Lao xương

Tìm hiểu chung

Lao xương là gì?

Bệnh lao xương là một trong những bệnh liên quan đến lao phổi ngoài. Lao xương thuộc loại lao thứ phát do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis (MTB) từ phổi hoặc hệ tiêu hóa đi theo đường máu hoặc bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận nào đó trong hệ thống xương khớp gây ra bệnh.

Lao cột sống là tình trạng viêm đốt sống, đĩa đệm do vi khuẩn lao thường gặp nhất. Những tổn thương do lao ban đầu rất nhỏ, ngay cả khi chụp X-quang cũng không thấy biến chuyển rõ rệt. Bệnh thường chỉ biểu hiện rõ sau vài tháng có khi vài năm. Khác với viêm xương tủy (xương có khả năng tái tạo), lao xương sẽ làm tiêu xương và chết xương. Bệnh thường gặp trong độ tuổi lao động, đặc biệt từ 20 – 40 tuổi.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của lao xương

Tùy vào cơ địa của mỗi người cũng như vị trí lao của hệ xương khớp mà người bệnh có những dấu hiệu, triệu chứng bệnh khác nhau.

Bệnh lao xương có những biểu hiện gần giống như tình trang viêm đốt sống, đĩa đệm. Dưới đây là một số dấu hiệu bệnh thường gặp:

  • Sốt nhẹ về chiều, vã mồ hôi;
  • Gầy sút cân;
  • Da xanh xao;
  • Ăn uống kém;
  • Đau cột sống liên tục, cơn đau tăng dần về đêm;
  • Khả năng vận động bị hạn chế;
  • Bệnh kéo dài có thể gây xẹp đốt sống gây gù.

Bệnh nhân mắc bệnh lao ngoại biên là lao khớp háng, khớp gối, một số ít mắc ở khuỷu tay, cổ tay, cổ chân. Bệnh nhân sẽ có những triệu chứng giống như lao cột sống.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh lao xương nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây cản trở đến các hoạt động thường ngày, sức khỏe người bệnh. Bênh cạnh đó, bệnh lao xương thường phối hợp với các bệnh khác như chứng suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, lao hạch cổ, còn gọi là bệnh tràng hạt.

Vậy nên, nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bệnh nghi ngờ là lao xương hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chuẩn đoán và điều trị kịp thời. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến lao xương

Bệnh lao xương do vi khuẩn lao người, có thể gặp vi khuẩn lao bò, rất hiếm gặp vi khuẩn kháng cồn kháng toán không điển hình.

Bệnh lao xương xuất hiện sau lao sơ nhiễm 2 – 3 năm (giai đoạn 2 theo Ranke).

Vi khuẩn lao có thể lan từ phức hợp sơ nhiễm tới bất kỳ xương hoặc khớp nào trong cơ thể.

Bệnh lao có tính truyền nhiễm theo đường máu, ít trường hợp vi khuẩn theo đường bạch huyết; có thể theo đường tiếp cận như lao khớp háng do lan từ ổ áp-xe lạnh của cơ thắt lưng.

Những người mắc bệnh lao thường mắc lao xương.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc lao xương?

Bệnh lao xương xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào và ở bất cứ đâu trong hệ xương khớp; trong đó cột sống chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 60 – 70 %), khớp háng chiếm khoảng 10% và khớp gối chiếm khoảng 5%.

Độ tuổi dễ mắc bệnh nhất là 20 – 40 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lao xương, bao gồm:

  • Bệnh lao xương khớp có tính truyền nhiễm cao, nhất là lây nhiễm từ người bệnh lao phổi.
  • Những người mắc bệnh về lao phổi, lao hạch, lao thận, bàng quang… dễ gây biến chứng lao xương.
  • Trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng lao bằng vắc-xin BCG
  • Người có chứng suy giảm hệ miễn dịch, suy dinh dưỡng, còi xương,…

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lao xương

Chẩn đoán bệnh lao xương qua chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt.

  • Chẩn đoán xác định: Dựa vào những dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng, tiền sử và yếu tố nguy cơ như đã trình bày ở trên.
  • Chẩn đoán phân biệt: Để phân biệt bệnh lao xương với các bệnh có triệu chứng tương tự như ung thư cột sống (nguyên phát hay thứ phát di căn).

Xét nghiệm:

  • Chụp X-quang nhằm xác định cụ thể tình trạng bệnh, các đốt xương sống,…
  • Sinh thiết tổn thương và xét nghiệm có thể thấy tế bào ung thư.

Tùy vào mức độ bệnh và thể trạng cơ thể mà bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị kịp thời và phù hợp nhất.

Phương pháp điều trị lao xương hiệu quả

Bệnh lao xương cần phải được phát hiện, điều trị sớm và điều trị lâu dài với những phương pháp điều trị nôi khoa và điều trị ngoại khoa.

Điều trị nội khoa:

Điều trị nội khoa là chủ yếu, bệnh nhân cần điều trị sớm và đúng nguyên tắc từ đầu. Bác sĩ chỉ định bệnh nhân sử dụng từ 4 – 5 loại thuốc chống lao trong giai đoạn điều trị tấn công.

Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ các chỉ định phối hợp thuốc điều trị triệu chứng, chống bội nhiễm và nâng cao thể trạng.

Người bệnh cần được cố định. Thông thường, chúng ta cần cố định lâu, hàng năm và cố định bằng bó bột.

Những trường hợp bệnh nhân bị  tổn thương nhẹ được chẩn đoán sớm, chỉ cần nằm nhiều, tránh vận động và gắng sức là đủ, không cần cố định bằng bột.

Điều trị ngoại khoa:

Trường hợp bệnh nhân có nguy cơ hoặc đã bị chèn ép tủy sống, có ổ áp-xe lạnh ở tại chỗ hoặc di chuyển ở xa, bị tổn thương lao phá huỷ đầu xương nhiều, khớp bị di lệch có ảnh hưởng nhiều đến chức năng sau này, bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp mổ cắt bỏ bao hoạt dịch, lấy ổ áp-xe lạnh, lấy xương chết, cắt đầu xương, làm cứng khớp, cố định cột sống. Sau khi mổ nên cố định 1 – 3 tháng sau mới cho vận động trở lại.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của lao xương

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Sau phẫu thuật người bệnh nên thực hiện vật lý trị liệu để phụ hồi chức năng xương khớp.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Bệnh lao xương hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu chúng ta tự chủng động phòng tránh và  hạn chế tối thiểu các nguy cơ mắc bệnh.

  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống lành mạnh, khoa học để tăng sức đề khánh chống lại bệnh.
  • Tiêm phòng vắc-xin lao cho trẻ.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích gây bệnh, thuốc lá, rượu bia, ma túy,…
  • Vệ sinh cơ thể, phòng tránh lây nhiễm bệnh từ môi trường.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan