Sai khớp

Sai khớp là gì?

Sai khớp là sự di lệch của các cầu xương ở khớp một phần hay hoàn toàn do chấn thương mạnh trực tiếp hoặc gián tiếp, thường xuất hiện nhiều ở trẻ em và người lớn. Sai khớp có thể xảy ra tại các khớp lớn như vai, đầu gối, khuỷu tay, mắt cá chân hoặc ở các khớp nhỏ hơn như ngón tay, ngón tay cái hoặc ngón chân. Sai khớp nếu để lâu có thể xuất hiện biến chứng như chèn ép mạch máu, dây thần kinh, sai khớp hở kèm mẻ xương.

Tìm hiểu chung

Sai khớp là gì?

Sai khớp là sự di lệch của các cầu xương ở khớp một phần hay hoàn toàn do chấn thương mạnh trực tiếp hoặc gián tiếp, thường xuất hiện nhiều ở trẻ em và người lớn. Sai khớp có thể xảy ra tại các khớp lớn như vai, đầu gối, khuỷu tay, mắt cá chân hoặc ở các khớp nhỏ hơn như ngón tay, ngón tay cái hoặc ngón chân. Sai khớp nếu để lâu có thể xuất hiện biến chứng như chèn ép mạch máu, dây thần kinh, sai khớp hở kèm mẻ xương. Bệnh dễ nhầm lẫn với bong gân nên người bệnh thường chủ quan và không chữa trị. Chính vì vậy, mọi người cần phải trang bị cho bản thân những kiến thức đúng đắn nhất về căn bệnh sai khớp này. Hầu hết các trường hợp sai khớp cần được nhận sự chăm sóc y tế để giúp khớp bị lệch trở về vị trí ban đầu.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của sai khớp

Triệu chứng phổ biến là đau, sưng tại vùng khớp bị sai và khó cử động. Bên cạnh đó còn có các triệu chứng sau đây:

  • Đau do tổn thương rách bao khớp;
  • Giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng vận động khớp;
  • Hõm khớp bị rỗng. Đây là dấu hiệu đặc biệt của sai khớp, nhưng không phải khớp nào cũng có, mà chỉ gặp ở khớp vai, khớp hàm và một phần khớp khuỷu;
  • Biến dạng toàn chi: Nếu sai khớp vai thì tư thế cánh tay luôn biến dạng hoặc không khép sát vào thân được. Nếu sai khớp háng thì tư thế chi ngắn, gối xoay vào trong, bàn chân bên sai gác lên cổ chân bên lành;
  • Dấu hiệu gồ bất thường do chỏm xương trật ra khỏi hõm khớp;
  • Cử động đàn hồi, còn gọi là dấu hiệu lò xo, chỉ có trong sai khớp, do đầu xương trật ra chỗ khác và bị bó chặt trong khối cân cơ và dây chằng. Dù cố ý kéo hay đẩy khớp về vị trí bình thường thì khớp vẫn bật trở lại tư thế sai;
  • Có một số biến dạng đặc biệt:
    • Dấu hiệu gù vai (vai vuông góc) thấy ở sai khớp vai.
    • Dấu hiệu “nhát rìu” thấy trong sai khớp khuỷu ra sau (do mỏm khuỷu trồi ra sau làm với cánh tay một bậc lõm vào, trông giống như gốc cây bị rìu chặt dang dở).
    • Dấu hiệu “phím đàn dương cầm” thường thấy trong sai khớp vùng vai-đòn (do co kéo cơ ức đòn chũm nên đầu ngoài xương đòn được kéo lên, lộ rõ ra ngoài, ấn xuống lại bật lên như ấn vào phím đàn dương cầm).

Biến chứng có thể gặp khi bị sai khớp

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, khớp có thể vững chắc và chịu được áp lực của cơ thể đều là nhờ vào sự liên kết giữa dây chằng, sụn khớp và xương dưới sụn. Chính vì thế, nếu bị sai khớp sẽ làm tổn thương lên dây chằng và sụn, khiến chúng dễ đứt, vỡ sụn,… Lúc này, khớp trở nên lỏng lẻo và khả năng hoạt động cũng giảm sút, gây nhiều đau nhức, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi xuất hiện những dấu hiệu trên sau khi bị chấn thương, tai nạn giao thông, tai nạn học đường, tai nạn lao động, bệnh lý… bạn nên đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra kịp thời. Nếu người bệnh đi khám muộn thì sẽ khó nhận thấy do sưng nề nhiều. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng phục hồi sức khỏe.

Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến sai khớp

Chủ yếu đến từ những chấn thương trong:

  • Lao động.
  • Thể dục thể thao.
  • Tai nạn học đường.
  • Do bệnh lý, viêm xương khớp háng, trật khớp vai do liệt cơ delta,  trật khớp bẩm sinh.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị sai khớp?

Sai khớp xảy ra trong mọi độ tuổi, giới tính nếu có liên quan đến nguyên nhân gây sai khớp. Bạn có thể làm giảm khả năng mắc bệnh bằng cách hạn chế các yếu tố nguy cơ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ sai khớp, bao gồm:

  • Việc chơi thể thao, chạy nhảy nhiều, làm việc quá sức, mang giày cao gót, làm các công việc đi lại hoặc vận động tay quá nhiều,… khiến cơ khớp hoạt động quá tải, lâu ngày phần dây chằng và sụn khớp tổn thương sẽ gây trật khớp.
  • Người càng lớn tuổi sẽ có nguy cơ bị trật khớp cao hơn bình thường do lúc này hệ thống cơ xương khớp thường bị thoái hóa và yếu hơn hẳn.
  • Những người làm các công việc nặng nhọc, đi lại nhiều, vận động viên thể thao,… cũng dễ mắc bệnh nếu không chú ý đến vấn đề chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng là mộ trong những nguyên nhân khiến bạn dễ mắc bệnh sai khớp.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sai khớp

Khi đến phòng khám, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm hỏi bệnh sử, tiền sử va chạm và khám thực thể. Sau đó sẽ tiến hành xét nghiệm tại các khớp hoặc mô liên quan. Hiện nay, có ba cách để xác định bệnh chính xác nhất là:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan).
  • Chụp cộng hưởng từ ( MRI).
  • Chụp X-quang.

Các xét nghiệm hình ảnh này đều cho bác sĩ thấy được thực trạng ở khớp và những tổn thương mà vùng bị sai khớp gặp phải.

Phương pháp điều trị sai khớp hiệu quả

Phương pháp xử lý tại chỗ:

  • Người bệnh không di chuyển để tránh lực tác động, không nắn hoặc cố cử động khớp bị trật, hoặc bắt nó trở lại vị trí ban đầu,… để tránh gây tổn thương khớp và cơ, dây chằng, dây thần kinh hoặc các mạch máu ở xung quanh.
  • Cố định khớp ở tư thế mà khớp đang ở vị trí đó.
  • Nếu trật khớp ở chân thì có thể cột hai chân lại với nhau, dùng chân lành làm nẹp cố định cho chân bị trật khớp.
  • Để tránh và giảm sưng phù người bệnh nên chườm lạnh lên vùng khớp bị thương . Có thể dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên da hoặc cho đá vào miếng vải để chườm.
  • Nhanh chóng, nhẹ nhàng vận chuyển người bị sai khớp đến cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra và điều trị.

Phương pháp điều trị tại cơ sở y tế:

  • Nguyên tắc điều trị là đưa khớp trở về vị trí cũ càng sớm càng tốt.
  • Bất động cho khớp khỏi bị trật lại.
  • Để khớp lành hẳn tránh cho khớp đó hoạt động mạnh trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tháng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sai khớp

Người bệnh cần uống thuốc và điều trị theo phương pháp của bác sĩ, không nên ngưng   hoặc tự thêm thuốc khi không có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu chưa hồi phục.

Nên hỏi bác sĩ những bài tập thể dục phù hợp với bạn nhất để giúp cơ thể nhanh hồi phục, luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh lo toan, áp lực. Đặc biệt, không nên để khớp đó hoạt động quá mạnh, điều này sẽ khiến khớp đó khó lành, thậm chí là phát sinh nhiều điều rủi ro khác.

Phương pháp phòng bệnh hiệu quả

  • Nên hoạt động vừa sức.
  • Học cách sử dụng các dụng cụ thể thao đúng cách.
  • Đeo dụng cụ bảo hộ chuyên dụng cho các khớp khi lao động, leo núi.
  • Luyện tập thể dục thường xuyên để xương khớp dẻo dai.
  • Cần cho khớp được nghỉ ngơi sau khi hoạt động.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan