Hội chứng Brugada
Mục lục
Hội chứng Brugada là gì?
Tìm hiểu chung
Hội chứng Brugada là gì?
Hội chứng Brugada có đặc trưng bởi một nhịp tim bất thường, có khả năng khiến tim ngừng đập đột ngột và đe dọa đến tính mạng người bệnh. Nhiều trường hợp mắc bệnh mà không hề có bất kỳ triệu chứng nào. Bệnh thường chỉ được phát hiện khi người bệnh ngất xỉu hoặc tim ngừng đập đột ngột, hoặc phát hiện ngẫu nhiên khi kiểm tra điện tâm đồ. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người hút thuốc, tiểu đường và béo phì.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Brugada
Các dấu hiệu thường gặp của hội chứng Brugada bao gồm:
- Mệt mỏi;
- Khó thở;
- Lo lắng;
- Tim lỡ nhịp (tim ngừng đột ngột hay rung thất – dấu hiệu quan trọng nhất);
- Đau ngực, nặng ngực, thở khò khè;
- Ngất xỉu;
- Đột quỵ.
Biến chứng có thể gặp khi mắc phải hội chứng Brugada
Nhịp tim bất thường, tim bơm máu không hiệu quả, kết quả là không đủ máu đi đến phần còn lại của cơ thể. Điều này có thể gây choáng ngất, rối loạn nhịp tim khác, hoặc trong trường hợp cực kỳ nặng tim có thể ngừng đập đột ngột, tim mất chức năng tạm thời, nghiêm trọng hơn là tử vong.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hội chứng Brugada hoặc các bệnh lý về nhịp tim đều có thể gây ra triệu chứng tương tự. Vì vậy nếu có triệu chứng như trên, bạn cần gặp bác sĩ để xác định căn nguyên do Brugada hay các vấn đề về nhịp tim khác gây nên.
Nếu người trong gia đình như bố mẹ, anh chị em, con đã được chẩn đoán mắc hội chứng Brugada, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ thảo luận việc xét nghiệm di truyền để xem nguy cơ mắc bệnh của bạn.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến mắc hội chứng Brugada
Mỗi nhịp đập tim được kích hoạt bởi một xung điện tạo ra bởi các tế bào đặc biệt trong buồng trên bên phải tim. Nếu các tế bào hoặc hoạt động tạo xung điện bất thường sẽ dẫn đến nhịp tim bất thường, còn gọi là hội chứng Brugada.
Nguyên nhân gây bệnh thường do di truyền, tuy nhiên cũng có thể do cấu trúc bất thường trong tim, sự mất cân bằng của những hóa chất giúp truyền tải tín hiệu điện, do tác động của thuốc hoặc sử dụng cocaine.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng Brugada?
Hội chứng Brugada thường phổ biến ở thanh thiếu niên và người lớn, ít thấy trường hợp bệnh ở trẻ nhỏ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Bệnh sử gia đình mắc hội chứng Brugada.
- Nam giới được chẩn đoán nhiều hơn là phụ nữ.
- Xảy ra thường xuyên ở người châu Á hơn so với các chủng tộc khác.
- Sốt có thể làm tăng nguy cơ ngất hoặc biến chứng khác của hội chứng Brugada, đặc biệt là ở trẻ em.
- Lạm dụng thuốc an thần, sử dụng cocain.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng Brugada
Bác sĩ chẩn đoán bệnh thông qua các dấu hiệu lâm sàng, hỏi bạn một số câu hỏi như:
- Lịch sử gia đình có hội chứng Brugada hoặc các vấn đề liên quan không?
- Thời gian xuất hiện các triệu chứng đầu tiên là khi nào?
- Các triệu chứng liên tục hay thỉnh thoảng?
- Ngất xỉu có xảy ra thường xuyên hay không?
Đồng thời một số xét nghiệm có thể được tiến hành như:
- Điện tâm đồ;
- Phát hiện đặc tính lâm sàng cộng hợp khác (ví dụ như loạn nhịp nhanh thất kéo dài hoặc ngất không giải thích được);
- Siêu âm tim, MRI và sinh thiết tế bào cơ không đặc hiệu.
Bạn có thể phối hợp với bác sĩ bằng cách:
- Nghĩ lại các triệu chứng mình đã gặp, ghi chép thời gian và tần suất xuất hiện của các triệu chứng đó.
- Ghi lại tiền sử bệnh lý về tim mạch của bản thân và người trong gia đình.
- Danh sách tất cả các loại thuốc men, kể cả vitamin, thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng.
Phương pháp điều trị hội chứng Brugada hiệu quả
Điều trị hội chứng Brugada phụ thuộc vào nguy cơ cao của nhịp tim bất thường. Những trường hợp được liệt vào nguy cơ cao là có lịch sử gia đình từng mắc bệnh tim, tử vong đột ngột do bệnh tim; lịch sử bản thân có vấn đề nhịp tim nghiêm trọng hoặc trong quá khứ đã từng ngất xỉu.
Các phương án điều trị bao gồm:
- Cấy máy khử rung tim (ICD): Thiết bị này giúp liên tục theo dõi nhịp tim và cung cấp những cú sốc điện khi cần thiết để kiểm soát nhịp tim bất thường. Tuy nhiên máy có gây ra biến chứng như bệnh nhân nhận những cú sốc điện ngay cả khi nhịp tim của họ bình thường. Vì vậy nếu phải sử dụng ICD, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ để tránh những cú sốc không thích hợp này.
- Thuốc điều trị: Quinidine được sử dụng để ngăn chặn nhịp tim nguy hiểm tiềm tàng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng Brugada
Các phương án kiểm soát hội chứng Brugada bao gồm:
- Người có cấu trúc và chức năng tim bất thường phải được chẩn đoán với các đặc điểm lâm sàng, đặc biệt là điện tâm đồ để loại trừ nguy cơ cao bị hội chứng Brugada và các biến chứng liên quan.
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
- Những người thân của người được chẩn đoán mắc hội chứng Brugada cũng cần được làm xét nghiệm tầm soát bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.