Phình tách động mạch chủ

Tìm hiểu chung

Phình tách động mạch chủ là gì?

Phình tách động mạch chủ là tình trạng nội mạc trong lòng động mạch bị rách làm cho dòng máu chảy thấm vào bên trong và khiến các lớp của thành động mạch bị tách rời. Đây là một căn bệnh rất hiếm gặp với các triệu chứng đa dạng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh cảnh khác. Để phát hiện được bệnh cần phải rất chú ý và khi phát hiện cần xử lý kịp thời mới không làm đe dọa đến tính mạng. Độ tuổi dễ mắc bệnh nhất là từ 60 – 70 tuổi. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh gấp đôi so với nữ giới. Tỷ lệ tử vong ở người mắc bệnh là 1% trên mỗi giờ trong 48 giờ đầu.

Ðộng mạch chủ thường được chia làm ba đoạn là động mạch chủ lên, cung động mạch chủ và động mạch chủ xuống. Phình tách động mạch chủ được chia làm hai tuýp tùy theo vị trí của động mạch chủ bị ảnh hưởng:

  • Tuýp A: các tổn thương xuất phát từ động mạch chủ đi trực tiếp từ tim ra hoặc động mạch chủ lên. Đây là loại phổ biến và nguy hiểm.
  • Tuýp B: tổn thương xuất phát từ động mạch chủ xuống.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của phình tách động mạch chủ

Đau ngực là triệu chứng phổ biến nhất ở người bị bóc tách động mạch chủ, chiếm đến 95% trường hợp. Vị trí đau có thể là trước hoặc sau ngực tùy thuộc vào vị trí động mạch bị bóc tách. Nếu tách thành động mạch chủ lên thường sẽ đau ngực trước, còn thành động mạch chủ xuống thường sẽ đau ngực sau, kèm theo đau lưng và bụng. Bạn có thể sẽ cảm thấy đau nhói, đau dữ dội nhưng đặc điểm nổi bật của cơn đau là diễn ra rất đột ngột và nhanh chóng.

Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp mắc bệnh mà không có cảm giác đau ngực. Một số trường hợp khác lại có khoảng thời gian dài không đau rồi sau lại đau. Cơn đau quay trở lại này có thể là dấu hiệu cảnh báo cho nguy cơ động mạch chủ bị vỡ do bị phình tách kéo dài.

Các dấu hiệu khác của phình tách động mạch chủ bao gồm:

  • Thở gấp và khó thở khi nằm thẳng;
  • Vã mồ hôi;
  • Lú lẫn;
  • Ngất xỉu hoặc chóng mặt;
  • Buồn nôn;
  • Khó nuốt;
  • Đau bụng cấp;
  • Xuất huyết tiêu hóa;
  • Chênh lệch huyết áp ở 2 cánh tay.

Biến chứng có thể gặp khi phình tách động mạch chủ

Bệnh có thể gây ra một số biến chứng bao gồm:

  • Tử vong do chảy máu cấp.
  • Suy cơ quan như suy thận, tổn hại đến đường ruột đe dọa tính mạng.
  • Đột quỵ.
  • Thiếu máu tuỷ sống và bệnh thần kinh ngoại vi.
  • Hở van động mạch chủ hoặc tràn dịch màng tim, tràn dịch màng phổi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh hoặc có bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi liên quan đến bệnh, xin vui lòng đến gặp bác sĩ để được tham vấn, chẩn đoán và điều trị.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến phình tách động mạch chủ

Phình tách động mạch chủ xảy ra khi có một vết rách ở lớp trong của động mạch (nội mạc động mạch), sau đó máu chảy trong lòng mạch sẽ thấm qua vết rách đó. Qua mỗi lần tim đập, áp lực của dòng máu sẽ đẩy 2 lớp trong và lớp ngoài của động mạch chủ rời khỏi nhau. Hiện nay vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân gây ra bệnh này. Tuy nhiên, phình bóc tách động mạch chủ thường đi cùng với tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và bệnh lý mô liên kết (hội chứng Marfan và Ehlers – Danlos).


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải phình tách động mạch chủ?

Phình tách động mạch chủ xảy ra phổ biến ở người trong độ tuổi từ 60 đến 70. Trong đó, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ gấp 2 lần. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi, tuy nhiên rất hiếm.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh phình tách động mạch chủ bao gồm:

  • Tăng huyết áp không kiểm soát;
  • Xơ cứng động mạch;
  • Bị phình động mạch;
  • Khiếm khuyết van động mạch chủ (van động mạch chủ 2 lá);
  • Hẹp eo động mạch chủ bẩm sinh;
  • Các bệnh di truyền như hội chứng Turner, hội chứng Marfan, bệnh mô liên kết khác (hội chứng Ehlers – Danlos, hội chứng Loeys – Dietz), các tình trạng viêm nhiễm (viêm động mạch đại bào, giang mai).

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán phình tách động mạch chủ

Bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa vào xem xét tiền sử bệnh, khám lâm sàng. Nếu nghi ngờ mắc bệnh phình tách động mạch chủ sẽ cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm bao gồm:

  • Chụp X-quang ngực;
  • Chụp CT ngực bằng thuốc nhuộm;
  • Chụp MRI ngực (dùng từ trường để quan sát động mạch chủ);
  • Siêu âm tim qua đường thực quản (bác sĩ sẽ đưa đầu dò vào miệng của bệnh nhân rồi đi xuống thực quản để có những hình ảnh cụ thể của động mạch chủ);
  • Chụp động mạch chủ bằng thuốc cản quang.

Nếu chẩn đoán xác định động mạch chủ bị phình tách, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị cho bệnh nhân. Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.

Phương pháp điều trị phình tách động mạch chủ hiệu quả

Phương pháp điều trị bóc tách động mạch phụ thuộc vào type bệnh, cụ thể như sau:

Type A (động mạch chủ đi từ tim ra và động mạch chủ lên):

Bệnh nhân cần được thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ biến chứng như hở van động mạch chủ cấp, suy tim ứ huyết, ép tim, triệu chứng thần kinh và giảm nguy cơ tử vong 1%/giờ. Mục đích của việc phẫu thuật là cắt bỏ và thay thế đoạn động mạch chủ có vết nứt đầu tiên chứ không phải toàn bộ động mạch có thành bị tách.

Type B (động mạch chủ xuống):

Bệnh nhân có thể mở đầu điều trị bằng thuốc kiểm soát huyết áp để làm giảm áp lực bên trong động mạch chủ. Phẫu thuật thường được chỉ định khi bệnh nhân có biến chứng hoặc phương pháp nội khoa không mang lại hiệu quả.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của phình tách động mạch chủ

Đây là một căn bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong vẫn cao mặc dù bạn đã được phẫu thuật đi nữa. Vì vậy, bạn cần tái khám theo chỉ định bác sĩ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, phát hiện sớm các phình mạch thứ phát.

Ngoài ra, trong quá trình điều trị sau phẫu thuật, nếu có bất thường nào xảy ra hoặc bạn có thắc mắc gì hãy liên hệ trao đổi với bác sĩ.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Bạn có thể kiểm soát bệnh bóc tách động mạch chủ bằng cách kiểm soát tốt huyết áp. Các biện pháp kiểm soát huyết áp bao gồm:

  • Tập thể dục;
  • Tuân thủ chế độ ăn nhạt;
  • Giữ cân nặng ở mức lành mạnh;
  • Không hút thuốc.

Bên cạnh đó, hãy luôn cài dây an toàn khi đi xe hơi để tránh những chấn thương nguy hiểm đến vùng ngực.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan