Nhịp nhanh thất

Tìm hiểu chung

Nhịp nhanh thất là gì?

Nhịp nhanh thất là tình trạng tim đập quá nhanh khiến tim không đủ máu để đưa đến các cơ quan khác. Người bình thường có tim đập 60 – 100 nhịp/phút, nhưng ở người mắc bệnh nhịp nhanh thất thì tim đập 150 – 250 nhịp/phút.

Hầu hết những người bị nhịp nhanh thất đều có tiền sử mắc các bệnh lý về tim mạch hoặc có khuyết tật bẩm sinh ở tim. Mặc dù đây là bệnh nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng nhưng hiện nay, với sự tiến bộ của y học đã có nhiều phương pháp để cải thiện tình trạng này. Nếu nghi ngờ mình mắc bệnh nhịp tim nhanh thất, bạn nên khám bác sĩ ngay lập tức.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhịp nhanh thất

Dấu hiệu phổ biến của bệnh nhịp nhanh thất là đánh trống ngực hoặc nhịp tim nhanh. Các dấu hiệu khác bao gồm:

  • Chóng mặt, choáng váng;
  • Tức ngực, đau ngực, cảm giác như có vật đè lên ngực;
  • Khó thở, ngất xỉu;
  • Mệt mỏi, ra mồ hôi, buồn nôn;
  • Mạch đập yếu hoặc không có mạch đập.

Các triệu chứng có thể bắt đầu và dừng đột ngột, hoặc kéo dài trong vài phút. Trong trường hợp bệnh nhẹ, có thể không xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh nặng có thể mất ý thức.

Biến chứng có thể gặp khi mắc phải nhịp nhanh thất

Nhịp nhanh thất nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Huyết khối gây đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
  • Rung thất. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ngừng tim đột ngột, có thể đe dọa tính mạng.
  • Suy tim: Xảy ra khi tim không còn khả năng bơm đủ máu để đi nuôi cơ thể.
  • Ngừng tim, đột tử.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Chính vì mức độ nghiêm trọng của bệnh nên nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhịp nhanh thất

Nhịp nhanh thất là nhịp tim nhanh phát sinh ở tâm thất (buồng dưới của tim), làm cho việc truyền tín hiệu điện trong tâm thất trở nên rối loạn, không theo quy luật, khiến nó co bóp nhanh hơn bình thường đồng thời tim liên tục tống máu ra tuần hoàn trong khi khoảng thời gian giữa các nhịp đập quá ngắn, không đủ thời gian để tâm thất được đổ đầy máu.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến nhịp nhanh thất, đây thường là thương tổn sau một cơn nhồi máu cơ tim, do khuyết tật bẩm sinh hoặc bệnh cơ tim (cơ tim giãn, phì đại hoặc viêm cơ tim…).

Một số trường hợp hiếm gặp, nhịp nhanh thất xảy ra sau một cuộc phẫu thuật tim hoặc do các vấn đề về nhịp tim khác như hội chứng QT kéo dài, hội chứng Brugada

Nếu bạn đang dùng các loại thuốc như thuốc thông mũi hoặc thuốc cảm cúm (có thành phần ephedrine trong cây ma hoàng), viên giảm cân, kể cả thuốc chống loạn nhịp tim thì cũng có nguy cơ bị nhịp nhanh thất.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải nhịp nhanh thất?

Bệnh có khả năng xảy ra ở cả đàn ông và phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Và đây cũng là một bệnh rối loạn nhịp tim phổ biến ở trẻ em.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Tổn thương mô tim do bệnh tim.
  • Có các đường điện bất thường bẩm sinh trong tim.
  • Thiếu máu.
  • Huyết áp cao.
  • Tập thể dục quá mức.
  • Lo âu hay căng thẳng đột ngột.
  • Hút thuốc, lạm dụng chất kích thích như cocaine, rượu và thức uống chứa caffeine.
  • Mất cân bằng các chất điện giải, chất khoáng cần thiết để thực hiện các xung điện.
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp).

Những yếu tố nguy cơ trên chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vẫn có nguy cơ mắc bệnh dù không có các yếu tố trên.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhịp nhanh thất

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh nhịp nhanh thất dựa vào khám lâm sàng, tìm hiểu bệnh sử và tiến hành một vài xét nghiệm quan trọng như điện tâm đồ (ECG). Đây là kỹ thuật nhằm ghi lại các hoạt động của hệ thống điện tim cũng như các bất thường của nó. Nếu nghi ngờ bị nhịp nhanh thất, bác sĩ sẽ dùng thiết bị theo dõi nhịp tim Holter (một thiết bị điện tâm đồ di động 24 giờ) để xác định mức độ thường xuyên xảy ra nhịp tim nhanh trên thất trong vòng 24 giờ. Khi thấy có dấu hiệu của nhịp nhanh thất, một số xét nghiệm khác mà bạn có thể được chỉ định là:

  • Xét nghiệm máu: Theo dõi chỉ số calci, kali, magie.
  • Chụp X-quang ngực: Phát hiện các bất thường ở tim hoặc phổi.
  • Siêu âm tim: Cho phép bác sĩ nhìn thấy hình ảnh rõ ràng của cơ tim, van tim và giúp đánh giá chức năng tim.
  • Thăm dò điện sinh lý tim: Kiểm tra hoạt động của hệ thống điện tim một cách chi tiết.
  • Chụp mạch vành: Phát hiện chỗ hẹp hoặc tắc nghẽn.

Phương pháp điều trị nhịp nhanh thất hiệu quả

Dựa vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có các phương án điều trị. Nếu bạn đang bị nhịp nhanh thất cấp tính, việc đầu tiên cần phải làm là cấp cứu để đưa nhịp tim trở về bình thường bằng các phương pháp như hồi sức tim phổi, sốc điện bằng máy khử rung tim tự động; đồng thời, tiêm tĩnh mạch thuốc an thần, thuốc giảm nhịp tim.

Khi sức khỏe bệnh nhân được phục hồi tạm thời, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị nhịp nhanh thất bằng một số phương pháp sau:

Dùng thuốc:

Các loại thuốc giúp kiểm soát và ổn định nhịp tim có thể được sử dụng như:

  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc chẹn kênh calcium
  • Thuốc chống loạn nhịp

Tùy vào thể trạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thuốc trong thời gian dài hoặc dùng thuốc có kết hợp với điều trị ngoại khoa để phòng ngừa tái phát bệnh.

Điều trị ngoại khoa:

Một trong những phương pháp sau có thể được áp dụng.

Cấy máy khử rung tim (ICD)

Đây là phương pháp dùng máy khử rung tim được cấy ghép dưới da để phát hiện các tín hiệu điện bất thường trong tâm thất bằng cách phát xung điện hoặc tạo cú sốc điện cường độ nhỏ để đưa nhịp tim trở về bình thường. Nó có thể được kết hợp với thuốc điều trị nhịp nhanh thất.

Đốt điện tim bằng ống thông

Đây là phương pháp loại bỏ đường dẫn truyền điện tim tại các vùng mô tim gây rối loạn nhịp tim. Những người có nhịp tim nhanh thường xuyên hoặc hay tái phát nhưng không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, hoặc người bị rối loạn nhịp tim nhanh nhưng không muốn uống thuốc đều có thể dùng phương pháp này.

Phẫu thuật tim

Phẫu thuật được thực hiện khi các phương pháp trên không mang lại hiệu quả. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ các mô tim gây nhịp tim bất thường và mở rộng các mạch máu bị hẹp (nếu có). Điều này giúp cho cơ tim được nhận đủ máu, oxy và ổn định nhịp tim.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhịp nhanh thất

Chế độ sinh hoạt:

  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Duy trì trọng lượng hợp lý vì thừa cân, béo phì sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.
  • Giữ huyết áp ổn định.
  • Sử dụng thuốc không kê đơn hợp lý vì chúng có thể chứa các chất gây nhịp tim đập nhanh. Hãy nhờ bác sĩ cung cấp một danh sách các loại thuốc mà bạn cần phải tránh.
  • Học cách đối phó với căng thẳng. Bạn cần tránh những căng thẳng và học cách xử lý vấn đề trong cuộc sống theo hướng tích cực.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Nên ăn uống khoa học, có chế độ ăn giảm cholesterol, giảm muối.
  • Ngưng sử dụng chất kích thích như rượu hay caffeine (có trong cà phê, trà, chocolate…).
  • Không hút thuốc lá.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan