Chậm phát triển tâm thần

Tìm hiểu chung

Chậm phát triển tâm thần là bệnh gì?

Chậm phát triển tinh thần (CPTTT) hay còn gọi là khuyết tật trí tuệ, biểu hiện bởi trí thông minh dưới mức trung bình, không có trí tuệ và thiếu hụt các kỹ năng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày như: khả năng nhận thức ngôn ngữ, vận động và thích ứng xã hội.

Có nhiều mức độ chậm phát triển tâm thần khác nhau từ nhẹ đến nặng. Trường hợp nặng thường được chẩn đoán lúc trẻ mới sinh. Tuy nhiên, đối với dạng nhẹ chúng ta thường không thể nhận ra trẻ bị chậm phát triển tâm thần cho tới khi chúng phát triển không bình thường.

Đối với hầu hết các trường hợp, bác sĩ thường chẩn đoán bệnh trước khi trẻ 18 tuổi.

Người thiểu năng trí tuệ có những hạn chế trong hai lĩnh vực, bao gồm:

  • Chức năng trí tuệ: hay còn gọi là IQ, thể hiện khả năng học hỏi, suy luận đưa ra quyết định hay hướng giải quyết vấn đề của một người.
  • Hành vi thích nghi: những kỹ năng cần thiết cho giao tiếp hằng ngày như khả năng giao tiếp hiệu quả, tương tác qua lại với người khác và tự chăm sóc bản thân.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của chậm phát triển tâm thần

Các dấu hiệu thường gặp của bệnh chậm phát triển tâm thần bao gồm:

  • Không đáp ứng các tiêu chuẩn về trí tuệ;
  • Ngồi, bò hoặc đi muộn hơn những đứa trẻ bình thường;
  • Gặp vấn đề khi học nói chuyện, khó khăn khi nói;
  • Có vấn đề về trí nhớ, khả năng suy nghĩ logic, IQ dưới 70, khó khăn trong học tập;
  • Không nhận thức được hậu quả của các hành động;
  • Có những hành vi không phù hợp với lứa tuổi, thiếu sự tò mò ;
  • Không có khả năng sống một mình, do gặp phải những thách thức trong giao tiếp hằng ngày, cũng như khả năng tự chăm sóc bản thân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn quan sát con mình có những biệu hiện sau, hãy chú ý trẻ trong một khoảng thời gian nhất định và ghi chép những biểu hiện của trẻ. Nếu tình trạng này diễn ra xuyên suốt, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Các biểu hiện bao gồm:

  • Hiếu chiến, phụ thuộc;
  • Không tham gia các hoạt động xã hội;
  • Có những hành vi gây sự chú ý;
  • Trầm cảm ở trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên;
  • Thiếu kiểm soát xung động và thụ động;
  • Có khuynh hướng tự gây thương tích, bướng bỉnh;
  • Có tự trọng thấp;
  • Dễ dàng chấp nhận thất bại.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp con bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến chậm phát triển tâm thần

  • Trước thời kỳ mang thai:

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do một hoặc nhiều yếu tố hợp lại gây nên hoặc do các bất thường về gen, nhiễm sắc thể của bố mẹ. Tình trạng sức khỏe của bố mẹ cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh chậm phát triển tâm thần ở trẻ khi trẻ chào đời.

  • Trong quá trình mang thai:

Nếu người mẹ bị rối loạn dinh dưỡng, rối loạn nội tiết tố, mắc các bệnh về tuyến giáp, đái tháo đường, bị chấn thương hay tổn thương các tế bào sinh dục. Từng bị nhiễm trùng, nhiễm độc hay điều trị bằng hóa trị, xạ trị, hoặc có yếu tố Rh không phù hợp với nhóm máu của thai nhi thì cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh.

Trong quá trình mang thai, thai nhi bị tổn thương ở nhau thai, hay bị thiếu oxy cũng là một trong những yếu tố gây nên bệnh.

  • Trong khi sinh:

Trẻ bị ngạt trong quá trình sinh ra, thiếu vitamin K, sinh thiếu tháng hoặc gặp phải chấn thương sản khoa trong khi sinh cũng khiến trẻ mắc phải chậm phát triển tâm thần.

  • Sau khi sinh:

Một số lớn trường hợp mà trẻ bị mắc phải chứng chậm phát triển tâm thần sau khi sinh là do trẻ bị mắc các bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ như viêm màng não, viêm não, bị sởi hoặc ho gà,…

Chế độ ăn thiếu hụt chất dinh dưỡng, các vi lượng, rối loạn nội tiết tố. Bên cạnh đó, trẻ bị chấn thương sọ não, thiếu sót các giác quan bẩm sinh (câm, mù, hoặc điếc…) hay sự phát triển bất thường của hộp sọ và dịch não tủy cũng khiến trẻ bị mắc bệnh.

Ngoài ra, các nghiên cứu y khoa cũng cho thấy, việc thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, hay các yếu tố kích thích tâm lý xã hội cũng là nguyên nhân phổ biến của căn bệnh này.

  • Không rõ nguyên nhân:

Có khoảng 25% trường hợp trẻ mắc bệnh chậm phát triển tâm thần do rối loạn nhiễm sắc thể và rối loạn chuyển hóa như hội chứng bệnh Down và bệnh Phenylceton. Nguyên nhân này không có tính di truyền.

  • Một số bệnh gây ra bệnh chậm phát triển tâm thần:

Bệnh Phenylceton niệu: Nguyên nhân gây bệnh là do thiếu men chuyển hoá Phenylalanine thành Tyrosine – chất Phenylalaminoxydase. Hội chứng Down do thừa một nhiễm sắc thể ở cặp thứ 21.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị chậm phát triển tâm thần?

Chậm phát triển tâm thần có thể ảnh hưởng đến bất kỳ lứa tuổi nào, phổ biến nhất ở trẻ em. Quan trọng là ngay khi trẻ còn nhỏ, phụ huynh có nhận thấy những thay đổi bất thường ở trẻ hay không.

Những nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh chậm phát triển tâm thần:

  • Có người cùng huyết thống, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em ruột, mắc bệnh tâm thần.
  • Căng thẳng trong cuộc sống, chẳng hạn như vấn đề tài chính, mất người thân hoặc ly dị.
  • Bệnh mạn tính, chẳng hạn như tiểu đường.
  • Tổn thương não do chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như cú đánh mạnh vào đầu.
  • Trải qua chấn thương, chẳng hạn như chiến đấu trong quân đội hoặc bị tấn công.
  • Sử dụng rượu hoặc chất kích thích.
  • Bị lạm dụng hoặc bỏ rơi khi còn nhỏ.
  • Có ít bạn hoặc các mối quan hệ không tốt.
  • Từng mắc bệnh tâm thần.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh chậm phát triển tâm thần

Bác sĩ chuyên khoa có thể chẩn đoán bệnh dựa trên hệ thống quy chiếu mức độ phát triển tâm thần của trẻ.

Chậm phát triển tâm thần được chia làm 4 mức độ:

  • Nhẹ: Có khoảng 85% trẻ chậm phát triển tâm thần thuộc nhóm này và có IQ từ 50 đến 69. Các bé có thể học hết lớp 6, sống tự lập với sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng.
  • Trung bình: Có khoảng 10% trẻ chậm phát triển tâm thần thuộc nhóm này, IQ từ 35 đến 49. Trẻ có thể tự chăm sóc bản thân nếu được hướng dẫn. Cần đưa trẻ đến những lớp học đặc biệt học những kỹ năng cần thiết để sống chung với cộng đồng.
  • Nặng: Chỉ có khoảng 2 – 3% trẻ thuộc nhóm này, IQ từ 20-34. Trẻ cần được đưa đến trường học đặc biệt để học về những kỹ năng cơ bản để có thể chăm sóc bản thân và phát triển một số kỹ năng cần thiết khác.
  • Rất nặng: Có khoảng 1 – 2% trẻ chậm phát triển tâm thần thuộc nhóm này, IQ dưới 20. Trẻ bị tổn thương thần kinh, cần được theo dõi và giúp đỡ thường xuyên.

Kiểm tra chỉ số IQ bằng bài kiểm tra là điều cần thiết để xác định chỉ số IQ của trẻ. Tuy nhiên, trẻ ở những vùng khác nhau sẽ có nhận thức về thế giới quan khác nhau ênn bác sĩ sẽ kết hợp xem xét bài kiểm tra, qua các buổi trao đổi trực tiếp với trẻ và quan sát hoạt động, hành vi của trẻ trong một thời gian nhất định.

Một số xét nghiệm máu, nước tiểu và kỹ thuật hình ảnh sẽ được sử dụng để xem trẻ có dấu hiệu về rối loạn chuyển hóa, di truyền hoặc các vấn đề trong cấu trúc não hay không.

Bác sĩ sẽ loại trừ tất cả các bệnh có thể xảy ra trước khi kết luận trẻ bị chậm phát triển tâm thần.

Phương pháp điều trị bệnh chậm phát triển tâm thần hiệu quả 

Đa số bệnh chậm phát triển tâm thần nhất là ở thể nặng đều rất khó chữa, do vậy việc phòng bệnh có vai trò đặc biệt. Đối với CPTTT ở mức độ vừa và nhẹ thì việc dạy, huấn luyện và giúp đỡ trẻ là cực kỳ quan trọng để trẻ hòa nhập với gia đình, cộng đồng, và tự lập sau này. Trẻ CPTTT cần được chăm sóc chu đáo với hình thức học tập và phù hợp với tuổi. Cha mẹ cũng cần dành nhiều thời gian gần gũi trẻ hơn để trẻ đạt được tình trạng tốt nhất.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh chậm phát triển tâm thần

  • Phụ huynh hãy là người chủ động và tiên phong trong việc hỗ trợ điều trị bệnh cho trẻ vì không ai hiểu con mình hơn chính bố mẹ của trẻ. Bố mẹ có thể tìm hiểu thông tin liên quan đến bệnh như: tâm lý của trẻ, cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ,…
  • Rèn luyện cho con có bản lĩnh và kỹ năng như những đứa trẻ khác, đặc biệt là tinh thần độc lập, khám phá cái mới.
  • Thay vì trách mắng khi trẻ phạm sai lầm, phụ huynh nên động viên, khích lệ và tạo hứng thú cho trẻ.
  • Để trẻ hòa nhập với môi trường xã hội bằng các hoạt động ngoại khóa.
  • Giữ liên hệ với nhà trường, giáo viên trực tiếp chăm sóc trẻ để theo dõi sự tiến bộ của trẻ.
  • Phụ huynh luôn phải kiên nhẫn trong quá trình điều trị và nuôi dạy trẻ.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh chậm phát triển tâm thần cần:

  • Tầm soát ngay sau sinh những dấu hiệu bất thường, khác với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ để đưa đến cơ sở y tế khám.
  • Tiêm chủng đầy đủ theo lịch. Người mẹ cần tiêm phòng Rubella trước khi có thai.
  • Xử lý môi trường trong sạch, lấy các chất kim loại nặng như chì, thủy ngân ra khỏi môi trường sống để giảm tổn thương não của trẻ.
  • Đội mũ bảo hiểm để giảm chấn thương sọ não.
  • Điều trị AZT cho mẹ nhiễm HIV trong thai kỳ. Bổ sung axit folic cho mẹ để giảm nguy cơ khiếm khuyết ống thần kinh.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan