Đục thuỷ tinh thể

Đục thủy tinh thể là gì?

Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu bởi nước và protein. Trong đó, các protein được sắp xếp trật tự để cho ánh sáng xuyên qua và hội tụ trên võng mạc. Một số trường hợp protein tập trung thành đám, làm ánh sáng đi qua bị tán xạ, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể cản ánh sáng đến võng mạc và giảm thị lực. Tình trạng đó gọi là đục thủy tinh thể.

Tìm hiểu chung

Đục thủy tinh thể là gì?

Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu bởi nước và protein. Trong đó, các protein được sắp xếp trật tự để cho ánh sáng xuyên qua và hội tụ trên võng mạc. Một số trường hợp protein tập trung thành đám, làm ánh sáng đi qua bị tán xạ, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể cản ánh sáng đến võng mạc và giảm thị lực. Tình trạng đó gọi là đục thủy tinh thể.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của đục thủy tinh thể

Thị lực giảm nhiều, nhìn thấy chấm đen, lóa mắt là những dấu hiệu rõ nét nhất của đục thủy tinh thể. Ngoài ra đục thủy tinh thể còn có các dấu hiệu và triệu chứng khác, bao gồm:

  • Thị lực mờ;
  • Khó khăn khi nhìn vào ban đêm;
  • Nhạy cảm với ánh sáng và độ chói;
  • Nhìn thấy “hào quang” xung quanh đèn;
  • Nhìn đôi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hầu hết đục thủy tinh thể phát triển chậm và không làm phiền thị lực sớm. Nhưng theo thời gian, đục thủy tinh thể cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn. Về lâu dài sẽ làm cho người bệnh bị mù lòa.

Khi mới xuất hiện các triệu chứng như nhìn mờ, đau nhức mắt, khô mắt, ngứa, cộm hoặc thị lực giảm, không thể nhìn xa, nhìn rõ hình ảnh sự vật thì người bệnh cần đến gặp các bác sĩ để khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến đục thủy tinh thể

Hầu hết đục thủy tinh thể phát triển khi lão hóa hay tổn thương làm thay đổi các mô tạo nên ống kính mắt. Một số trường hợp là do thừa hưởng rối loạn di truyền gây ra vấn đề sức khỏe khác và làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể.

Có nhiều nguyên nhân gây đục thủy tinh, trong đó phổ biến nhất là các nguyên nhân sau:

  • Do tuổi tác.
  • Do tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím, tia hàn, tia X.
  • Sử dụng thuốc dạng uống, nhỏ mắt chứa corticoid trong thời gian dài.
  • Do biến chứng bệnh tiểu đường.
  • Dinh dưỡng thiếu cân đối, đặc biệt là các thành phần dinh dưỡng chuyên biệt cho mắt.
  • Các dạng đục thủy tinh thể có thể chia thành: đục nhân, đục vỏ, đục bao.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị đục thủy tinh thể?

Bệnh đục thủy tinh thể thường gặp ở những người độ tuổi từ 65 trở lên.

Ngoài ra, bệnh còn dễ gặp do người sử dụng thuốc để điều trị các bệnh như tiểu đường, huyết áp hoặc sử dụng lâu dài các thuốc chống viêm, giảm đau.

Yếu tố làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, bao gồm:

  • Sống trong môi trường ô nhiễm, khói bụi.
  • Người bị nhiễm phóng xạ, hóa chất.
  • Người từng mắc các bệnh về mắt như viêm màng bồ đào, bệnh giác mạc, võng mạc…
  • Có thói quen sống không khoa học như sử dụng các chất kích thích, thuốc lá, rượu bia.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đục thủy tinh thể

Để phát hiện đục thủy tinh thể cần phải khám mắt toàn diện, bác sĩ chuyên khoa có thể thực hiện các bước sau:

  • Đo thị lực bằng bảng thị lực.
  • Khám mắt: Dùng thuốc nhỏ để giãn đồng tử cho phép bác sĩ khám thủy tinh thể và võng mạc, đồng thời kiểm tra mắt có bệnh khác không.
  • Đo nhãn áp: Kiểm tra áp lực trong mắt, nếu nhãn áp tăng có thể là dấu hiệu bệnh glô-côm (cườm nước).

Và một số xét nghiệm khác để khảo sát cấu trúc và bệnh của mắt có thể đi kèm.

Phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả

Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, người bệnh có thể được đeo kính, dùng kính lúp hoặc làm việc ở khu vực chiếu sáng tốt để đảm bảo thị lực mắt.

Khi bệnh đã nặng hơn, việc điều chỉnh bằng kính không còn tác dụng hỗ trợ thị lực nữa, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật lấy thủy tinh thể bị đục và đặt một thấu kính được coi như thủy tinh thể nhân tạo để thay thế.

Phẫu thuật được chỉ định khi đục thủy tinh thể gây giảm thị lực cản trở sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như lái xe, đọc sách hoặc xem tivi. Một số trường hợp có thể lấy thủy tinh thể từ sớm (khi chưa gây giảm thị lực) nhưng lại cản trở việc khám và điều trị các bệnh mắt khác, chẳng hạn bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già hoặc bệnh võng mạc tiểu đường.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đục thủy tinh thể

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Không hút thuốc và sử dụng các chất kích thích vì nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh, là tác nhân làm giảm thị lực.
  • Nên che chắn, bảo vệ mắt trước khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, môi trường ô nhiễm khói bụi.
  • Thăm khám định kì 6 tháng/1 lần để kịp thời phát hiện và chữa trị bệnh.
  • Không tự ý sử dụng kính áp tròng, thuốc nhỏ mắt nếu mắc các bệnh về mắt khi không có sự chỉ định của các sĩ chuyên khoa.
  • Bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho mắt, giúp cho mắt sáng khỏe, làm chậm quá trình lão hóa với các vitamin như A, E, kẽm, lutein, zeaxanthin… Những chất này được tìm thấy nhiều trong trứng, sữa, hàu, cá, rau có màu xanh thẫm, những thực phẩm, trái cây có màu sắc như ớt, cà rốt, cà chua.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan