HIV/AIDS

Tìm hiểu chung

HIV/AIDS là gì?

HIV/AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch do một loại virus có tên là HIV gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục, máu và mẹ truyền qua con.

HIV có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, do đó cho phép các bệnh cơ hội, vi khuẩn, virus khác tấn công cơ thể bạn. Không giống như các virus khác, cơ thể của bạn không thể thoát khỏi HIV. Một khi đã bị nhiễm HIV, có nghĩa là bạn phải sống chung với nó.

AIDS là giai đoạn cuối của bệnh HIV và được tạo ra bởi sự phát triển của các bệnh khác, chẳng hạn như ung thư và nhiều bệnh nhiễm trùng. AIDS là biểu hiện khi hệ thống miễn dịch của cơ thể của bạn quá yếu.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của HIV/AIDS

Các triệu chứng của HIV/AIDS thường phải mất từ 2 – 15 năm mới xuất hiện rõ, vì vậy khi bị nhiễm virus trong giai đoạn sơ khởi, cơ thể chúng ta vẫn khỏe mạnh và hoạt động bình thường. Bệnh có khả năng lây nhiễm cho người khác. Hai nhóm triệu chứng đáng chú ý:

Nhóm triệu chứng chính:

  • Sụt cân trên 10% cân nặng;
  • Tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng;
  • Sốt kéo dài trên 1 tháng.

Nhóm triệu chứng phụ:

  • Cơ thể mệt mỏi;
  • Ho dai dẳng trên 1 tháng;
  • Ban đỏ, ngứa da toàn thân;
  • Nổi mụn rộp toàn thân (bệnh Herpes);
  • Bệnh Zona (giời leo) tái đi tái lại;
  • Nhiễm nấm (tưa) ở hầu, họng, kéo dài hay tái phát;
  • Nổi hạch ít nhất là 2 nơi trên cơ thể (không kể hạch bẹn) kéo dài trên 3 tháng.

HIV sẽ tấn công hệ thống miễn dịch của bạn, do đó cho phép các bệnh khác, đặc biệt là nhiễm trùng cơ hội tấn công cơ thể.

Giai đoạn tiến triển của HIV là AIDS với biểu hiện của các bệnh nhiễm trùng cơ hội như:

  • Lao, viêm màn não.
  • Ung thư phổi, ung thư thận hoặc u lympho và sarcoma Kaposi.
  • Cytomegalovirus: Virus herpes này thường được truyền đi thông qua dịch cơ thể như nước bọt, máu, nước tiểu, tinh dịch và sữa mẹ.
  • Nấm Candida: Nhiễm nấm Candida là bệnh liên quan đến HIV thường gặp, gây viêm và phủ một lớp màu trắng dày trên niêm mạc miệng, lưỡi, thực quản hoặc âm đạo của người bệnh.
  • Nhiễm Cryptosporidium: Bệnh này do một loại ký sinh trùng đường ruột thường thấy ở động vật. Bạn có thể nhiễm Cryptosporidiosis khi dùng thực phẩm hoặc nước ô nhiễm. Các ký sinh trùng phát triển trong ruột và đường mật dẫn đến tiêu chảy mạn tính trầm trọng ở những người bị AIDS.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến cơ sở y tế để được xét nghiệm và điều trị khi tiếp xúc trực tiếp với virus HIV/AIDS qua các đường tình dục, đường máu, mẹ sinh con hay khi cơ thể xuất hiện bất cứ dấu hiệu bệnh để được tư vấn kịp thời. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm HIV/AIDS

AIDS do virus HIV gây ra. HIV lây truyền qua 3 con đường:

  • Đường tình dục: Việc quan hệ với người nhiễm HIV/AIDS bằng các đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng không dùng bao cao su sẽ làm virus HIV xâm nhập và lây truyền qua những vết rách trong các mô âm đạo, hậu môn, vết thương.
  • Mẹ bị nhiễm HIV lây truyền qua con trong quá trình sinh con.
  • Đường máu: Thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu của người bị HIV.

HIV không lây truyền qua tiếp xúc hằng ngày như sờ, bắt tay, ôm qua các hoạt động như ho, hắt hơi, sử dụng hồ bơi hoặc bồn cầu, dùng chung ra trải giường, ăn chung hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống với người nhiễm bệnh.

Động vật, muỗi hoặc côn trùng khác cũng không là tác nhân lây truyền HIV.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS?

Bất cứ ai đều có thể nhiễm HIV/AIDS khi tiếp xúc với virus qua các con đường lây bệnh như trên. Các nhóm có nguy cơ mắc cao nhất là:

  • Nhóm nghiện chích ma túy;
  • Nhóm gái bán dâm;
  • Nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính.

Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS, bao gồm:

HIV/AIDS lây truyền qua việc tiếp xúc các chất dịch cơ thể của bệnh nhân HIV, bao gồm máu, tinh dịch, dịch âm đạo và sữa mẹ. Các hành vi sau sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS:

  • Quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn: Quan hệ với nhiều người và không sử dụng biện pháp phòng ngừa (bao cao su) với người nhiễm HIV.
  • Dùng chung vật dụng có dính máu người nhiễm HIV: Khi dùng các thiết bị như dụng cụ cắt gọt, dao cạo, đồ cắt móng tay, kim tiêm, ống chích, thiết bị xăm mình đã nhiễm HIV và không được khử trùng thường xuyên.
  • Dẫm đạp phải mãnh vỡ, kim tiêm có chứa virus HIV.
  • Truyền máu không qua sàng lọc HIV.
  • Thai nhi có mẹ nhiễm HIV.
  • Vết thương hở, vết loét tiếp xúc với máu, tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo có chứa virus HIV.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm HIV/AIDS

Xét nghiệm phơi nhiễm HIV nhằm xác định xem bạn có nhiễm virus HIV hay không. Độ chính xác của xét nghiệm này phụ thuộc vào khoảng thời gian từ lúc bạn có khả năng phơi nhiễm với HIV (quan hệ tình dục không bảo vệ, dùng chung kim tiêm) đến khi làm xét nghiệm.

Vậy nên, bạn cần quan tâm đến các hoạt động từng trải qua có nguy cơ gây nhiễm virus cao. Xét nghiệm sẽ cho ra các kết quả:

  • Dương tính: Tìm thấy kháng thể HIV trong máu nhưng không có nghĩa bạn có AIDS. Tuy nhiên không ai biết chắc người nhiễm HIV khi nào sẽ phát triển thành AIDS.
  • Âm tính: Bạn không có các kháng thể tại thời điểm thử nghiệm. Tuy nhiên, nếu thời gian tính từ khi thực hiện các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm đến lúc xét nghiệm ít hơn 3 tháng, bạn nên lặp lại xét nghiệm.

Lưu ý: Xét nghiệm âm tính không chứng tỏ bạn không có nguy cơ nhiễm HIV. Bất cứ lúc nào thực hiện các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm, bạn đều có thể bị nhiễm bệnh.

Phương pháp điều trị HIV/AIDS hiệu quả

Hiện nay, HIV/AIDS không có cách chữa khỏi hoặc thuốc chủng ngừa. Chúng ta có thể sử dụng một số loại thuốc có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh. Bạn nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ hoặc chuyên gia để được tư vấn về phương pháp điều trị có hiệu quả tốt nhất đối với bạn.

Bạn nên áp dụng các cách điều trị sau khi có kết quả dương tính với HIV:

  • Lắng nghe và thực hiện theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thông báo cho bạn tình, những người đã quan hệ tình dục với bạn hoặc người có nguy cơ nhiễm HIV do bạn để có biện pháp xét nghiệm và phòng tránh.
  • Không dùng chung kim tiêm hoặc các hoạt động có thể lây nhiễm HIV cho người khác.
  • Điều trị tâm lý với bác sĩ chuyên khoa.
  • Sử dụng các loại thuốc có thể làm chậm tiến triển của bệnh.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của HIV/AIDS

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng. Hãy chọn cách bày tỏ những khó khăn trong cuộc sống với những người có thể hỗ trợ bạn.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, khoa học cũng như kiểm tra sức khỏe thường xuyên để duy trì một hệ thống miễn dịch tốt có khả năng chống lại virus.
  • Thực hiện và áp dụng chế độ dinh dưỡng đủ chất, khoa học.
  • Rèn luyện thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe.
  • Chế độ nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Hạn chế rượu bia, thuốc lá, chất kích thích; hạn chế tham gia các loại giải trí không lành mạnh như nghiện hút, mại dâm.

Mặc khác, khi bạn bị nhiễm HIV hãy đảm bảo việc không lây nhiễm cho người khác bằng việc ngăn chặn sự lây nhiễm như:

  • Quan hệ tình dục an toàn như bao cao su đối với quan hệ tình dục âm đạo, miệng hoặc hậu môn.
  • Không bao giờ sử dụng chung đụng kim tim, thiết bị y tế, kim xăm,…
  • Không bao giờ cho và truyền máu.
  • Thông báo cho người tiếp xúc với chất dịch cơ thể bạn để đi khám kịp thời.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Hoạt động tình dục an toàn.
  • Không dùng chung kim tiêm, đồ chơi tình dục, đồ cắt móng tay, dao cạo…
  • Nên chọn những nơi uy tính để làm phẫu thuật và xăm mình. Đảm bảo các vật dụng được sử dụng đã được tiệt trùng.
  • Khi người mẹ mang thai nhiễm HIV, nên thông báo sớm với bác sĩ để có phương pháp bảo vệ thai nhi không bị nhiễm bệnh.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn

Các bệnh liên quan