Tự kỷ

Tìm hiểu chung

Tự kỷ là gì?

Hội chứng tự kỷ hay còn có tên khác là Hội chứng rối loạn tự kỷ (tên tiếng anh Asperger syndrome viết tắt là AS hoặc Asperger disorder viết tắt là ASD), là một bệnh rối loạn phát triển của hệ thần kinh liên quan tới não bộ với biểu hiện rối loạn tâm thần. Rối loạn này gây ra các ảnh hưởng tới khả năng tư duy, cảm giác, ngôn ngữ và khả năng liên quan tới người khác; chủ yếu xuất hiện ngay từ những năm đầu đời (thường là trước 3 tuổi). Người mắc chứng tự kỷ không giao tiếp, tương tác xã hội với những người khác, vì thế sự phát triển tâm lý, xã hội về mọi mặt đều hạn chế.
Tác động của chứng tự kỷ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng là khác nhau trong mỗi người.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của chứng tự kỷ

Kỹ năng xã hội

  • Gặp các vấn đề về xã hội bao gồm khó khăn trong giao tiếp và tương tác với người khác;
  • Lặp đi lặp lại các hành động, sở thích hoặc hoạt động hạn chế;
  • Các triệu chứng thường được ghi nhận trong 2 năm đầu đời;
  • Thích chơi một mình, không chia sẻ sự hứng thú với người khác, né tránh hoặc chống lại tiếp xúc vật lý;
  • Có biểu hiện khuôn mặt tẻ nhạt, khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc và hiểu được cảm xúc của người khác.

Một số người mắc chứng tự kỷ có thể không quan tâm người khác, tuy nhiên có một số muốn có bạn bè nhưng lại không biết làm thế nào để phát triển mối quan hệ.

Nhiều người bị tự kỷ rất nhạy cảm với việc đụng chạm và có thể không muốn được nắm tay hoặc âu yếm. Ở họ phổ biến các hành vi tự kích thích (như vỗ cánh tay liên tục).

Giao tiếp

Mỗi cá nhân bị tự kỷ có những khả năng giao tiếp khác nhau, một số người có thể nói chuyện tốt. Những người khác có thể không nói được hoặc chỉ nói rất ít. Khoảng 40% trẻ bị tự kỷ không nói gì cả. Khoảng 25% – 30% trẻ tự kỷ có vài từ vào lúc 12 đến 18 tháng tuổi và sau đó mất chúng. Một số có thể nói, nhưng phải cho đến sau thời thơ ấu.

Ví dụ về các vấn đề giao tiếp liên quan đến tự kỷ:

  • Trì hoãn kĩ năng nói và ngôn ngữ;
  • Lặp đi lặp lại các từ hoặc cụm từ;
  • Đảo ngược đại từ (ví dụ, nói rằng “bạn” thay vì “tôi”);
  • Đưa ra câu trả lời không liên quan;
  • Sử dụng ít hoặc không sử dụng cử chỉ (ví dụ, không vẫy tay chào);
  • Nói chuyện bằng giọng đều đều giống máy móc, hoặc với giọng ê a;
  • Không hiểu lời nói đùa, mỉa mai, hoặc trêu chọc.

Một số người có ASD có khả năng nói chuyện tốt, tuy nhiên lại gặp khó khăn trong việc lắng nghe người khác nói hoặc khó khăn trong việc sử dụng và hiểu các cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể hoặc giọng nói. Họ có thể có những biểu cảm gương mặt hoặc cử chỉ không phù hợp với ngữ cảnh.

Người tự kỷ có thể đứng quá gần người mà họ đang trò chuyện, hoặc có thể gắn bó với một chủ đề trong cuộc trò chuyện quá lâu. Họ có thể nói rất nhiều về một cái gì đó họ thực sự thích, thay vì nói chuyện với ai đó.

Sở thích và hành vi bất thường

Nhiều người tự kỷ có hành vi bất thường như:

  • Xếp hàng đồ chơi hoặc đồ vật khác;
  • Chơi với đồ chơi theo cùng một cách mỗi lần;
  • Thích các bộ phận của vật thể (ví dụ bánh xe);
  • Rất có tổ chức;
  • Khó chịu bởi những thay đổi nhỏ;
  • Có sở thích ám ảnh;
  • Phải tuân theo các quy trình nhất định;
  • Vỗ tay, lắc lư cơ thể, hoặc tự xoay tròn.

Các triệu chứng khác

Một số người tự kỷ có thể có các triệu chứng khác, bao gồm:

  • Tăng hoạt động (rất tích cực);
  • Sự bốc đồng (hành động mà không suy nghĩ);
  • Gây hấn;
  • Tự gây thương tích;
  • Có những cơn nóng giận dữ dội;
  • Thói quen ăn uống và ngủ bất thường;
  • Phản ứng bất thường về tâm trạng và cảm xúc;
  • Thiếu sự sợ hãi hoặc sợ hơn mong đợi;
  • Phản ứng bất thường đối với âm thanh, mùi, hương vị, thị giác, hoặc cảm giác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu của chứng tự kỷ thường xuất hiện sớm từ những năm đầu đời, đôi khi xuất hiện sau một số tháng phát triển bình thường. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp rất khó để xác định được giai đoạn trẻ từ phát triển bình thường chuyển sang giai đoạn thoái triển rơi vào chứng tự kỷ. Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu trẻ có những biểu hiện sau:

  • 12 tháng tuổi: Trẻ không bập bẹ, bi bô.
  • 14 tháng tuổi: Trẻ không ra hiệu, làm điệu bộ như vẫy tay, chỉ chỏ với đồ chơi…
  • 16 tháng tuổi: Trẻ không nói được từ nào.
  • 2 tuổi: Trẻ không nói được câu ngắn nào đáp trả.
  • Ở mọi độ tuổi: Bị mất hoặc suy thoái các kỹ năng ngôn ngữ và xã hội.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến chứng tự kỷ

Các nghiên cứu hiện nay vẫn chưa khẳng định được nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng này. Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân của tự kỷ liên quan đến đa nhân tố bao gồm nhân tố di truyền và nhân tố môi trường, hoặc bao gồm cả các yếu tố nhiễm khuẩn lúc mang thai, các khiếm khuyết của hệ thống miễn dịch.

Qua nghiên cứu các gia đình có trẻ mắc chứng tự kỷ và những gia đình có con song sinh, nhiều học giả ủng hộ giả thuyết về gen. Tuy nhiên, đến nay các nhà nghiên cứu chưa xác định được gen nào là gen nguyên nhân gây ra chứng này.

Giả thuyết về não cũng được đưa ra, ví dụ như sự phát triển không bình thường của não ngay từ thời kì bào thai hoặc vấn đề bất thường của tuần hoàn não, thiếu các chất sinh hóa trong não (ví dụ như lượng serotonin).

Tuy nhiên, hiện nay, tất cả những giả thuyết đưa ra vẫn chỉ dừng lại ở mức độ giả thuyết. Nhưng theo dự đoán thì nó bắt nguồn từ các yếu tố sau: rối loạn sinh hóa của cơ thể, dị dạng nhiễm sắc thể và một số hội chứng cần phải nghiên cứu thêm.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải chứng tự kỷ?

Bệnh tự kỷ có thể tồn tại ở nhiều đối tượng khác nhau nhưng đa số trường hợp mắc bệnh là ở trẻ em. Một số trường hợp lúc nhỏ trẻ bị tự kỷ nhưng đã được điều trị và trở nên thích nghi với cuộc sống tốt hơn trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, nếu tự kỷ ở trẻ nhỏ không được can thiệp sớm sẽ dẫn đến số lượng mắc tự kỷ ở người lớn ngày một tăng theo thời gian.

Hiện nay, chỉ tính riêng tại Việt Nam thì số lượng trẻ bị tự kỷ đến khám tại các bệnh viện đang ngày một gia tăng. Mặc dù chưa xác định rõ nguyên nhân dẫn đến chứng tự kỷ nhưng một số yếu tố từ môi trường khiến nguy cơ tự kỷ ở trẻ tăng cao là:

  • Tách trẻ ra khỏi hơi ấm của cha mẹ quá sớm: Khiến trẻ hụt hẫng, mất phương hướng, trẻ dần tự cô lập mình; nếu có sẵn những yếu tố tự kỷ thì bệnh sẽ mau nặng hơn.
  • Trẻ được bao bọc quá kỹ lưỡng: Trong điều kiện vật chất dư thừa, cha mẹ nuông chiều nhưng không được giao tiếp với thế giới bên ngoài, không được hoạt động, tương tác với trẻ khác, cũng khiến hội chứng tự kỷ ở trẻ thêm trầm trọng.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chứng tự kỷ

Bác sĩ có thể chẩn đoán chứng tự kỷ thông qua việc quan sát hành vi của người bệnh và kèm theo một số bài kiểm tra tâm lý. Phụ huynh nên phối hợp với bác sĩ bằng cách theo dõi và ghi chép tình hình sinh hoạt của trẻ hằng ngày và lưu ý những điểm bất thường ở trẻ so với những đứa trẻ đồng trang lứa.

Phương pháp điều trị chứng tự kỷ hiệu quả

Hiện nay chưa có một phương pháp nào điều trị khỏi dứt điểm chứng tự kỷ. Tuy nhiên, một số biện pháp can thiệp có thể cải thiện chức năng ở người tự kỷ. Các biện pháp bao gồm:

Giáo dục:

Có rất nhiều phương pháp giáo dục có ảnh hưởng đến trẻ tự kỷ, nhưng những phương pháp sau đã được chứng minh có ảnh hưởng tốt đến trẻ:

  • Phân tích hành vi (Behavioral Analysis – ABA);
  • Liệu pháp ngôn ngữ.
  • Hướng dẫn kĩ năng xã hội.
  • Liệu pháp tích hợp giác quan.

Dùng thuốc

Thuốc cũng được cho là một cách hiệu quả để chữa trị các triệu chứng của bệnh tự kỷ.

Tùy vào thể trạng bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng của bệnh và những kỹ năng trẻ còn thiếu so với một đứa trẻ phát triển bình thường, bác sĩ và những chuyên gia tâm lý sẽ gợi ý phương pháp trị liệu phù hợp cho trẻ.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tự kỷ

Chế độ sinh hoạt:

Tác động tích cực từ môi trường sống xung quanh có vai trò rất lớn trong việc làm giảm các triệu chứng tự kỷ ở trẻ. Vì thế, với những trẻ không may bị tự kỷ, cha mẹ cần quan tâm, yêu thương và hỗ trợ trẻ nhiều hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Một số phương pháp phụ huynh có thể áp dụng khi có con bị tự kỷ:

  • Giao tiếp và dạy trẻ ở mọi lúc có thể.
  • Dạy cho trẻ các cử động đơn giản, kỹ năng sinh hoạt, cách vẽ tranh, chơi đồ chơi, cách đọc chữ, cách giao tiếp khi gặp người khác…
  • Khuyến khích trẻ làm việc nhà, giao tiếp với những trẻ khác.
  • Luôn khuyến khích, động viên và khen ngợi khi trẻ làm tốt; đồng thời nghiêm khắc chỉnh đốn hành vi sai trái của trẻ.
  • Không nên quát nạt, đánh đập khi trẻ làm sai.

Chế độ dinh dưỡng:

Trẻ tự kỷ cũng cần có một chế độ dinh dưỡng như trẻ phát triển bình thường, tuy nhiên cũng cần lưu ý một số điều để tránh gây ảnh hưởng cũng như tác động không tốt từ những thực phẩm đến trẻ.

Trẻ tự kỷ không nên ăn gì?

  • Bột mì, ngũ cốc, đường, các chất kích thích. Vì những chất như gluten, carbohydrate, casein có nhiều trong ngũ cốc, bột mì, đường là những thành phần dễ làm trẻ tự kỷ bị kích thích, khiến trẻ có biểu hiện tăng động, cười hoặc cáu liên tục mà không rõ nguyên nhân.
  • Không nên uống các loại sữa tươi, đặc biệt là các loại có đường, các loại nước ngọt, nước có ga, các loại nước có chất kích thích như cà phê vì trong đó rất nhiều đường và phẩm màu ảnh hưởng đến não của trẻ. Thay vào đó có thể dùng sữa đậu nành, sữa dừa, sữa gạo, sữa khoai tây, nước ép hoa quả.
  • Hạn chế cho trẻ ăn các loại quả có múi như: cam, chanh, bưởi… bởi trong những loại quả này có chứa hàm lượng các chất lên men, gây tích tụ nấm khiến trẻ mất ngủ, không kiểm soát được hành vi.
  • Hạn chế việc tránh làm thần kinh trẻ kích thích bằng việc uống thuốc ngủ. thay vào đó, hãy cho trẻ ăn các loại thực phẩm như: chuối, trứng, cá, các bộ phận từ cây sen và có kế hoạch cho trẻ vận động.

Chú ý cân bằng dinh dưỡng nhưng không nên ép trẻ ăn những đồ mà trẻ không thích, hoặc bắt trẻ ăn đúng giờ như sinh hoạt của người bình thường. Hãy để trẻ làm quen từ từ với sự thay đổi.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Với nhịp sống sôi động và hiện đại như ngày nay, khi mà cha mẹ ngày càng ít có thời gian quan tâm đến con trẻ, đã một phần khiến trẻ mắc bệnh tự kỷ ngày càng tăng. Tình trạng trẻ ngại giao tiếp, thích ở một mình kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và khả năng học hỏi của trẻ sau này. Để hạn chế, cha mẹ cần phải có những biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu như sau:

  • Thường xuyên trò chuyện với trẻ khi trẻ biết nói.
  • Không cho trẻ dùng điện thoại hoặc xem tivi quá nhiều.
  • Không để trẻ đắm chìm quá nhiều trong học tập.
  • Chú trọng nuôi dưỡng trí tuệ, cảm xúc.
  • Cho trẻ tham gia hoạt động tập thể, giao lưu bạn bè.
  • Giáo dục khả năng tự lập cho trẻ.

 


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan