Điếc

Tìm hiểu chung

Điếc là gì?

Người điếc là người không có khả năng nghe một cách rõ ràng như người bình thường.

Có nhiều mức độ điếc khác nhau:

  • Điếc nhẹ: chỉ nghe được lời nói bình thường khi đứng cách 1 mét.
  • Điếc trung bình: Chỉ có thể nghe nói lớn khi đứng cách 1 mét.
  • Điếc nặng: chỉ có thể nghe khi được hét sát vào tai.
  • Điếc sâu (rất nặng): Không nghe được cả những từ hét sát tai.

Nếu chỉ nghe được tiếng nói lớn hoặc các từ thét lên và gặp khó khăn nghe khi giao tiếp bình thường, rất có thể bạn đã bị điếc nặng.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của điếc

Bệnh điếc có những triệu chứng sau đây:

  • Tiếng nói và những âm thanh khác bị bóp nghẹt;
  • Khó hiểu từ ngữ, nhất là ở chỗ ồn ào hoặc đông người;
  • Người khác phải nói chậm, rõ và to mới có thể nghe;
  • Vặn to quá mức âm thanh của ti vi hoặc đài;
  • Không muốn giao tiếp (lánh mặt khỏi một số dịp hội họp, đông người, ngày lễ tết…) do không thể nghe rõ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Cần phải được can thiệp sớm nếu phát hiện mình có nguy cơ bị điếc thông qua các triệu chứng trên. Bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến điếc

Các nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh điếc:

  • Di truyền.
  • Trong thời gian mang thai, nếu bà bầu bị sởi, các bệnh virus, giang mai, dùng thuốc có hại cho tai như quinin, streptomycin đều có thể gây ra điếc.
  • Có thể mắc bệnh điếc nếu bà bầu sinh non, thiếu tháng, sinh khó (hút, mổ), bị ngạt, vàng da sau sinh…

Các nguyên nhân sau sinh có thể gây ra điếc:

  • Bệnh trẻ em: Sởi, quai bị, viêm màng não.
  • Nhiễm trùng tai: Viêm tai ngoài, viêm tai giữa, nhiễm trùng tai trong.
  • Dùng thuốc có độc tính tai: Thuốc kháng sinh như streptomycin, gentamycin.
  • Dùng thuốc chống sốt rét: Quinin, chloroquin.
  • Do tiếng ồn: Sống hoặc làm việc trong môi trường ồn liên tục, trong tiếng nhạc lớn, hoặc tiếp xúc các tiếng nổ lớn.
  • Do tai nạn: Chấn thương đầu, chấn thương tai.
  • Do tuổi già: Khi tuổi càng lớn, hệ thống thính giác cũng bị lão hóa và gây điếc.
  • Do sử dụng nút ráy tai: Cản trở đường truyền âm thanh có thể gây điếc ở bất cứ tuổi nào.
  • Tai có dịch: Viêm tai giữa thanh dịch là nguyên nhân thường gặp gây nghe kém ở trẻ em.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị điếc?

Điếc có thể xảy ra với bất kỳ ai, và bất kỳ độ tuổi hay giới tính nào. Bệnh xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ mới sinh do miễn dịch yếu, thường dễ mắc bệnh và ảnh hưởng đến khả năng nghe. Bệnh còn phổ biến ở người già vì tính lực cũng bị lão hóa theo tuổi tác.

Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn vượt quá ngượng chịu đựng của tai thì nguy cơ bị điếc sẽ cao hơn.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán điếc

Một số phương pháp dùng để chẩn đoán bệnh điếc như sau:

  • Hỏi về tiền sử bệnh lý, tiền sử tiếp xúc và khám thực thể.
  • Áp dụng các bài kiểm tra thính lực: Weber test, Rinne test, đo thính đồ toàn bộ, đo ngưỡng tiếp nhận ngôn ngữ.

Phương pháp điều trị điếc hiệu quả

Khi bị điếc, cần phải được can thiệp sớm để bệnh không trở nên nặng hơn. Muốn can thiệp sớm thì phải phát hiện được sớm.

Điều trị điếc có thể dùng thuốc hoặc thủ thuật, phẫu thuật. Tùy theo từng loại điếc và nguyên nhân gây ra mà chúng ta sử dụng phương pháp điều trị tương ứng.

  • Tai ngoài: Có nhiều bệnh nhân sau khi đi tắm biển về hoặc sau khi tắm gội bị điếc luôn một hoặc hai tai, đó là do ráy tai bị nở ra bít kín đường truyền âm thanh đến màng nhĩ. Đối với những trường hợp này chỉ cần lấy ráy tai ra bệnh nhân sẽ nghe lại bình thường.
  • Tai giữa: Tắc vòi nhĩ hoặc viêm tai giữa thanh dịch nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm tai giữa thủng nhĩ. Lúc này muốn tăng sức nghe lên không chỉ điều trị bằng thuốc mà phải thực hiện phẫu thuật vá nhĩ.
  • Tai trong: Điếc đột ngột, bệnh nhân thường bị điếc sau một đêm ngủ dậy. Đây là bệnh không gây tử vong ngay như các bệnh cấp cứu khác nhưng cũng là một trong các bệnh cấp cứu tai mũi họng, vì kết quả điều trị rất khác nhau nếu ngay 1 ngày sau điếc hay 1 tuần sau mới điều trị.

Sau điều trị thuốc và phẫu thuật mà sức nghe đã cải thiện vẫn không đáp ứng được giao tiếp bình thường thì phải có thêm trợ thính bằng máy nghe hay cấy điện ốc tai cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của điếc

Khi ngoài 60 tuổi, thính lực của con người bắt đầu giảm dần, trường hợp nặng thì điếc hẳn. Theo thống kê, tỷ lệ điếc ở người trên 65 tuổi là 30 –  50%. Đây hoàn toàn là kết quả của sự biến đổi sinh lý, có liên quan đến sự thoái hóa của các vi huyết quản bên trong tai người cao tuổi, sự phát bệnh ở ốc tai (một bộ phận của nội nhĩ) và chức năng sinh lý toàn thân giảm sút. Ngoài ra, còn có liên quan đến việc ăn uống không hợp lý.

Để phòng bệnh, bạn nên áp dụng một chế độ ăn uống:

  • Giàu chất sắt.
  • Giàu chất kẽm.
  • Bổ sung vitamin D.
  • Ăn nhiều thức ăn hạ mỡ máu.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan