Mù màu

Tìm hiểu chung

Mù màu là gì?

Mù màu hay còn được gọi là rối loạn sắc giác, là tình trạng khả năng phân biệt màu sắc bị giảm. Khi mắc bệnh này, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa các màu đỏ, xanh lá cây, màu xanh biển hoặc các loại màu sắc được pha trộn từ những màu này. Ngay cả đối với những người mù màu thì rất hiếm khi xuất hiện trường hợp không thể nhìn thấy màu nào cả.

Rất hiếm xảy ra trường hợp không thể nhìn thấy màu nào ở những đối tượng bị mù màu.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của mù màu

Các dấu hiệu của bệnh mù màu bao gồm:

  • Có một số màu nhất định người bệnh sẽ không phân biệt được, tuy nhiên những màu khác vẫn có thể. Ví dụ như có người không thể phân biệt được màu đỏ và xanh lá nhưng vẫn phân biệt được màu xanh dương và màu vàng.
  • Một số trường hợp hiếm chỉ phân biệt được màu đen, trắng và màu xám.
  • Đa số người bệnh không phát hiện ra những vấn đề về thị lực của bản thân.
  • Người bình thường có thể thấy hàng ngàn sắc thái khác nhau nhưng người bị mù màu chỉ có thể thấy được một số sắc thái mà thôi.

Biến chứng có thể gặp do mù màu

Bệnh không ảnh hưởng đến khả năng sống nên người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, người bệnh sẽ gặp một số khó khăn trong cuộc sống như khi tham gia giao thông, người mù màu không phân biệt đèn tín hiệu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu không phân biệt được một số màu nhất định. Trẻ em cần được khám mắt toàn diện khi còn nhỏ bao gồm cả kiểm tra thị lực và khả năng phân biệt màu sắc trước khi bắt đầu đi học.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến mù màu

Bệnh mù màu có thể là do bẩm sinh, bên cạnh đó, còn do một số yếu tố khác bao gồm:

  • Rối loạn di truyền.
  • Do biến chứng của bệnh. Nếu bạn mắc bệnh như tiểu đường, bệnh tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, nghiện rượu mãn tính, bệnh bạch cầu và thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm, bạn cũng có thể bị mù màu. Những bệnh này thường ảnh hưởng đến một bên mắt, nhưng đôi khi bệnh có thể ảnh hưởng đến cả hai mắt. Sau khi điều trị các bệnh trên, chứng mù màu có thể giảm nhẹ hoặc được phục hồi
  • Một số thuốc. Một số loại thuốc để điều trị bệnh tim, cao huyết áp, rối loạn chức năng cương dương, nhiễm trùng, rối loạn thần kinh và các vấn đề tâm lý.v.v có thể ảnh hưởng đến khả năng phân biệt màu sắc.
  • Lão hóa. Khả năng phân biệt màu sắc bị thoái hóa dần theo độ tuổi.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải mù màu?

Mù màu là căn bệnh hiếm gặp và mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Nếu bố mẹ hoặc ông bà bị mù màu, bạn có khả năng nhận các gen mang bệnh.
  • Do thuốc: Một số loại thuốc có khả năng làm tăng nguy cơ mù màu như thuốc hydroxychloroquine do thuốc này ảnh hưởng đến võng mạc và dây thần kinh thị giác.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán mù màu

Bác sĩ chẩn đoán bệnh bằng cách cho bạn làm xét nghiệm nhằm đánh giá khả năng phân biệt màu sắc của bạn. Bạn có thể được yêu cầu nhìn vào một bảng màu có hình chấm và cố gắng tìm một hình trong những chấm màu đó, đó có thể là một chữ cái hoặc một con số. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ xác định được bạn đang bị mù màu gì.

Hoặc bạn có thể  làm một loại xét nghiệm mù màu khác. Trong quá trình thực hiện xét nghiệm này, bạn sẽ sắp xếp các màu sắc dựa theo sự tương đồng của chúng với nhau, nếu bạn bị mù màu, bạn sẽ xếp sai thứ tự.

Phương pháp điều trị mù màu hiệu quả

Không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh mù màu. Trong trường hợp mắc bệnh do thuốc hoặc do biến chứng của các bệnh khác, việc điều trị các bệnh đó có thể làm giảm triệu chứng mù màu. Hoặc bạn có thể đeo kính có khả năng lọc màu sắc, tuy nhiên loại kính này không điều trị được bệnh mà chỉ hỗ trợ bạn khả năng phân biệt màu sắc.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của mù màu

Các biện pháp giúp bạn sống chung với mù màu bao gồm:

  • Học cách nhớ thứ tự của các màu. Bạn nên cố gắng nhớ thứ tự các màu sắc trên đèn giao thông nếu bạn không thể phân biệt được màu sắc của nó để có thể lưu thông trên đường an toàn.
  • Bạn có thể nhờ những người có khả năng nhìn màu bình thường xem giúp bạn màu sắc của những bộ quần áo và dán tên màu lên đó. Bạn cũng có thể nhờ họ sắp xếp sẵn những bộ quần áo nào phù hợp màu sắc với nhau và cất chung trong tủ. Đến khi lần sau bạn cần dùng, bạn chỉ cần mặc chúng và không cần phải lo lắng nó có hợp màu với nhau hay không

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan