Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae

Tìm hiểu chung

Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae là bệnh gì? 

Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae hay còn gọi là lỵ trực khuẩn. Shigella dysenteriae là nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng. Bệnh không gây tử vong nhưng có thể bùng phát thành dịch.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae 

Khi người bệnh nhiễm lỵ trực trùng thường sẽ ủ bệnh từ 12 đến 72 giờ, sau đó sẽ có các hội chứng với các dấu hiệu:

Hội chứng nhiễm trùng độc:

  • Thường sốt 38 – 39°C;
  • Có gai rét, nhức đầu;,
  • Mệt mỏi;
  • Mất ngủ;
  • Chán ăn;
  • Số lượng bạch cầu và bạch cầu đa nhân trung tính ở máu ngoại vi thường tăng.

Hội chứng lỵ:

  • Tiêu chảy (phân có nhiều mủ nhầy và thường có máu);
  • Đau bụng quặn và đầy hơi;
  • Sốt;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Hội chứng mất nước, điện giải;
  • Khát nước, môi khô, đái ít, nhưng mạch, huyết áp vẫn bình thường.

Biến chứng có thể gặp khi bị lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae 

Các biến chứng nếu không được điều trị kịp thời:

  • Hoại tử ruột: Bệnh nhân đi cầu ra một chất dịch nặng mùi kèm mảng hoại tử màu xám hay màu đen.
  • Xuất huyết : Bệnh nhân đi cầu ra máu tươi nhiều gây thiếu máu cấp.
  • Thủng đại tràng gây viêm phúc mạc (ít gặp).
  • Rối loạn vi khuẩn chí (do lỵ kéo dài hoặc dùng kháng sinh kéo dài) .
  • Sa trực tràng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh có thể bùng phát thành dịch nên khi bạn phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên thì cần đến gặp các bác sĩ ngay lập tức. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae

Bệnh do trực khuẩn Shigella thuộc họ Enterobacteriaceae (vi khuẩn đường ruột) gây nên. Về hình thái là trực khuẩn gram âm, nhỏ, dài 1 – 3 mm, không có bao, không tạo bào tử, không di động, ái khí, có thể kỵ khí, mọc dễ dàng ở môi trường thạch lỏng 37 độ C.

Căn cứ vào tính chất sinh hóa và kháng nguyên, Shigella được chia thành 4 nhóm:

  • Nhóm A: Shigella dysenteriae, gồm 10 type, type I là type duy nhất có ngoại độc tố.
  • Nhóm B: Shigella flexneri
  • Nhóm C: Shigella boydii
  • Nhóm D: Shigella sonnei

Người là nguồn bệnh chủ yếu nhất.


Nguy cơ mắc phải

Những ai thường có nguy cơ nhiễm lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae?

Bất cứ ai cũng có khả năng lây nhiễm, đặc biệt là trẻ em do thói quen hay bỏ tay vào miệng của trẻ.

Bệnh lỵ trực trùng lây qua đường tiêu hóa, do tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với nguồn bệnh. Ruồi nhặng là mối đe dọa tiềm tàng do chúng thường mang vi khuẩn cho người. Bệnh đặc biệt phát triển ở các nước ôn đới, ở vùng khí hậu nóng, dân sống chen chúc tại các thành phố trong khi vệ sinh cá nhân và cộng đồng kém.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Trẻ 1 – 5 tuổi dễ mắc bệnh.
  • Quan hệ đồng giới.
  • Bệnh dễ nhiễm ở những nơi sống chật chội và ý thức vệ sinh cá nhân kém, thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường kém.
  • Bệnh hay bộc phát trong các tập thể nhà dưỡng lão, bệnh viện tâm thần, các trung tâm nuôi trẻ chậm phát triển, nhà trẻ, trường học, trại tân binh, ký túc xá, nhà giam…
  • Tiếp xúc trực tiếp với phân người bệnh.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae

Để đưa ra các chẩn đoán chính xác, bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm với các bệnh phẩm là phân và máu của người bệnh.

  • Cấy phân.
  • Nuôi cấy định danh vi khuẩn và ngưng kết kháng huyết thanhl
  • Soi trực tràngl
  • Huyết thanh chẩn đoánl

Phương pháp điều trị bệnh lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae hiệu quả

Nguyên tắc điều trị:

Bổ sung nước và điện giải

Sử dụng kháng sinh

Điều trị hỗ trợ

Các loại thuốc kháng sinh được khuyên dùng:

  • Nếu vi khuẩn không kháng thuốc có thể dùng: Ampicillin, Trimethoprim- sulfamethoxazole.
  • Nếu vi khuẩn kháng thuốc có thể dùng: Ciprofloxacin: 250mg x 2 lần/ngày; Pefloxacin: 400mg x 2 lần/ngày; Ofloxacin: 200mg x 2 lần/ngày.

Điều trị hỗ trợ:

  • Hạ nhiệt khi sốt cao, kèm theo thuốc an thần phòng co giật.
  • Giảm đau (Atropin sulfat).
  • Trợ lực, vitamin nhóm B.
  • Thụt tháo.
  • An thần.
  • Trẻ em co giật: dùng diazepam hay phenobarbital.
  • Ăn cháo thịt, kiêng mỡ, cay, trẻ em vẫn bú mẹ bình thường.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Khi phát hiện các triệu chứng nên đến các bệnh viện để kiểm tra và điều trị đúng bệnh.
  • Cần khai báo kịp thời cho cơ quan y tế khi phát hiện sớm bệnh tình.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Hiện nay chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh. Do đó cần biết các biện  pháp phòng ngừa để tránh mắc bệnh:

  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Không ăn thức ăn sống trừ những rau quả tươi có thể bóc vỏ và ăn ngay sau khi bóc.
  • Ăn chín uống sôi.
  • Ăn thức ăn khi còn nóng hoặc đun lại hoàn toàn trước khi ăn.
  • Giữ thức ăn đã nấu trong bát đĩa sạch, tách riêng với những thực phẩm sống và những bát đĩa có thể bị ô nhiễm .
  • Không để ruồi bâu vào thức ăn bằng cách đậy lồng bàn.
  • Xử lý phân đúng quy trình.
  • Cách ly người bệnh với những người trong gia đình.
  • Khi phát hiện các triệu chứng nên đến các bệnh viện để kiểm tra và điều trị đúng bệnh.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan