Viêm xoang

Tìm hiểu chung

Bệnh viêm xoang là gì?

Xoang là phần sụn xốp phía trong xương. Xoang có chức năng chính là chứa đựng và lưu thông dưỡng chất nuôi xương, làm giảm tỉ trọng của xương. Xoang đầu, mặt còn giúp cho âm thanh tiếng nói được êm ấm, vang vọng và truyền cảm. Mặc khác, trong xoang luôn duy trì hệ thống tân dịch và mạch máu để nuôi dưỡng và tưới tắm cho xương.

Viêm xoang là bệnh lý đường hô hấp trên phổ biến, bệnh xuất hiện khi xoang bị nhiễm trùng hoặc bị tắc nghẽn trong xoang. Viêm có thể diễn ra ở một hay nhiều xoang như xoang trán, xoang bướm, xoang sàng, xoang hàm.

Bệnh viêm xoang phân làm 2 loại:

  • Viêm xoang cấp tính (điều trị nội khoa): Diễn ra trong thời gian ngắn, khoảng 4 tuần.
  • Viêm xoang mãn tính (điều trị ngoại khoa): Diễn ra trong thời gian dài (trên 3 tháng) và tái đi tái lại nhiều lần.

Bệnh viêm xoang cấp tính thường xuất hiện và khỏi bệnh trong một thời gian ngắn từ 1 – 4 tuần, bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra tình trạng viêm xoang mãn tính.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm xoang

Bệnh viêm xoang có những triệu chứng sau:

  • Người bệnh có cảm giác đau đầu, đau vùng mặt, trán;
  • Ho nhiều, nhất là vào ban đêm;
  • Sốt;
  • Đau họng, rát họng.

Các triệu chứng này sẽ nhanh chóng khỏi sau 7 – 21 ngày.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn khi xuất hiện các vấn đề sau:

  • Mắt có quầng thâm, sưng và đau;
  • Trán sưng tấy, đầu đau dữ dội, lú lẫn hoặc nói sảng;
  • Cổ bị cứng;
  • Khó thở.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đếm viêm xoang

Bệnh viêm xoang là một trong những căn bệnh phổ biến và rất dễ phát sinh, nhất là trong điều kiện môi trường sinh hoạt hiện nay. Một số nguyên nhân gây bệnh phổ biến là:

  • Viêm xoang do vi khuẩn, dị ứng, ô nhiễm.
  • Viêm xoang do polyp mũi (u lành tính ở mũi gây nghẽn).
  • Viêm xoang do dị ứng với hóa chất, thức ăn hỏng làm cho niêm mạc mũi phù nề, gây tắc nghẽn lỗ thông xoang và nhiễm trùng.
  • Viêm xoang do sức đề kháng yếu, suy yếu niêm mạc đường hô hấp, rối loạn hệ thần kinh thực vật.
  • Viêm xoang do bệnh cảm, cúm, cảm lạnh.
  • Viêm xoang sau chấn thương.
  • Viêm xoang bẩm sinh do hẹp xoang hoặc xoang quá khô.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị viêm xoang?

Viêm xoang là dạng bệnh khá phổ biến mà ai cũng có thể mắc phải. Vậy nên, việc tìm hiểu bệnh và phòng ngừa bệnh đúng cách sẽ giúp bạn loại bỏ được các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm xoang, bao gồm:

  • Tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với chất gây dị ứng, khói bụi, đồ ăn, hóa chất, ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường,… thường xuyên.
  • Người có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch suy giảm như ung thư, tiểu đường, HIV/AIDS.
  • Người bị hen suyễn.
  • Người có thói quen sinh hoạt không tốt, sử dụng thuốc lá, chất kích thích.

Loại bỏ hay phòng tránh những yếu tố nguy cơ trên nghĩa là bạn giúp mình tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh, giảm tác hại của bệnh.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm xoang

Bác sĩ sẽ có những cách chẩn đoán chuyên môn như:

  • Xem xét các triệu chứng mà bạn gặp phải.
  • Hỏi bệnh sử, tiền sử tiếp xúc và số lần các triệu chứng xuất hiện (tính từ 1 năm trở lại).
  • Khám tai – mũi – họng.
  • Nghe lồng ngực để chẩn đoán viêm xoang lâm sàng.
  • Chẩn đoán hình ảnh thông qua nội soi, chụp X-quang, MRI nếu nghi ngờ bị viêm xoang do nhiễm nấm hoặc do khối u.

Phương pháp điều trị viêm xoang hiệu quả

Tùy thuộc vào tính chất, nguyên nhân, độ diễn tiến của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

  • Nghẹt mũi: Dùng thuốc xịt mũi hoặc nước muối sinh lý để rửa hoặc xông, làm loãng chất dịch và giảm nghẹt.
  • Đau đầu nhẹ: Dùng thuốc giảm đau thông dụng chứa paracetamol.
  • Bị viêm, sưng: Dùng thuốc chứa corticosteroid dạng xịt mũi (cũng hữu hiệu với polyp mũi).
  • Dị ứng: Dùng thuốc kháng histamine.
  • Bị nhiễm khuẩn: Dùng thuốc kháng sinh.
  • Trong tình trạng viêm xoang do nấm, vách ngăn mũi bị lệch hoặc phát hiện polyp mũi, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để chỉnh lại vách ngăn hoặc loại bỏ polyp.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm xoang

Hãy xây dựng cho mình một thói quen sống khỏe, sống lành mạnh và khoa học để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cũng như sự tái diễn của bệnh. Một số thói quen dưới đây sẽ giúp ích cho bạn:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm.
  • Hạn chế và không tiếp xúc với chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, chất chứa cồn.
  • Vệ sinh khoang mũi, vùng xoang bằng gạc sạch, ấm.
  • Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, hóa chất, thức ăn gây dị ứng.
  • Sử dụng chất xịt mũi theo chỉ định của bác sĩ.
  • Kê cao đầu khi ngủ.
  • Giữ thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan