Vẩn đục dịch kính

Vẩn đục dịch kính là gì?

Vẩn đục dịch kính là tình trạng phần chất lỏng trong lòng nhãn cầu từ dạng trong suốt chuyển thành vẩn đục. Nguyên nhân gây vẩn đục dịch kính có thể xuất phát từ việc dịch bị lỏng, bị các tế bào trong máu xâm nhập hoặc do thoái hóa dịch. Bệnh khiến cho mắt mờ và không thể nhìn thấy rõ các hình ảnh của sự vật. Không có biện pháp điều trị chính thức cho bệnh vì sau một khoảng thời gian, bệnh có thể tự thuyên giảm.

Tìm hiểu chung

Vẩn đục dịch kính là gì?

Vẩn đục dịch kính là tình trạng phần chất lỏng trong lòng nhãn cầu từ dạng trong suốt chuyển thành vẩn đục. Nguyên nhân gây vẩn đục dịch kính có thể xuất phát từ việc dịch bị lỏng, bị các tế bào trong máu xâm nhập hoặc do thoái hóa dịch. Bệnh khiến cho mắt mờ và không thể nhìn thấy rõ các hình ảnh của sự vật. Không có biện pháp điều trị chính thức cho bệnh vì sau một khoảng thời gian, bệnh có thể tự thuyên giảm.

Dịch kính là một chất có dạng trong suốt, đặc như lòng trắng trứng gà. Dịch nằm phía sau thủy tinh thể, trong lòng nhãn cầu, chiếm 6/10 thể tích của toàn bộ nhãn cầu. Trong dịch kính không hề chứa bất cứ gì, kể cả mạch máu; nó chỉ được nuôi dưỡng bằng các chất được thẩm thấy từ hắc mạc.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của vẩn đục dịch kính

Do tính chất trong suốt nên ánh sáng có thể xuyên qua dịch kính để đến não bộ và được xử lý thành hình ảnh sắc nét. Nếu dịch kính bị vẩn đục, mắt sẽ có các hiện tượng:

  • Hình ảnh nhìn thấy bị mờ;
  • Nhìn thấy các dấu chấm nhỏ hoặc đường lượn sóng trôi nổi trước mắt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh có thể phát triển thành chứng rách hoặc bong võng mạc. Mạc dù biến chứng này rất hy hữu nhưng không phải là không có khả năng xảy ra với mắt của bạn. Vì thế, khi bạn cảm thấy mắt càng lúc càng mờ dần hoặc các đốm nhỏ trước mắt càng lúc càng nhiều thì hãy đến bác sĩ chuyên khoa mắt để được kiểm tra.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến vẩn đục dịch kính

Thông thường, dịch kính không tự nhiên vẩn đục mà do chịu ảnh hưởng từ những bệnh lý khác liên quan đến các màng trong nhãn cầu. Các nguyên nhân có thể khiến dịch kính bị vẩn đục bao gồm:

Thoái hóa:

Khi bị tổn thương do thoái hóa, dịch kính có thể ở 3 dạng:

  • Dịch kính lỏng: Dịch kính không ở trạng thái đặc mà chuyển thành lỏng, có thể kèm vẩn đục và bóng khí; cũng không còn trong suốt mà mờ dần. Bên trong dịch kính có xuất hiện các sợi dài ngắn không đều xem kẽ nhau và thường di chuyển khi nhãn cầu mắt chuyển động. Dịch kính lỏng thường gặp cùng với các bệnh về màng bồ đào và cận thị nặng.
  • Thể chơi vơi: Khi các tế bào bạch cầu, tế bào lympho, tế bào sắc tố có thể xâm nhập vào dịch kính sẽ làm cho dịch kính bị vẩn đục. Hiện tượng này thường gặp ở người già và người cận thị có những tổn thương như thoái hóa hắc võng mạc, thoái hóa mạch máu, bong võng mạc.
  • Nhuyễn thể lấp lánh: Dạng này thường kèm theo dịch kính lỏng nhưng không gây rối loạn thị giác. Khi soi dùng đèn chuyên dụng soi vào dịch kính sẽ thấy có những điểm sáng lấp lánh, soi vào đáy mắt sẽ thấy có các hạt nhỏ, máu trắng, có thể di chuyển khi mắt chuyển động. các hạt nhỏ này có thể là tinh thể tyrozin, cholesterin, hoặc vôi photphas. Hiện tượng này thường gặp ở người già, người bị thoái hóa mắt do bệnh lậu hoặc do từng gặp chấn thương ở mắt.

Viêm nhiễm:

Nếu như bị viêm màng bồ đào mắt (thường là viêm do bệnh giang mai) thì dịch kính thường bị vẩn dục ở phần sau.

Nếu dịch kính bị vẩn đục ở phần trước, đây có thể là dấu hiệu của viêm mống mắt thể mi.

Bệnh nhiễm tinh bột:

Chất dạng tinh bột có thể lắng đọng ở nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể, có thể lắng đọng ở các vùng của mắt như mạch máu võng mạc, hắc mạc, vùng bè; và cũng gây vẩn đục dịch kính.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị vẩn đục dịch kính?

Vẩn đục dịch kính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường thấy nhất ở người lớn tuổi. Những người ở độ tuổi ngoài 40 thì đã có khả năng mắc bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ vẩn đục dịch kính, bao gồm:

  • Viêm màng bồ đào mắt.
  • Cận thị nặng: Dịch kính tự loãng để thích ứng với độ lớn của nhãn cầu.
  • Gặp chấn thương ở mắt như bong võng mạc, xuất huyết dịch kính.
  • Người cao tuổi: Dịch kính thường lỏng ra và có bóng khí, vẩn đục.
  • Người tiếp xúc với tia lửa thường xuyên mà không dùng kính bảo hộ.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán vẩn đục dịch kính

Bác sĩ sẽ hỏi về những bệnh mà bệnh nhân đã từng mắc phải để biết có liên quan đến vẩn đục dịch kính hay không.

Dùng đèn pin chuyên dụng để soi vào bên trong mắt nhằm phát hiện những thay đổi bên trong dịch kính.

Kiểm tra thị lực mắt xem mắt có nhìn thấy rõ các vật thể hay không.

Ngoài ra, các loại xét nghiệm có thể được dụng để hỗ trợ chẩn đoán tình trạng vẩn đục dịch kính và phát hiện nguyên nhân là siêu âm, chụp X-quang, MRI.

Phương pháp điều trị vẩn đục dịch kính hiệu quả

Hiện tượng vẩn đục dịch kính không quá nghiêm trọng. Bệnh có thể được cải thiện sau một thời gian. Ngoài ra, mắt có thể thích nghi dần với hiện tượng này và khi nhìn các vật thể sẽ ít khó chịu hơn.

Cách thường được sử dụng là tập thể dục cho mắt, tức đảo tròng mắt để các vết vẩn đục trong dịch kính có thể đi về hướng khác mà không nằm trong tầm nhìn của mắt nữa.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của vẩn đục dịch kính

Vẩn đục dịch kính thường là hiện tượng tự nhiên khi lớn tuổi, bạn không cần quá lo ngại khi gặp hiện tượng này vì bệnh rất hiếm khi có trường hợp biến chứng.

Nếu vẩn đục dịch kính do các nguyên nhân khác gây nên, bạn nên ngăn chặn các yếu tố nguy cơ để không làm trầm trọng thêm tình trạng vẩn đục.

Bổ sung i-ốt, canxi và các loại vitamin A, C, D.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Nếu vẫn chưa có hiện tượng vẩn đục dịch kính mà đang trong trạng thái bị viêm màng bồ đào hay xuất huyết dịch kính, bạn nên điều trị khẩn cấp hai căn bệnh này.

Đeo kính bảo hộ khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, đặc biệt là tia lửa.

Khi thấy có dấu hiệu bất thường của mắt, đặc biệt là các dấu hiệu nêu trên, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra.

Khám mắt định kỳ 6 tháng/lần để nắm rõ tình trạng sức khỏe của mắt.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan