Lao họng

Tìm hiểu chung

Lao họng là gì?

Lao là bệnh nhiễm khuẩn gây suy giảm miễn dịch nguy hiểm chỉ đứng sau HIV, xuất hiện nhiều ở các nước đang phát triển và có tỷ lệ tử vong cao.

Lao họng thường là thứ phát sau lao phổi hoặc lao da, gồm nhiều thể như lao kê họng, lao loét bã đậu ở họng, lupus họng và lao họng nguyên phát. Các thể bệnh có biểu hiện và tiên lượng nặng nhẹ khác nhau.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của lao họng

  • Sốt, ra mồ hôi nhiều;
  • Đau ngực, khó thở;
  • Đau nhói tai khi nuốt;
  • Khó ăn, khó nuốt, dễ sặc nước;
  • Cảm thấy mệt mỏi, sụt cân;
  • Ho ra máu;
  • Trong họng xuất hiện các hạt kê, lổn nhổn, tập trung thành từng mảng xù xì, dày cộm, khi vỡ ra để lại những vết loét nông rất bẩn;
  • Một số người có thể bị đau lưng, tiểu ra máu,…

Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?

Bệnh lao họng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như: thận, cột sống hoặc não. Đây là một trong những bệnh gây suy giảm miễn dịch nguy hiểm ở người với nhiều biến chứng bất thường. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời khi có các triệu chứng nêu trên.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến lao họng

Bệnh lao họng hay còn gọi là lao ở cổ do vi khuẩn có tên khoa học Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh có tính lây nhiễm cao, lây từ người qua người và thường lây nhiễm qua:

  • Đường không khí do người mắc bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi, khạc nhổ, cười,…
  • Sử dụng chung các vật dụng, đồ ăn, thức uống.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị lao họng?

Bệnh lao họng là bệnh khá phổ biến, bệnh có thể lây lan ở mọi độ tuổi. Bạn dễ mắc bệnh khi sinh hoạt, làm việc chung với người bị bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lao họng, bao gồm:

  • Bệnh HIV/AIDS.
  • Bệnh mạn tính như: tiểu đường, ung thư, thận.
  • Đang trong quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp.
  • Sức đề kháng yếu, suy dinh dưỡng.
  • Đi du lịch ở các khu vực có dịch bệnh.
  • Sử dụng chất kích thích, thuốc lá, rượu bia.
  • Sống ở nơi có có mức thu nhập thấp, dịch vụ y tế kém.
  • Tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với mầm bệnh.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lao họng

Bệnh lao họng được chẩn đoán thông qua các dấu hiệu lâm sàng và kết quả từ xét nghiệm:

  • Chụp X-quang.
  • Xét nghiệm đờm.
  • Xét nghiệm máu.
  • Xét nghiệm dịch cơ thể (như nước tiểu hoặc dịch từ không gian xung quanh phổi).
  • Sinh thiết mô để tìm xem có những thay đổi đặc trưng nào cho thấy dấu hiệu bệnh lao hay không.
  • Các mẫu kiểm tra bằng chứng của bệnh lao bằng PCR (phản ứng chuỗi polymerase).

Từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ biết được nguyên nhân bệnh, tình trạng bệnh từ đó có những phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Phương pháp điều trị lao họng hiệu quả

Bệnh họng được điều trị chủ yếu bằng thuốc, cách điều trị này mất nhiều thời gian. Ngoài  ra, chúng ta có thể điều trị bằng thuốc điều trị các loại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

Thời gian sử dụng kháng sinh ít nhất từ 6 – 9 tháng tùy vào độ tuổi và tình trạng bệnh, cũng như mức độ kháng thuốc của cơ thể.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của lao họng

  • Bệnh lao họng có thể ngăn ngừa khi bạn thực hiện lối sống lành mạnh, khoa học. Bạn có thể sử dụng vắc-xin ngừa bệnh.
  • Nếu bạn đang trong quá trình điều trị bệnh lao họng nên tránh sử dụng thuốc lá, chất kích thích đồng thời thực hiện các biện pháp tránh lây nhiễm cho người khác.
  • Tập thể dục thường xuyên, ăn uống đầy đủ, đảm bảo chất dinh dưỡng, sức khỏe.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan