Viêm bờ mi

Viêm bờ mi là gì?

Viêm bờ mi hay còn gọi là viêm mí mắt, thường liên quan đến bộ phận mí mắt nằm gần lông mi. Viêm bờ mi thường là sự ảnh hưởng khi các bộ phận cận kề gặp trục trặc hoặc do nhiễm vi khuẩn gây nên. Bệnh không gây nguy hiểm nhưng nếu không chữa trị, bệnh sẽ làm mắt đỏ, ngứa kéo dài và gây dày sừng ở mi mắt khiến người bệnh khó chịu. Để phòng ngừa, bạn nên bảo vệ đôi mắt sạch sẽ và dùng thuốc kháng sinh để điều trị khi có dấu hiệu bệnh.

Tìm hiểu chung

Viêm bờ mi là gì?

Viêm bờ mi hay còn gọi là viêm mí mắt, thường liên quan đến bộ phận mí mắt nằm gần lông mi. Viêm bờ mi thường là sự ảnh hưởng khi các bộ phận cận kề gặp trục trặc hoặc do nhiễm vi khuẩn gây nên. Bệnh không gây nguy hiểm nhưng nếu không chữa trị, bệnh sẽ làm mắt đỏ, ngứa kéo dài và gây dày sừng ở mi mắt khiến người bệnh khó chịu. Để phòng ngừa, bạn nên bảo vệ đôi mắt sạch sẽ và dùng thuốc kháng sinh để điều trị khi có dấu hiệu bệnh.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm bờ mi

  • Đỏ mắt;
  • Ngứa và cộm mắt;
  • Chảy nước mắt;
  • Nhạy cảm với ánh sáng;
  • Nóng rát, sưng mi mắt;
  • Đóng vảy cứng ở vùng mi mắt;
  • Rụng mi.

Biến chứng có thể gặp khi viêm bờ mi

Bạn có thể sẽ gặp các trường hợp sau khi đã bị viêm bờ mi:

  • Rụng lông mi hoặc lông mi mọc lệch lạc.
  • Sẹo có thể tồn tại lâu dài trên mí mắt của bạn.
  • Tình trạng viêm tuyến bã ở mi mắt gây ra chắp mắt.
  • Viêm kết mạc mãn tính (Đỏ mắt).
  • Viêm loét giác mạc và nhiễm trùng giác mạc.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi mắt bạn gặp các triệu chứng trên, mặc dù đã vệ sinh mắt sạch sẽ trong vòng vài ngày nhưng vẫn không có biểu hiện thuyên giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được kiểm tra và điều trị. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm bờ mi

Viêm bờ mi có thể do hai tác nhân lớn sau đây:

  • Do khuẩn tụ cầu Staphylococcus: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất ở người bị viêm bờ mi.
  • Do tăng tiết hoặc rối loạn tuyến bã nhờn: Đây cũng là nguyên nhân của rất nhiều căn bệnh nhãn khoa khác. Tác nhân này còn có thể gây ra bệnh viêm da tiết bã, làm các vùng da bị ảnh hưởng tăng sừng.

Hai nguyên nhân trên có thể tác động đơn độc hoặc đồng thời cùng xuất hiện trên một người bị viêm bờ mi.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị viêm bờ mi?

Tỉ lệ người mắc bệnh viêm bờ mi tương đối cao, chiếm khoảng ⅓ số bệnh nhân đến khám các các trung tâm chuyên khoa mắt. Bệnh đặc biệt nhiều ở trẻ em. Nguyên nhân được tìm thấy gây viêm bờ mi ở trẻ thường là tụ cầu Staphylococcus.

Viêm bờ mi có thể là dấu hiệu hoặc hậu quả của các vấn đề sau:

  • Viêm da tiết bã.
  • Mí mắt gặp vấn đề về tuyến bã.
  • Rụng lông mi.
  • Trứng cá đỏ.
  • Dị ứng với một số dị nguyên hoặc do dùng thuốc.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm bờ mi

Bác sĩ có thể hỏi về tiền sử bệnh lý, thói quen sinh hoạt của bạn và kiểm tra mắt, mi mắt bằng đen pin chuyên dụng.

Trích để lấy mẫu dầu ở tuyến bã vùng mi mắt hoặc trích mẫu da ở vùng bị viêm để xét nghiệm kiểm tra vi khuẩn hoặc kiểm tra dị ứng.

Phương pháp điều trị viêm bờ mi hiệu quả

Phương pháp điều trị viêm bờ mi có thể bao gồm:

  • Điều trị tại chỗ: Vệ sinh khu vực mắt bị viêm.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được dùng để bôi hoặc nhỏ vào mắt. Thuốc có thể kiểm soát bệnh nếu nguyên nhân gây viêm là do nhiễm khuẩn gây ra.
  • Dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ có chứa steroid: Chúng có khả năng kiểm soát viêm.
  • Kết hợp dùng nước mắt nhân tạo: Loại này có thể làm sạch mắt, khiến mắt không bị khô và bám bụi.
  • Nếu viêm bờ mi là hệ quả của các bệnh khác, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và kết hợp điều trị các bệnh đó nhằm cắt đứt nguy cơ tái phát.

Viêm bờ mi có thể là bệnh cấp tính hoặc mãn tính. Điều trị bệnh không quá khó khăn nhưng phải luôn chú ý đến việc bệnh có thể tái phát.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm bờ mi

Viêm bờ mi có thể cần mất thời gian dài để chăm sóc vì bệnh có thể quay trở lại. Bạn nên thực hiện một số phương pháp sau đây để hạn chế khả năng mắc bệnh lần nữa:

  • Rửa sạch mắt mỗi ngày, nên dùng nước muối sinh lý để rửa mắt.
  • Dùng khăn mềm lau nhẹ mắt để làm sạch bụi và cặn đóng ở mi mắt.
  • Cung cấp cho cơ thể các loại vitamin A, B2, dầu gan cá thu,…
  • Không nên tự ý dùng tay hoặc các vật khác tác động lên vùng mi bị tổn thương vì có thể làm nó bị nhiễm trùng nặng hơn và gây ra các biến chứng khác hoặc để lại sẹo vĩnh viễn.
  • Tuân thủ đúng việc sử dụng thuốc,lời dặn của bác sĩ  và tái khám theo đúng thời gian quy định.
  • Nếu có biểu hiện bất thường ở mắt trong thời gian điều trị tại nhà, bạn nên thông báo với bác sĩ ngay lập tức.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Dùng nước sạch để rửa mặt.
  • Dùng khăn sạch để lau mặt, không dùng chung khăn với người khác.
  • Dùng kính mát hoặc kính bảo hộ để bảo vệ mắt khi đi ra đường, đặc biệt ở những nơi nhiều khói bụi, ô nhiễm.
  • Vệ sinh bàn tay sạch sẽ, không nên dùng tay dụi vào mắt vì có thể làm tổn thương mắt và truyền vi khuẩn từ tay sang mắt.
  • Nên tẩy trang lớp trang điểm sạch sẽ trước khi ngủ, không dùng phấn mắt trôi nổi, mascara nên thay 6 tháng/1 lần.
  • Không nên dùng kính áp tròng thường xuyên và khi dùng phải vệ sinh sạch sẽ.
  • Nếu bị viêm da bã tiết, có gàu xuất hiện nhiều trên da đầu, bạn nên thông báo với bác sĩ và kiếm một loại dầu gội trị gàu phù hợp.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan