Hẹp van hai lá

Tìm hiểu chung

Hẹp van hai lá là gì?

Hẹp van hai lá (tên tiếng anh là Mitral Valve Stenosis) xảy ra do van hai lá ở tim bị tổn thương, thu nhỏ lại không thể mở hoàn toàn được. Van mở không đúng cách ngăn dòng máu chạy vào buồng bơm chính của tim (thất trái). Đây là nguyên nhân chính gây ra suy tim sung huyết. Hẹp van hai lá là bệnh hay gặp nhất trong các bệnh về tim, chiếm khoảng 40% các trường hợp bệnh van tim.

 


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp van hai lá

Các dấu hiệu, triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh này là:

  • Khó thở, đặc biệt khi gắng sức hoặc khi nằm xuống;
  • Mệt mỏi, đặc biệt khi tăng hoạt động thể lực;
  • Phù bàn chân hoặc chân;
  • Hồi hộp, đánh trống ngực ở tim – cảm giác nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim;
  • Chóng mặt hoặc ngất;
  • Ho nhiều, đôi khi trong đờm có lẫn một ít máu;
  • Khó chịu ở ngực hoặc đau ngực;
  • Đau đầu nặng, nói năng khó khăn hoặc những triệu chứng của đột quỵ;
  • Sưng chân hoặc mắt cá chân;
  • Mệt mỏi;
  • Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên (như viêm phế quản).

Biến chứng có thể gặp khi bị hẹp van 2 lá

Đây là bệnh lý tiến triển liên tục kéo dài và khá thầm lặng, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Suy tim.
  • Phù phổi cấp.
  • Rung nhĩ.
  • Tắc mạch: Tai biến mạch máo não, tắc mạch chi dưới, nhồi máu cơ tim, tắc các mạch tạng.
  • Mệt mỏi, lo âu, giảm khả năng lao động, có thể dẫn tới trầm cảm.
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
  • Ở phụ nữ mang thai, tình trạng hẹp van 2 lá có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
  • Mắc bệnh hẹp van hai lá từ nhỏ có thể gây chậm lớn, chậm phát triển, lồng ngực bị biến dạng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn xuất hiện các triệu chứng nêu trên, nhất là trường hợp bị khó thở, mệt mỏi, tim đập nhanh, đau ngực thì hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh hẹp van hai lá

Nguyên nhân dẫn đến hẹp van hai lá bao gồm:

  • Sốt thấp khớp.
  • Lắng đọng canxi: Khi tuổi ngày càng cao thì canxi có thể lắng đọng xung quanh vòng van hai lá, từ đó gây nên bệnh.
  • Do bẩm sinh, di truyền.
  • Các nguyên nhân hiếm gặp như xạ trị vùng ngực, nhiễm bệnh tự miễn như bệnh Lupus ban đỏ.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh hẹp van hai lá?

Bất kì ai cũng có thể mắc bệnh hẹp van hai lá. Trong đó, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới; cứ 3 bệnh nhân hẹp van hai lá thì 2 trong số đó là nữ. Bên cạnh đó, người lớn tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh cao, do cơ tim cũng như hệ tuần hoàn của cơ thể dần bị lão hóa.

Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Đã từng bị sốt thấp khớp lúc nhỏ.
  • Nhiễm khuẩn liên cầu không điều trị.
  • Trong gia đình đã có người mắc bệnh.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh hẹp van hai lá

Bác sĩ chẩn đoán dựa vào:

  • Siêu âm tim: Cho nhiều dấu hiệu quan trọng của bệnh hẹp van hai lá
    • Đo diện tích lỗ van.
    • Xác định mức độ hẹp.
    • Mức độ xơ hoá và vôi hoá của lá van.
  • Chụp X-quang ngực.
  • Điện tim đồ: Có thể có rung nhĩ và loạn nhịp.
  • Sử dụng ống nghe để nghe âm thổi bất thường giữa các nhịp tim.

Phương pháp điều trị bệnh hẹp van hai lá hiệu quả

Dựa vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có các phương án điều trị khác nhau như sau:

  • Nếu được chẩn đoán hẹp van hai lá nhẹ, bác sĩ sẽ đề nghị bạn nên đi khám định kỳ để được theo dõi tiến triển của van hai lá.
  • Nếu đã xuất hiện các triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc lợi tiểu, thuốc chặn kênh beta hoặc thuốc chặn kênh canxi để điều trị cho bạn.
  • Nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng, hoặc sử dụng thuốc không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật hẹp van hai lá bao gồm:
    • Tạo hình hay nong rộng van bằng bóng.
    • Mổ sửa van.
    • Mổ thay van tim hai lá.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh hẹp van hai lá

Các biện pháp dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế tiến triển của hẹp van hai lá, bao gồm:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. Bạn không nên tự ý uống thuốc mà không có chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
  • Chăm sóc răng cẩn thận: Dùng bàn chải, chỉ tơ nha khoa để làm sạch răng và đi khám răng định kì.
  • Giảm lượng muối trong bữa ăn.
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Cắt giảm caffeine, rượu và các chất có cồn.
  • Tập thể dục thường xuyên.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan