Tim bẩm sinh

Tìm hiểu chung

Bệnh tim bẩm sinh là gì?

Bệnh tim bẩm sinh là bệnh xảy ra khi tình trạng cấu trúc tim có vấn đề ngay từ lúc trẻ mới sinh ra. Bệnh tim bẩm sinh có thể gồm rất nhiều vấn đề khác nhau, ảnh hưởng đến tim và cũng là nguyên nhân của nhiều ca tử vong ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nếu trong thời gian mang thai, dị tật tim ở thai nhi được phát hiện sớm hoặc nếu trẻ sơ sinh được nhanh chóng điều trị bằng phẫu thuật thì có khả năng cao sẽ được cứu chữa và không để lại biến chứng trong giai đoạn phát triển của trẻ.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh

Một số trường hợp, triệu chứng của tim bẩm sinh không xuất hiện cho đến khi trẻ ra đời. Các triệu chứng bao gồm:

  • Môi, da, ngón tay, ngón chân tím;
  • Khó thở;
  • Bú khó;
  • Cân nặng khi sinh thấp;
  • Đau ngực;
  • Tăng trưởng chậm.

Vài trường hợp khác, các triệu chứng chỉ xuất hiện sau khi sinh nhiều năm, bao gồm:

  • Nhịp tim bất thường;
  • Chóng mặt;
  • Khó thở;
  • Ngất xỉu;
  • Phù;
  • Mệt mỏi.

Biến chứng có thể gặp của bệnh tim bẩm sinh

Ở các trường hợp nặng nếu không được điều trị có thể dẫn đến suy tim, tăng áp động mạch phổi, tím tái nặng do thiếu oxy, chậm tăng trưởng, chậm phát triển tâm thần, vận động, nhiễm trùng phổi và khiến cho bệnh nhi tử vong trong quá trình phát triển.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh tim thuộc nhóm bệnh nguy hiểm, một số bệnh về tim rất khó điều trị. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của con bạn, tốt nhất trong thời kỳ mang thai, bạn nên khám thai định kỳ hoặc sau khi sinh con, nếu thấy trẻ có bất kỳ triệu chứng nào kể trên hay những biểu hiện bất thường, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp trẻ mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tim bẩm sinh

Các nhà khoa học chưa xác định được lý do tại sao tim phát triển một cách không hoàn chỉnh. Bệnh tim bẩm sinh là do cấu trúc tim có vấn đề, các dị tật thường cản trở dòng máu bình thường qua tim và có thể ảnh hưởng đến hô hấp.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh?

Vì là dị tật bẩm sinh nên ai cũng có nguy cơ mắc phải.

Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Di truyền trong gia đình.
  • Các vấn đề liên quan đến gen hoặc nhiễm sắc thể ở trẻ em, chẳng hạn như hội chứng Down.
  • Việc sử dụng một số thuốc theo toa trong quá trình mang thai khiến trẻ có nguy cơ cao mắc dị tật tim.
  • Việc sử dụng rượu hoặc ma túy trong thời gian mang thai có thể làm tăng nguy cơ khiến con bạn bị dị tật tim.
  • Các mẹ bầu bị nhiễm virus trong tam cá nguyệt đầu của thai kỳ có nhiều khả năng sinh con bị dị tật tim.
  • Tăng lượng đường trong máu như bệnh tiểu đường, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh

Bác sĩ có thể phát hiện một số vấn đề trước khi bé được sinh, các vấn đề khác có thể được phát hiện ở trẻ sơ sinh, trẻ em hoặc người lớn. Bác sĩ chẩn đoán dựa vào nghe tim, khám lâm sàng và thông qua các xét nghiệm để nhìn thấy cấu trúc bất thường và những tổn thương ở tim. Các xét nghiệm bao gồm:

  • Siêu âm tim.
  • Thông tim.
  • Chụp X-quang.
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG).
  • MRI: máy quét hình ảnh cho phép bác sĩ nhìn thấy cấu trúc tim.

Phương pháp điều trị bệnh tim bẩm sinh hiệu quả

Dựa vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có các phương án điều trị khác nhau.

Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Thuốc: Dùng thuốc để giúp tim hoạt động hiệu quả hơn cũng như để ngăn ngừa máu đông hoặc kiểm soát nhịp tim bất thường.
  • Thiết bị cấy vào tim: Thông thường sử dụng thiết bị khử rung tim hay máy tạo nhịp tim có thể giúp ngăn chặn một số biến chứng do tim hoạt động bất thường. Trong đó, máy điều hòa nhịp tim sẽ giúp tim đập ổn định hơn.
  • Thủ thuật đặt catheter: Đưa một ống nhỏ luồng vào tim và sửa chữa tim bằng cách dùng công cụ đi qua ống thông này. Thủ thuật này giúp bác sĩ chữa trị dị tật ở tim không cần mổ lồng ngực.
  • Phẫu thuật mở tim: Nếu thủ thuật đặt catheter không đáp ứng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật.
  • Ghép tim: Khi dị tật tim bẩm sinh quá phức tạp để sửa chữa, bác sĩ sẽ đề nghị cấy ghép tim.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tim bẩm sinh

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Sau khi điều trị, bạn vẫn nên đưa trẻ đi tái khám định kì để theo dõi tình trạng sức khỏe.
  • Nếu đang có kế hoạch mang thai, hãy nói với bác sĩ về những thuốc bạn đang dùng.
  • Nếu bạn bị tiểu đường, hãy đảm bảo mức đường trong máu đang được kiểm soát trước khi mang thai. Bạn cũng nên thảo luận với bác sĩ để kiểm soát bệnh trong khi mang thai.
  • Nếu không được chủng ngừa rubella hay bệnh sởi, bạn hãy tránh tiếp xúc với bệnh và nói chuyện với bác sĩ về các cách phòng chống.
  • Nếu có bệnh sử gia đình về bệnh tim bẩm sinh, bạn hãy hỏi ý kiến của chuyên gia về việc sàng lọc di truyền vì một số gen có thể góp phần gây bất thường ở tim.
  • Nếu bạn đang mang thai, tránh uống rượu và sử dụng ma túy.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan