thuốc lá.
  • Người bị béo phì.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh cao huyết áp

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh cao huyết áp bằng cách:

Đo chỉ số huyết áp: Chỉ cần dựa vào chỉ số huyết áp, bác sĩ có thể xác định được huyết áp của bạn đang trong tình trạng nào.

  • Tiền tăng huyết áp: 120/80 mmHg hoặc cao hơn;
  • Tăng huyết áp độ 1: 140/90 mmHg hoặc cao hơn;
  • Tăng huyết áp độ 2: 160/100 mmHg hoặc cao hơn;
  • Cao huyết áp cấp cứu (một tình trạng đe dọa đến tính mạng): 180/110 mmHg hoặc cao hơn.

Xác định nguyên nhân gây cao huyết áp: Bằng cách xem xét các vấn đề ở thận, tim, tiền sử bệnh lí hoặc thông qua thói quen sinh hoạt của người bệnh; kết hợp với một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • Điện tâm đồ (ECG);
  • Chụp X-quang ngực;
  • Chụp cắt lớp điện toán (CT scan).

Việc xét nghiệm góp phần tầm soát các bệnh lí liên quan đến cao huyết áp (nếu có). Hoặc nếu không có nguyên nhân nào khác thì bạn được chẩn đoán là cao huyết áp vô căn.

Những điều bạn cần lưu ý trước khi đo huyết áp:

  • Không dùng cà phê, các chất kích thích hoặc hút thuốc vì chúng có thể làm thay đổi huyết áp đột ngột, dẫn đến kết quả đo không chính xác.
  • Đi vệ sinh trước khi đo huyết áp.
  • Nên ngồi yên trong khoảng 5 phút trước khi tiến hành đo.

Phương pháp điều trị bệnh cao huyết áp hiệu quả

Mục tiêu của việc điều trị là giữ cho huyết áp luôn ở mức dưới 140/90 mmHg; với người bị bệnh lý về thận, tiểu đường thì chỉ số huyết áp cần đạt là dưới 130/90 mmHg.

Phương pháp điều trị bao gồm:

  • Ăn nhạt, không ăn quá 1 muỗng cà phê muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.
  • Áp dụng chế độ ăn giảm cân nếu bạn bị béo phì: ăn ít đường, hạn chế ăn mỡ, ăn nhiều cá và bổ sung chất xơ có trong rau củ quả.
  • Rèn luyện cơ thể thường xuyên.
  • Nên ăn đồ ăn có nhiều chất đạm từ cá và thực vật.
  • Dùng thuốc: Các nhóm thuốc lợi tiểu, nhóm thuốc chẹn kênh canxi, nhóm chẹn beta giao cảm, nhóm chẹn alpha giao cảm, nhóm ức chế men chuyển, nhóm chẹn thụ thể angiotensin, nhóm tác động thần kinh trung ương. Mỗi thuốc này có những ưu nhược điểm riêng và phù hợp với từng đối tượng bệnh khác nhau.

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.

Trong trường hợp khẩn cấp, bệnh nhân phải được điều trị và theo dõi tại bệnh viện để phòng nguy cơ tử vong do biến chứng cao huyết áp gây ra.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh cao huyết áp

Khi bạn biết được mình bị cao huyết áp thì việc thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt chính là phương pháp đầu tiên và hiệu quả mà bạn cần thực hiện trước khi nghĩ đến việc dùng thuốc để hạ huyết áp.

Bạn có thể giảm nguy cơ bị cao huyết áp hoặc giữ mức huyết áp ổn định trong trường hợp bị cao huyết áp bằng cách:

  • Tập luyện thể dục thường xuyên và giữ cân nặng mức lí tưởng.
  • Tránh căng thẳng, lo âu
  • Không ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và muối.
  • Không sử dụng các chất kích thích như bia rượu và không hút thuốc lá.
  • Cần có dụng cụ đo huyết áp tại nhà để tiện việc theo dõi huyết áp hoặc bạn hãy đi khám sức khỏe định kì.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị, nhất là trong việc dùng thuốc vì nó có vai trò quan trọng trong việc ổn định huyết áp.
  • Khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị, bạn nên thông báo ngay với bác sĩ.
  • Hãy tham vấn ý kiến bác sĩ khi bạn có tiền sử gia đình bị cao huyết áp.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan