Cơ tim phì đại

Tìm hiểu chung

Cơ tim phì đại là gì?

Cơ tim phì đại là bệnh về rối loạn cơ tim, khi đó, toàn bộ cơ của tim trở nên dày bất thường và khiến tim co bóp khó hơn, làm gián đoạn khả năng co bóp, lưu thông máu của tim. Nhất là ở khoang bên trong tâm thất trái (khoang bơm máu chính) bị thu nhỏ lại và tim không thể hoàn toàn giãn ra giữa các nhịp đập. Hậu quả tâm thất bơm máu ra khỏi tim ít hơn dẫn đến tình trạng suy tim hoặc loạn nhịp tim. May mắn là các trường hợp bị cơ tim phì đại hầu hết đều có thể sinh hoạt bình thường.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của cơ tim phì đại

Các dấu hiệu, triệu chứng của người bị bệnh cơ tim phì đại bao gồm:

  • Khó thở, thở gấp và ngắn trong lúc đi bộ hay làm việc nhà hoặc khi gắng sức;
  • Đau tức ngực, ngất xỉu sau khi tập thể dục;
  • Nhịp tim nhanh hoặc bất thường.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhiều trường hợp không biểu hiện triệu chứng và không gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng ở một số trường hợp khác, cơ tim phì đại có thể làm cho tim bị loạn nhịp, tắc nghẽn dòng máu chảy, suy tim và thâm chí đột tử. Vì vậy, nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng trên hoặc khi xảy ra tình trạng khó thở, đau ngực hay ngất xỉu, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Tình trạng bệnh lý khác nhau ở mỗi người, vì vậy hãy thảo luận với bác sĩ để được chẩn đoán và có phương án điều trị hợp lý.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến cơ tim phì đại

Bệnh cơ tim phì đại là bệnh di truyền, do các đột biến gen gây ra khiến cơ tim phát triển bất thường, làm cho thành tim dày lên. Hầu hết những người bị bệnh thường có các vách ngăn giữa tâm thất to hơn và cản trở lưu lượng máu ra khỏi tim. Hiện tượng này còn được gọi là cơ tim phì đại có tắc nghẽn.

Ngoài ra, nguyên nhân mắc bệnh ở người già có thể do bị cao huyết áp nhưng không điều trị sớm.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải cơ tim phì đại?

Bệnh cơ tim phì đại có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, bao gồm cả trẻ em. Bệnh có thể gây đột tử ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, tình trạng bệnh ở mỗi người là khác nhau, ở người này có thể không phát ra triệu chứng và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng ở người khác bệnh lại có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cơ tim phì đại

Bệnh cơ tim phì đại có tính chất di truyền. Đối với những cha mẹ mắc bệnh cơ tim phì đại, thì khả năng 50% con cái họ sinh ra sẽ mắc căn bệnh này. Nguy cơ cũng tăng cao đối với trường hợp có anh, chị, em bị mắc bệnh. Vì vậy, với những người là họ hàng gần gũi luôn được khuyến khích đi khám sàng lọc bệnh.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán cơ tim phì đại

Bác sĩ có thể chẩn đoán dựa vào các triệu chứng, khám lâm sàng, điều tra bệnh sử hoặc tiền căn gia đình để xác định bệnh. Đồng thời sử dụng các phương pháp xét nghiệm sau:

  • Siêu âm tim qua thành ngực.
  • Siêu âm tim qua thực quản.
  • Điện tâm đồ.
  • Nghiệm pháp gắng sức.
  • Máy đo Holter.
  • MRI tim.
  • Ống thông tim.

Nếu gia đình bạn có người mắc bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện tầm soát gia đình. Có 2 loại tầm soát sau:

  • Xét nghiệm gen.
  • Siêu âm tim.

Phương pháp điều trị cơ tim phì đại hiệu quả

Mục tiêu của việc điều trị là giảm triệu chứng và ngăn ngừa tử vong đột ngột do tim ở những người có nguy cơ cao. Phụ thuộc vào mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc phương án điều trị thích hợp nhất cho bạn.

Các lựa chọn bao gồm:

  • Thuốc: Để tim bơm máu hiệu quả hơn, bạn có thể được cho thuốc giãn cơ tim và chậm nhịp tim. Nếu bạn bị rung nhĩ, bác sĩ có thể cho thuốc loãng máu để giảm nguy cơ tạo cục máu đông.
  • Phẫu thuật cắt bỏ mô cơ vách ngăn: Đây là thủ thuật mở tim cắt bỏ một phần vách tim dày và phát triển quá mức giữa hai tâm thất. Điều này giúp cải thiện lượng máu và giảm hở van hai lá. Phụ thuộc vào vị trí dày của cơ tim mà bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật với nhiều cách khác nhau. Đôi khi thủ thuật sửa chữa van hai lá được thực hiện cùng lúc.
  • Đốt vách bằng cồn.
  • Cấy máy khử rung tim.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cơ tim phì đại

Bệnh cơ tim phì đại là bệnh di truyền nên không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, bạn có thể lựa chọn thay đổi lối sống để có thể ngăn ngừa nguy cơ biến chứng liên quan đến bệnh cơ tim phì đại.

  • Mức độ hoạt động thể lực phù hợp với tình trạng sức khỏe.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý.
  • Duy trì cân nặng lí tưởng.
  • Uống các loại nước có cồn ở mức an toàn.
  • Uống thuốc đúng theo toa và tái khám thường xuyên.
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng.
  • Khi được chẩn đoán mắc bệnh, mọi thành viên trong gia đình đều cần được kiểm tra.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan