Trùng roi sinh dục nữ

Tìm hiểu chung

Bệnh trùng roi sinh dục nữ là gì?

Bệnh trùng roi sinh dục nữ (viêm âm đạo do trùng roi) là một bệnh nhiễm khuẩn do một sinh vật đơn bào ký sinh vào âm đạo của nữ giới. Bệnh gây viêm nhiễm âm đạo và để lại các biến chứng khiến phụ nữ mất đi quyền được làm mẹ.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trùng roi sinh dục nữ

Khi mắc bệnh trùng roi âm đao, bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng sau:

  • Khí hư màu vàng, hơi xám, đặc biệt có bọt và mùi hôi nặng;
  • Ra khí hư nhiều, màu xanh hơn nếu nhiễm thêm vi khuẩn khác;
  • Ngứa âm hộ, âm đạo;
  • Bên ngoài cơ quan sinh dục có các vết lở loét;
  • Đau rát khi quan hệ hoặc khi đi tiểu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh có khả năng lây nhiễm cao và gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu không được điều trị bệnh còn có thể gây viêm buồng trứng, viêm loét cổ tử cung và gây vô sinh. Do đó, khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị mắc bệnh, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh trùng roi sinh dục nữ

Nguyên nhân gây bệnh là trùng roi, có khả năng tồn tại trong môi trường nước lên tới 40 phút. Người mang bệnh là cả nam và nữ. Một điều quan trọng cần chú ý đối tượng nam giới là nguồn bệnh nguy hiểm Khi bị nhiễm trùng roi thường ít có triệu chứng lâm sàng hoặc không biết những tác hại và hậu quả của bệnh nên người bệnh thường không đi khám hay điều trị, dẫn tới việc dễ lây nhiễm cho bạn tình qua đường tình dục.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh trùng roi sinh dục nữ?

Cả nam giới và nữ giới đều có nguy cơ bị nhiễm trùng roi. Trong đó nữ giới có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Sử dụng chung khăn tắm với người bệnh.
  • Quan hệ tình dục không an toàn bao gồm việc không dùng bao cao su khi quan hệ hoặc quan hệ với nhiều người.
  • Người hành nghề mại dâm.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh trùng roi sinh dục nữ

Bác sĩ chẩn đoán bệnh thông qua khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng của người bệnh, hỏi về tiền sử tiếp xúc và thông qua xét nghiệm tìm vi trùng trong chất dịch âm đạo.

Phương pháp điều trị bệnh trùng roi sinh dục nữ hiệu quả

Người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc uống và thuốc đặt âm đạo đặc hiệu. Các thuốc có thể được sử dụng là tinidazol, nimorazol, ornidazole (uống) và metronidazol (đặt vào âm đạo).

Ngoài ra cần phải tuân thủ một số nguyên tắc khi điều trị bệnh như:

  • Điều trị kết hợp với các thuốc diệt nấm và vi khuẩn có thể phát sinh.
  • Do bệnh có khả năng lây lan qua đường tình dục nên trong thời gian điều trị tuyệt đối không được giao hợp để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm cũng như tái phát bệnh trở lại.
  • Điều trị cho cả vợ lẫn chồng vì bệnh có thể lây từ vợ sang chồng và ngược lại.
  • Thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục để làm giảm mức độ viêm nhiễm.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh trùng roi sinh dục nữ

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Không được quan hệ tình dục cho đến khi bệnh đã khỏi hẳn.
  • Vệ sinh âm đạo sạch sẽ theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Đối với việc phòng chống bệnh, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Tuyên truyền giáo dục sức khỏe giới tính.
  • Không sử dụng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh.
  • Không quan hệ tình dục bừa bãi, tốt nhất khi quan hệ nên sử dụng các biện pháp bảo vệ.
  • Trang bị đủ tiện nghi vệ sinh cho phụ nữ ở trường học, nhà ở, nơi làm việc…
  • Khi phát hiện các triệu chứng nên đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị đúng bệnh; đồng thời thông báo cho bạn tình để kịp thời điều trị.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan