Lãnh cảm

Tìm hiểu chung

Lãnh cảm là gì?

Lãnh cảm là dạng rối loạn thường gặp ở phụ nữ, biểu hiện từ việc phản ứng tình dục dưới tiêu chuẩn, né tránh đụng chạm xác thịt cho đến mất hoàn toàn khoái cảm tình dục.

Tình dục là bản năng của con người, nếu không được đáp ứng rất dễ dẫn đến không hòa hợp trong cuộc sống gia đình và đổ vỡ, vì vậy phụ nữ nên được điều trị sớm trước khi quá muộn.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của lãnh cảm

Với người mắc chứng lãnh cảm, họ quan niệm rằng tình dục chỉ là nghĩa vụ. Theo triệu chứng bệnh mà người ta chia lãnh cảm thành 5 loại:

  • Có rất ít hoặc hoàn toàn không có các ham muốn tình dục.
  • Lãnh cảm do tâm lý: cảm giác ghê sợ sự va chạm thể xác, thậm chí là phản ứng khi có đụng chạm (co cứng người) hay không thể đạt cực khoái.
  • Những yếu tố như bệnh tật, lo lắng trong cuộc sống, say mê thể thao, nghệ thuật khiến nhu cầu tình dục bị giảm sút.
  • Lãnh cảm do nam giới xuất tinh quá sớm.
  • Do cá tính: Với “kiểu truyền thống” không làm cho phụ nữ đạt được cực khoái. Trường hợp chưa tìm được phương pháp thích hợp thì loại lãnh cảm này có thể kéo dài.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bất cứ khi nào cơ thể có các triệu chứng của bệnh lãnh cảm như hoàn toàn không có ham muốn, né tránh hay ghê sợ việc quan hệ… thì bệnh nhân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn. Bệnh tuy không ảnh hưởng tính mạng nhưng nó gây giảm sút tinh thần bệnh nhân và cả đến đời sống hôn nhân gia đình nên cần được điều trị sớm.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến lãnh cảm

Các dạng nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân mắc chứng lãnh cảm là:

  • Bệnh tật: Do thiếu hụt nội tiết tố nữ (estrogen), nhất là ở độ tuổi tiền mãn kinh. Nếu bù đắp nội tiết tố đầy đủ thì bệnh sẽ khỏi. Ngoài ra, các bệnh viêm phụ khoa – tiết niệu, bệnh đái tháo đường và các dị tật bẩm sinh đều ảnh hưởng tới khoái cảm tình dục.
  • Nguyên nhân tâm lý: Rất phức tạp và phong phú, bao gồm:
    • Một số ấn tượng khó xóa nhòa: Tự cho mình có khiếm khuyết không thể thỏa mãn người tình hoặc mặc cảm gây mất hứng thú.
    • Những thói hư, tật xấu của chồng (rượu chè, nghiện hút, cờ bạc…) hay do tình cảm phai nhạt hoặc người chồng ngoại tình…
    • Đặc biệt, một số dấu ấn trong quá khứ (như cưỡng hiếp…) đã gây nên nỗi khiếp sợ với đàn ông.
  • Do nam giới xuất tinh sớm trong khi phụ nữ chưa đạt đỉnh.
  • Do nhu cầu tình dục đặc biệt, không hợp với người tình.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị lãnh cảm?

Mọi phụ nữ đều có nguy cơ bị lãnh cảm. Tuy nhiên bệnh cũng chứa đựng các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc phải như:

  • Thiếu nội tiết tố nữ, viêm nhiễm phụ khoa.
  • Gia đình không hạnh phúc.
  • Quan hệ tình dục không hòa hợp với bạn tình.
  • Do dấu ấn xấu về tình dục trong quá khứ.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp dùng để xét nghiệm và chẩn đoán lãnh cảm

Bạn sẽ được bác sĩ thăm khám, hỏi về bệnh sử và khám thực thể, bao gồm khám vùng chậu. Bác sĩ có thể đặt câu hỏi chi tiết về mối quan hệ, hành vi tình dục hiện tại, thái độ đối với quan hệ tình dục, tình trạng sức khỏe, các thuốc bạn đang dùng và các triệu chứng khác.

Bệnh nhân cũng đừng ngại trao đổi thẳng thắn với chồng hoặc bạn tình về tình trạng tâm sinh lý của bản thân. Để từ đó hai người sẽ cùng tìm ra giải pháp chung.

Tuỳ theo khuyến cáo của bác sĩ dựa trên nguyên nhân tâm lý hay bệnh lý, bạn sẽ xác định cần lời khuyên từ chuyên gia giới tính, bác sĩ Tâm lý hay một bác sĩ Sản phụ khoa.

Phương pháp điều trị lãnh cảm hiệu quả

Đầu tiên bệnh nhân cần được thoải mái, hạn chế sự căng thẳng và mệt mỏi vốn là nguyên nhân chính gây mất hứng thú chuyện chăn gối.

Để điều trị chứng lãnh cảm cần phải điều trị từ nguyên nhân gây bệnh, có thể bao gồm thay đổi hoạt động tình dục, dừng hoặc thay đổi thuốc đang sử dụng, dùng thuốc hoặc phẫu thuật để chữa các bệnh liên quan gây ra chứng lãnh cảm như đái tháo đường, thiếu máu…

Tư vấn tâm lý cho bệnh nhân theo chỉ định.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của lãnh cảm

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ khi quan hệ tình dục.
  • Đối phương nên chia sẻ với nhau để tránh tạo áp lực chuyện chăn gối.
  • Chữa dứt điểm các bệnh đái tháo dường, cao huyết áp.
  • Thường xuyên khám phụ khoa định kỳ.
  • Cần có chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý; bổ sung nội tiết tố nữ từ thiên nhiên kết hợp với những điều trị về tâm lý và bệnh lý để đạt được hiệu quả cao nhất.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan