Rối loạn nhịp tim

Tìm hiểu chung

Rối loạn nhịp tim là gì?

Rối loạn nhịp tim là một bệnh về tim, đặc trưng bởi tần số hoặc nhịp tim bất thường bao gồm: quá nhanh, quá chậm, quá sớm hoặc quá thất thường.

Rối loạn nhịp tim xảy ra khi các xung động điện trong tim không hoạt động bình thường. Đây là một bệnh phổ biến và thường vô hại. Tuy nhiên, một số trường hợp bị rối loạn nhịp tim lại gây nên sự khó chịu, hoặc có thể là triệu chứng của một căn bệnh nghiêm trọng khác; đe dọa đến tính mạng.

Chứng loạn nhịp được đặt tên và phân loại dựa trên:

  • Tần số: quá nhanh (nhịp tim nhanh), quá chậm (nhịp tim chậm);
  • Vị trí (trong tâm thất hay tâm nhĩ);
  • Mức độ thường xuyên.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn nhịp tim

Các dấu hiệu điển hình của rối loạn nhịp tim bao gồm:

  • Nhịp tim chậm: nhịp tim đập ít hơn 60 nhịp mỗi phút;
  • Nhịp tim nhanh: nhịp tim đập nhiều hơn 100 nhịp mỗi phút;
  • Tức ngực;
  • Khó thở;
  • Choáng váng, chóng mặt;
  • Đổ mồ hôi;
  • Ngất xỉu hoặc gần ngất xỉu;
  • Đánh trống ngực;
  • Cảm giác ngực bị đè nén;
  • Thở ngắn;
  • Đau hoặc tức ngực;
  • Yếu hoặc mệt mỏi.

Biến chứng có thể gặp do rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm bao gồm: Đột quỵ, ngừng tim đột ngột, suy tim, bệnh Alzheimer.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn thấy xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc liên quan đến bệnh xin vui lòng đến gặp bác sĩ để được tham vấn, chẩn đoán và điều trị.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp tim

Ở người có quả tim khỏe mạnh sẽ không có hiện tượng rối loạn nhịp tim nếu không có sự tác động từ bên ngoài; chẳng hạn như sốc điện hay sử dụng các loại thuốc. Vì tim người khỏe mạnh miễn nhiễm với bất kỳ điều kiện nào gây ra chứng loạn nhịp tim.

Tuy nhiên, nếu tim bị bệnh hoặc cấu trúc tim có vấn đề, rất có khả năng các xung điện của tim không hoạt động đúng nhịp và gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim. Theo đó, bất kỳ điều kiện nào làm tim thay đổi cấu trúc cũng có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim như bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh van tim.

Các nguyên nhân khác gây bệnh bao gồm:

  • Sẹo của mô tim do một cơn đau tim từ trước;
  • Tăng huyết áp;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Hút thuốc;
  • Uống quá nhiều bia rượu;
  • Căng thẳng quá độ;
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp);
  • Tuyến giáp suy yếu (suy giáp);
  • Một số thuốc bổ sung không kê toa như các loại thuốc dị ứng và thực phẩm bổ sung.

Dựa theo tần số, vị trí và mức độ thường xuyên, rối loạn nhịp tim được chia thành các loại:

  • Nhịp nhanh từ tâm thất
  • Nhịp nhanh từ tâm nhĩ
  • Nhịp tim chậm
  • Nhịp đập sớm

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn nhịp tim?

Rối loạn nhịp tim là căn bệnh phổ biến và mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh này.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Tuổi:
  • Hút thuốc;
  • Uống quá nhiều rượu hay cà phê;
  • Lạm dụng ma túy;
  • Stress;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ;
  • Di truyền.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn nhịp tim

Bác sĩ chẩn đoán dựa vào các triệu chứng, lịch sử y tế, khám lâm sàng và thông qua các xét nghiệm bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG)
  • Theo dõi bằng điện tim Holter
  • Theo dõi triệu chứng
  • Siêu âm tim
  • Máy ghi điện tâm đồ cấy dưới da
  • Test gắng sức
  • Xét nghiệm bàn nghiêng
  • Xét nghiệm điện sinh lý tim và lập biểu đồ
  • Kiểm tra để loại trừ tất cả những bất thường của tuyến giáp có thể gây rối loạn nhịp tim.

Phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim hiệu quả

Tùy vào từng loại rối loạn nhịp tim mà bác sĩ có phương pháp điều trị khác nhau.

Điều trị nhịp tim chậm: Bác sĩ sẽ cấy máy tạo nhịp tim gần xương đòn. Khi nhịp tim quá chậm hoặc khi tim ngừng đập, máy tạo nhịp sẽ tạo ra các xung điện thay cho tim, kết quả là sẽ tạo ra kích thích để khôi phục lại tốc độ tim ổn định.

Điều trị nhịp tim nhanh: Phương pháp điều trị có thể là một hoặc bao gồm nhiều điều như dùng thuốc, thao tác phế vị, sốc chuyển nhịp, đốt điện.

Trong trường hợp các phương pháp điều trị trên không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật, có hai phương án phẫu thuật bao gồm:

  • Phẫu thuật Maze;
  • Phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn nhịp tim

Các biện pháp kiểm soát rối loạn nhịp tim bao gồm:

  • Ăn các loại thực phẩm tốt cho tim: ít muối và chất béo rắn, nhiều trái cây, rau và ngũ cốc.
  • Tập thể dục thường xuyên: tập thể dục hàng ngày và tăng cường hoạt động thể chất.
  • Tránh hút thuốc, uống rượu và caffeine.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Kiểm soát huyết áp cũng như lượng cholesterol hợp lý.
  • Giữ tinh thần luôn thoải mái, hạn chế sự căng thẳng.
  • Tái khám định kỳ.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan