Sốt xuất huyết do virus Hanta

Tìm hiểu chung

Sốt xuất huyết do virus Hantan là bệnh gì?

Virus Hantan là một loại virus truyền nhiễm thông qua loài gặm nhấm. Virus này có thể gây bệnh cho người trên khắp thế giới nhưng không gây bệnh cho các loài gặm nhấm. Virus Hantan được phát hiện đầu tiên tại sông Hantan của Hàn Quốc vào năm 1978. Có ít nhất 20 loại virus Hantan được phát hiện, mỗi loại thích ứng với một loài gặm nhấm và phân bố ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam virus Hantan đã được tìm thấy ở loài chuột Rattus Norvegicus ở một số tỉnh miền Bắc và có 11 loại của Việt Nam được đăng ký tại Ngân hàng gen Quốc tế, trong đó 10 loại có cấu trúc gen thuộc chủng vùng Seoul. Đặc biệt, đã phát hiện một virus mới tại tỉnh Cao Bằng và được đặt tên là virus CBVN.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi sốt xuất huyết do virus Hantan

Bệnh sốt xuất huyết do virus Hantan có thời gian ủ bệnh ở người khoảng 2 – 4 tuần trước khi xảy ra các triệu chứng điển hình. Bệnh có thể gây tỷ lệ tử vong cao đối với bệnh sốt xuất huyết do virus Hantan gây ra.

Sốt xuất huyết do virus Hantan gây ra thường có 2 hội chứng, hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận và hội chứng sốt xuất huyết kèm suy phổi.

Hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận (HFRS): sau thời gian ủ bệnh từ 1 – 2 tuần, triệu chứng sẽ xuất hiện với các dấu hiệu:

  • Nhức đầu;
  • Đau lưng;
  • Đau bụng;
  • Sốt;
  • Lạnh run;
  • Nôn ói;
  • Có thể có tình trạng mặt ửng đỏ;
  • Viêm đỏ kết mạc mắt;
  • Phát ban ngoài da.

Sau đó bệnh nhân có thể bị huyết áp thấp, sốc (tương tự sốt xuất huyết dengue) đồng thời xuất hiện suy thận cấp. Tỷ lệ tử vong chiếm khoảng từ 1 – 15% và một số trường hợp tự hồi phục hoàn toàn sau vài tuần đến vài tháng.

Hội chứng sốt xuất huyết kèm suy phổi (HPS): Thời gian ủ bệnh sau phơi nhiễm kéo dài khoảng từ 1 – 5 tuần, triệu chứng sớm ban đầu là:

  • Mệt mỏi, sốt;
  • Đau nhức cơ vùng đùi, hông, lưng, vai;
  • Nhức đầu, chóng mặt;
  • Nôn ói;
  • Tiêu chảy, đau bụng.

Triệu chứng hô hấp xuất hiện khoảng từ 4 – 10 ngày sau đó kèm ho, khó thở. Tình trạng khó thở diễn tiến ngày càng tăng và có thể suy hô hấp rất nặng. Hội chứng này có tỷ lệ tử vong khoảng 40 – 50%, những người còn sống, hồi phục nhanh, chức năng phổi trở lại hoàn toàn bình thường.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh gây ra tỷ lệ tử vong cao, do đó, nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến sốt xuất huyết do virus Hantan

Người bị nhiễm virus do tiếp xúc những chất bài tiết của động vật gặm nhấm, nhiễm bệnh qua đường hô hấp và các chất bài tiết thải ra từ chuột hay bị chuột cắn, qua các vùng da bị tổn thương, niêm mạc mắt, mũi miệng, do nước hoặc thức ăn đã bị nhiễm virus Hantan trước đó.

Hội chứng sốt xuất huyết kèm suy phổi (HPS): Có hai hoặc nhiều virus Hantan: Virus Sin Nombre gây dịch ở Tây Nam Mỹ, Bắc Mỹ; Vi rút Black Creek Canal gây bệnh ở Florida… Ngoài ra, còn có ít nhất 2 loài virus nữa được biết nhờ dựa vào trật tự gen được khuyếch đại từ tổ chức của người. Có phản ứng chéo với các thành viên của giống virus Hantan mà ta thường gặp nhất là giữa virus Prospect Hill và virus Puumala.

Hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận (HFRS): Virus Hantan chủ yếu gặp ở Châu Á và virus Seoul ở khắp nơi trên thế giới


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ sốt xuất huyết do virus Hantan?

Bệnh thường thấy ở người lớn, nhóm tuổi từ 20 – 50 tuổi. Hiếm khi gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi và những người già. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao là:

  • Những người sống ở nơi có nhiều chuột.
  • Những người thường đi dạo trong rừng, ngoài đồng hoặc thích đi cắm trại.
  • Người làm việc trong các kho hàng hay tại những vựa lúa.
  • Người làm nghề thợ điện, sửa ống nước…
  • Những người làm rừng, làm trong phòng thí nghiệm thường xuyên tiếp xúc và sử dụng các loài chuột hoặc các loài gặm nhấm.

Hiếm xảy ra lan truyền virus Hantan từ người bệnh sang người khỏe mạnh.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết do virus Hantan

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thông qua khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng của người bệnh, lấy mẫu từ huyết thanh hay máu toàn phần của bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng điển hình từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 9 sau khi sốt để tiến hành xét nghiệm. Ngoài ra, có thể lấy nước bọt, phân và nước tiểu của bệnh nhân để phân lập.

Một số biện pháp được sử dụng:

  • Kháng thể miễn dịch huỳnh quang (IFA);
  • Miễn dịch enzyme;
  • Ngăn ngưng kết hồng cầu;
  • Xét nghiệm Western Blot;
  • Xét nghiệm RT-PCR.

Phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết do virus Hantan hiệu quả

Nguyên tắc điều trị:

  • Chẩn đoán sớm, nếu nghi ngờ cần đưa vào bệnh viện để cách ly.
  • Quan sát những mối quan hệ gần đối với bệnh nhân.
  • Cẩn thận tránh lây nhiễm khi tiếp xúc với bệnh nhân.
  • Điều trị tích cực.
  • Ngăn chặn một cách nghiêm ngặt.

Hiện tại vẫn chưa có thuốc để điều trị bệnh sốt xuất huyết do virus Hantan gây ra. Mọi phương pháp được thực hiện trong quá trình điều trị đều là tạm thời, chỉ giải quyết tạm thời các triệu chứng. Với một số trường hợp sau cần phải được điều trị ngay lập tức:

  • Hội chứng tiểu cầu thẩm tách màng bụng (chiếm 1%- 3% ca bệnh).
  • Bội nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm nấm cần phải dùng thuốc kháng sinh.
  • Trường hợp mất nước nhiều cần phải truyền dịch.

Ngoài ra, khi bệnh nhân có một số triệu chứng như đau đầu, đau lưng, đau bụng, nôn mửa, khó chịu trong các bộ phận của cơ thể, cần phải sử dụng các thuốc làm mất cảm giác đau, thuốc trị co thắt, hay thuốc an thần, thuốc ngủ.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh xuất huyết do virus Hantan

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Hiện nay bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, ngăn ngừa chủ yếu là kiểm soát các loài gặm nhấm. Bạn có thể phòng bệnh bằng một số biện pháp sau đây:

  • Tránh tiếp xúc với chuột và chất thải của loài gặm nhấm.
  • Người dân nên sử dụng ủng cao su khi đi đến những nơi có chuột sinh sống, ngủ màn để tránh bị chuột cắn.
  • Khi tiếp xúc với chuột, bẫy chuột hoặc khi vệ sinh khu vực có chuột phải đeo khẩu trang, mang găng tay và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc.
  • Giữ vệ sinh gọn gàng nơi ở, nơi làm việc để làm giảm sự phát triển của chuột và dùng hóa chất sát khuẩn để vệ sinh nơi có chuột.
  • Khi nuôi các loại thú thuộc họ gặm nhấm (chuột, bọ, sóc…) cần thận trọng khi chăm sóc, tránh để nước tiểu, phân tiếp xúc với các vùng da bị tổn thương, mắt, mũi và miệng.
  • Không cho loài gặm nhấm xâm phạm thức ăn của người và gia súc.
  • Không quét và hút bụi ở nơi có chuột mà nên dùng khăn tẩm hóa chất để lau.

Để chống dịch bệnh lan rộng, bạn cần:

  • Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân.
  • Quản lý người lành mang vi rút, người tiếp xúc.
  • Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao (thuốc, vắc xin).
  • Xử lý môi trường: Phun hóa chất, tổng vệ sinh, diệt chuột bằng các biện pháp thích hợp.
  • Khi phát hiện các triệu chứng nên đến các bệnh viện để kiểm tra và điều trị đúng bệnh.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan