Nhồi máu cơ tim

Tìm hiểu chung

Nhồi máu cơ tim là bệnh gì?

Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Bệnh xảy ra khi một hoặc nhiều nhánh động mạch vành (động mạch cung cấp máu nuôi tim) bị tắc hoàn toàn một cách đột ngột. Nguyên nhân khiến động mạch vành tắc nghẽn thường do huyết khối hoặc do mảng xơ vữa lâu ngày làm bít tắc đường ống động mạch, khiến máu không thể di chuyển về tim. Tùy theo vị trí tắc mà mức độ tổn thương trầm trọng khác nhau. Các trường hợp bị tắc nhánh mạch máu nuôi nút tạo nhịp cho tim có thể làm người bệnh tử vong ngay lập tức vì rối loạn nhịp tim.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhồi máu cơ tim

Các dấu hiệu thường gặp của nhồi máu cơ tim bao gồm:

  • Đau thắt ngực, cơn đau có thể lan lên hàm hoặc xuống lưng, cánh tay và bàn tay trái kéo dài nhiều phút hoặc biến mất rồi lại xuất hiện;
  • Khó thở;
  • Đổ mồ hôi;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Lo lắng;
  • Ho;
  • Chóng mặt;
  • Tim đập nhanh.

Triệu chứng thường gặp nhất cả ở nam và nữ là đau ngực. Bên cạnh đó, nữ giới thường gặp các triệu chứng sau đây hơn, bao gồm:

  • Khó thở;
  • Đau bụng hay ợ nóng;
  • Đau hàm;
  • Đau lưng;
  • Đau đầu, chóng mặt;
  • Buồn nôn;
  • Nôn ói;
  • Bất chợt mệt mỏi không rõ nguyên nhân.

Vài phụ nữ bị cơn đau tim có triệu chứng giống cảm cúm.

Biến chứng có thể gặp khi bị nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim có thể đem lại những tổn thương cho tim hoặc thậm chí phá hủy toàn bộ cơ tim. Biến chứng của nhồi máu cơ tim bạn có thể gặp phải là:

Nhịp tim bất thường (chứng loạn nhịp tim): Nếu một cơm đau tim làm cơ tim bị hư hỏng có thể sẽ dẫn đến nhịp tim bất thường, trong một số trường hợp tình trạng này cực kỳ nghiêm trong, thậm chí là gây tử vong.

Ảnh hưởng các cơ quan: Nếu mô bị hư hại với số lượng lớn mà các cơ tim còn lại không thể bơm máu đầy đủ sẽ làm giảm lưu lượng máu chuyển đi gây hại đến tim và các mô và các cơ quan khác trong cơ thể, có thể dẫn đến suy tim.

Vỡ tim: Cơn đau tim có thể làm vỡ tim, để lại lỗ trong tim. Vỡ tim thường gây tử vong.

Vấn đề van tim: Van tim bị hư hỏng trong cơn đau tim có thể phát triển tình trạng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Không phải tất cả mọi người bị đau tim thì đều có biểu hiện hay mức độ như nhau. Một số người lại không có bất kỳ triệu chứng nào biểu hiện sự suy yếu của tim. Tuy nhiên, một điều có thể chắc chắn là nếu bạn có càng nhiều triệu chứng nêu trên thì khả năng bị đau tim do nhồi máu cơ tim là rất lớn.

Cảnh báo sớm của một cơn đau tim là chứng đau thắt ngực (kể cả khi bạn đang gắng sức hoặc nghỉ ngơi) do lưu lượng máu về tim tạm thời giảm mạnh, vì vậy khi có dấu hiệu này xảy ra hoặc khi bạn nghi ngờ mình có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, hãy kịp thời đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.

Trong trường hợp cơn đau tim xảy ra đột ngột, hãy lập tức nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh hoặc gọi đường dây nóng của y tế khẩn cấp để được đưa đi cấp cứu kịp thời. Một số trường hợp khi xuất hiện cơn đau thắt ngực lại chờ đợi khá lâu vì ngần ngại không biết có phải triệu chứng của bệnh tim hay không, điều này rất nguy hiểm vì có thể chỉ chậm trễ vài giây là cơn đau tim đã cướp đi tính mạng của bạn.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi các động mạch cung cấp máu giàu oxy (động mạch vành) bị tắc nghẽn và không thể đưa máu đến cơ tim.

Theo thời gian, cholesterol tích tụ dần trên thành động mạch và tạo nên các mảng xơ vữa (thường gọi là xơ vữa động mạch). Khi các mảng xơ vữa này bong ra, làm lộ lớp thành mạch máu bị tổn thương, lúc này tiểu cầu kết tụ lại ngay chỗ thành mạch đó và tạo nên cục máu đông. Nếu cục máu đông đủ lớn có thể gây bít tắc hoàn toàn lòng mạch máu. Khi cơ tim không được cung cấp máu thì các cơ tim đó sẽ hoại tử gây triệu chứng đau ngực dữ dội.

Một nguyên nhân phổ biến khác có thể gây nhồi máu cơ tim chính là co thắt động mạch vành làm ngắt lưu lượng máu đến cơ tim. Một số loại thuốc, điển hình như cocain có thể gây co thắt và đe dọa đến tính mạng.

Các yếu tố dẫn đến tắc nghẽn động mạch vành bao gồm:

  • Cholesterol xấu;
  • Chất béo bão hòa;
  • Chất béo chuyển hóa.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải nhồi máu cơ tim?

Tuổi tác càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh càng cao, cả những người trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng.

Trước độ tuổi 50, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, từ sau 50 tuổi trở đi, nguy cơ mắc bệnh ở nam và nữ là như nhau, do nội tiết tố nữ giảm nên mất đi yếu tố bảo vệ tim.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Huyết áp cao;
  • Tăng cholesterol;
  • Tăng triglyceride;
  • Đái tháo đường;
  • Béo phì;
  • Hút thuốc lá;
  • Bệnh sử gia đình;
  • Stress;
  • Ít vận động;
  • Dùng các thuốc làm co thắt mạch máu như cocaine và amphetamine;
  • Bệnh sử về tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Để chẩn đoán nhồi máu cơ tim, thông thường bác sĩ sẽ kiểm tra các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến cơn đau tim. Nếu bạn có các vấn đề bị nghi ngờ liên quan đến bệnh tim và có thể dẫn đến cơn đau tim, bác sĩ sẽ khuyên bạn đi khám thường xuyên để theo dõi.

Trong trường hợp cơn đau tim đang xảy ra hoặc nghi ngờ đó là cơn đau tim, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng bạn đã nêu, đo huyết áp, kiểm tra nhịp tim và nhiệt độ cơ thể. Tim của bạn sẽ được kết nối với màn hình theo dõi điện tim ngay lập tức để xem bạn có thực sự bị nhồi máu cơ tim hay không.

Một số xét nghiệm cần thiết sẽ được tiến hành kèm theo là:

  • Điện tâm đồ: Ghi lại hoạt động điện của tim thông qua các điện cực gắn liền với da. Xung được ghi nhận là “sóng” hiển thị trên màn hình theo dõi. Do bị chấn thương, cơ tim không thực hiện xung điện bình thường.
  • Xét nghiệm máu: Một số enzyme từ tim bị rò vào máu nếu tim bị tổn thương bởi cơn đau tim. Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để kiểm tra sự hiện diện của enzyme này.
  • Chụp cắt lớp vi tính tim (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) động mạch vành để xác định đoạn nào bị tắc và kiểm tra thiệt hại do cơn đau tim gây ra.
  • Siêu âm tim để xác định vùng cơ tim nào không hoạt động tốt.

Phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim hiệu quả

Nhồi máu cơ tim là một tình trạng khẩn cấp vì với mỗi phút trôi qua, cơ tim không được cung cấp oxy sẽ bị tổn thương hoặc chết. Mục tiêu trong việc điều trị là phục hồi lưu lượng máu về tim nhanh nhất có thể. Những phương pháp có thể được áp dụng bao gồm:

Dùng thuốc:

  • Aspirin: Phá vỡ kết tụ tiểu cầu, phá vỡ cục máu đông từ đó tăng lưu lượng máu qua động mạch bị hẹp.
  • Thuốc tiêu huyết khối: Giúp hòa tan cục máu đông ngăn chặn lưu lượng máu đến tim.
  • Clopidogrel: Thuốc kháng tiểu cầu, dùng để ngăn ngừa hình thành và phát triển của huyết khối.
  • Nitroglycerin: Được dùng làm giãn mạch vành, điều trị trong trường hợp đau thắt ngực.
  • Thuốc ức chế beta: Làm chậm nhịp tim, giảm huyết áp và cho cơ tim thư giãn giúp làm giảm độ nặng tổn thương.
  • Thuốc giảm đau: Dùng khi cơn đau ngực liên tục làm bệnh nhân khó chịu.
  • Thuốc làm giảm cholesterol: Giảm cholesterol không mong muốn trong máu.

Phẫu thuật và các thủ tục can thiệp khác:

Nong mạch vành và đặt stent: Một ống nhỏ có gắn đầu bóng đặc biệt được luồng qua động mạch vành để đến chỗ bị tắc nghẽn. Khi đến vị trí, bóng sẽ được thổi lên để mở rộng lòng mạch bị hẹp giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Ống lưới kim loại stent sẽ được đặt vào vị trí đã được nong để phòng ngừa động mạch thu hẹp trở lại.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Ở một vài trường hợp hiếm gặp, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật bắc cầu giữa động mạch và tĩnh mạch, cho máu có thể đi đường vòng đến tim mà không phải đi qua khu vực động mạch bị tắc nghẽn. Phẫu thuật có thể được làm ngay sau cơn nhồi máu cơ tim nhưng thông thường sẽ được thực hiện vài ngày sau cơn đau tim vì thời điểm này tim đã có thời gian để hồi phục sau cơn đau.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhồi máu cơ tim

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. Nhất là trong việc dùng thuốc, bạn nên uống thuốc đầy đủ và không bỏ cử, vì thuốc sẽ trợ giúp chức năng của tim và giảm nguy cơ xảy ra các cơn đau tim đột ngột.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

​​Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và ở bất cứ đâu, vậy nên cách tốt nhất để bạn ngăn chặn một cơn nhồi máu cơ tim có thể đến với mình là nắm rõ những kiến thức căn bản về bệnh và một số cách sơ cứu để kịp thời ứng phó khi cơn đau đột ngột xảy ra. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

  • Ngưng hút thuốc và không tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Thường xuyên kiểm tra huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu.
  • Chế độ dinh dưỡng an toàn, hợp lý, lành mạnh. Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau củ giàu chất chống oxy hóa và tăng cường bổ sung omega-3.
  • Luyện tập thể dục đều đặn.
  • Quản lý căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày. Tốt nhất bạn hãy tạo cho mình một cuộc sống tích cực và không để trạng thái tinh thần quá căng thẳng làm ảnh hưởng đến tim mạch.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan